Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Manhattan Trung Quốc': Từ Tây Hồ đến sông Tiền Đường

Với các kế hoạch phát triển dọc hai bờ sông Tiền Đường, thành phố Hàng Châu kỳ vọng sẽ tạo ra một trung tâm tài chính mang ảnh hưởng quốc tế, một "Manhattan kiểu Trung Quốc".

Hàng Châu là thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, một trong ba tỉnh giàu nhất Trung Quốc cùng với Quảng Đông và Giang Tô. Với diện tích khoảng 3.068 km2 và dân số 6,5 triệu người, Hàng Châu là một trong những đô thị trọng điểm của vùng châu thổ sông Trường Giang.

Trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử, Tây Hồ với diện tích khoảng 10 km2 đã luôn là trung tâm phát triển của Hàng Châu. Tuy nhiên, vào cuối những năm 90, thành phố đề ra chiến lược phát triển mới gọi là "Lấn Đông" nhằm mở rộng đô thị về phía đông, phát triển dọc theo sông Tiền Đường.

Lấy Tiền Đường làm trung tâm

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Hàng Châu lần lượt khởi động hai dự án Thành phố Mới Tiền Giang và Thành phố Thế kỷ Tiền Giang nằm đối diện nhau qua sông Tiền Đường. Hai khu vực này được kỳ vọng trở thành trung tâm mới của Hàng Châu trong khi trung tâm cũ ở Tây Hồ sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí.

Theo nghiên cứu của giáo sư Zhu Jian, chuyên gia về quy hoạch đô thị tại Đại học Waterloo (Canada), kể từ khi triển khai dự án Thành phố Mới Tiền Giang, chính quyền đã nhấn mạnh vào thiết kế tiêu chuẩn cao có thể xem xét mọi đặc tính của một đô thị hiện đại. Đồng thời, thiết kế cũng phải phản ánh đầy đủ những đặc thù và di sản văn hóa phong phú của Hàng Châu.

quy hoach song Tien Duong anh 1
Thành phố Mới Tiền Giang (bên phải) nằm về bờ bắc sông Tiền Đường ở Hàng Châu. Ảnh: Getty.

Trước khi dự án Thành phố Mới với tổng diện tích 15,8 km2 thành hình, việc quy hoạch, thiết kế đã được chính quyền triển khai với sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài Trung Quốc. Năm 1999, Cục Quy hoạch Hàng Châu tổ chức thiết kế cảnh quan đô thị cho các khu vực dọc theo hai bên sông Tiền Đường. Cùng năm đó, Viện Quy hoạch và Thiết kế Hàng Châu đã đưa ra kế hoạch điều chỉnh cho cùng khu vực.

Năm 2000, Viện Quy hoạch và Thiết kế Hàng Châu xây dựng Thiết kế và Quy hoạch định hướng cho Thành phố Mới. Năm 2001, việc khởi công dự án Nhà hát lớn Hàng Châu chính thức đánh dấu việc xây dựng Thành phố Mới.

Cùng Nhà hát lớn Hàng Châu, Trung tâm Công dân cũng như Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế là ba công trình biểu tượng phục vụ mục đích công cộng tạo nên "trái tim" của Thành phố Mới Tiền Giang. Nhà hát lớn Hàng Châu (thiết kế hình trăng khuyết) và Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế (tạo hình tựa mặt trời) nằm đối diện nhau, tượng trưng cho sự hòa hợp vĩnh cửu "mặt trời và mặt trăng cùng nhau tỏa sáng" (nhật nguyệt đồng huy).

Trung tâm Công dân được xây dựng dọc theo sông Tiền Đường nhằm mục đích thúc đẩy chiến lược phát triển đô thị "lấy Tiền Đường làm trung tâm". Bố cục của những công trình biểu tượng này giúp thiết lập một tầm nhìn cho thấy Thành phố Mới khác với các quận huyện khác vì nó sẽ trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Hàng Châu.

Ba công trình nói trên được kết nối thông qua một quảng trường văn hóa tráng lệ, với phần ngầm được sử dụng cho các dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí và mua sắm. Ngoài ra, dự án quan tâm nhiều đến cảnh quan và cây xanh, đặc biệt là ở các khu vực xung quanh quảng trường văn hóa và dọc theo bờ sông Tiền Đường, tin rằng việc này sẽ cải thiện môi trường đầu tư địa phương và giúp Hàng Châu đạt được mục tiêu trở thành một thành phố sinh thái.

Manhattan kiểu Trung Quốc

Nằm đối diện Thành phố Mới Tiền Giang ở bên kia sông Tiền Đường là Thành phố Thế kỷ Tiền Giang với tổng diện tích 22,27 km2. Nơi đây được kỳ vọng trở thành trung tâm đô thị mới của vùng đồng bằng phía nam sông Trường Giang cũng như là đại bản doanh của vùng công nghiệp quanh vịnh Hàng Châu.

Chính quyền Hàng Châu định hướng Thành phố Thế kỷ trở thành trung tâm thương mại đô thị đa chức năng, công nghệ cao, nhấn mạnh vào công nghiệp dịch vụ với đa dạng lĩnh vực như kinh doanh, tài chính, thương mại, thể thao, triển lãm, du lịch và giải trí.

quy hoach song Tien Duong anh 2
Với những kế hoạch phát triển dọc bờ sông Tiền Đường, tỉnh Chiết Giang có tham vọng biến khu vực thành một "Manhattan kiểu Trung Quốc". Ảnh: Wikimedia Commons.

Với những kế hoạch trên, Hàng Châu đang dần chuyển từ "kỷ nguyên Tây Hồ" sang "kỷ nguyên Tiền Đường". Dòng sông vốn nổi tiếng với lễ hội ngắm triều cường vào tháng 8 âm lịch hàng năm giờ đây đang chứng kiến những công trình mọc lên như nấm ven bờ.

Tiếp nối đà phát triển, cuối năm 2016, tỉnh Chiết Giang công bố quy hoạch xây dựng Cảng Tài chính Tiền Đường. Theo Sina, khu vực rộng lớn này bao trùm Thành phố Mới và Thành phố Thế kỷ, với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính có ảnh hưởng quốc tế, cụ thể là một "Manhattan kiểu Trung Quốc".

Sự phát triển các dự án lớn như Thành phố Mới và Thành phố Thế kỷ Tiền Giang của Hàng Châu trong quy trình đô thị hiện tại cho phép quản lý doanh nghiệp được bản địa hóa.

Thay vì tái tạo một thành phố công nghiệp hoặc giải quyết các vấn đề phát triển xã hội, các dự án đã được sử dụng để tái cấu trúc không gian vật chất của thành phố, tổ chức lại các khu vực kinh tế đô thị, hướng tăng trưởng đô thị và cải thiện khả năng cạnh tranh tổng thể của thành phố trong khu vực.

Hàng chục nghìn người hiếu kỳ xem sóng lớn sông Tiền Đường Khoảng 100.000 người đổ đến tỉnh Chiết Giang để chứng kiến những cơn sóng dữ dội cao gần 10 m ở sông Tiền Đường, khi thủy triều đạt đỉnh trong chu kỳ cực đại sau Tết Trung thu.

Vẻ kỳ vĩ của sóng triều trên sông Tiền Đường

Từ hàng trăm năm nay, vào mỗi mùa thu, người dân Trung Quốc lại đến bờ sông Tiền Đường để chứng kiến cảnh sóng triều ập vào bờ dữ dội và ngoạn mục hiếm có.

Phi Kiều - Đông Phong

Bạn có thể quan tâm