Theo CNBC, cuối tháng 5, CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt về việc trở lại văn phòng. Trong một email, ông thông báo rằng nhân viên sẽ cần "làm việc tối thiểu 40 tiếng mỗi tuần tại văn phòng".
3 tháng kể từ khi yêu cầu được đưa ra, Tesla vẫn không có đủ chỗ ngồi và nguồn lực để đưa tất cả nhân viên trở lại văn phòng.
Chính sách trở lại văn phòng cũng khiến tinh thần của nhân viên sa sút, nhất là với những nhóm được làm việc từ xa trước đại dịch.
CEO hãng xe điện Tesla yêu cầu nhân viên làm việc tối thiểu 40 tiếng mỗi tuần tại văn phòng. Ảnh: Reuters. |
Những yêu cầu mới
Khi lực lượng lao động của Tesla được mở rộng trong những năm gần đây, trọng tâm của công ty là xây dựng các trung tâm quốc tế và một nhà máy ở Texas.
Hãng xe điện hiện chưa xây dựng đủ văn phòng làm việc mới, cũng không có đủ thiết bị văn phòng ở các cơ sở Nevada và California. Do đó, nhân viên văn phòng và người lao động có hợp đồng dài hạn không thể làm việc tại văn phòng tới 40 tiếng/tuần.
Theo nguồn tin của CNBC, Tesla muốn đưa các nhân viên ở khu vực vịnh San Francisco (bang California) đến văn phòng làm việc 3 ngày mỗi tuần. Nhưng tình trạng thiếu ghế, chỗ làm việc, nơi đậu xe và những nguồn lực khác khiến kế hoạch đổ bể.
Hãng xe điện Mỹ đã phải giảm thời gian làm việc tại văn phòng xuống còn 2 ngày mỗi tuần.
Tình trạng thiếu ghế, chỗ làm việc, nơi đậu xe và những nguồn lực khác khiến kế hoạch trở lại văn phòng của Tesla đổ bể. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả các thiết bị đơn giản như dây kết nối, dây sạc cũng đang thiếu hụt. Vào những ngày đông nhân viên làm việc tại văn phòng, nhiều người phải ra ngoài để gọi điện.
Tesla không có đủ phòng họp hay bốt điện thoại văn phòng để phục vụ cho mọi nhân viên có nhu cầu.
Công ty đang giám sát việc đi làm của nhân viên. Hàng tuần, Musk cũng đọc báo cáo chi tiết về tình trạng vắng mặt của nhân viên.
Hồ sơ nội bộ cho thấy vào đầu tháng 9, trong một ngày làm việc thông thường ở Fremont (bang California) - nơi đặt nhà máy lắp ráp xe đầu tiên của Tesla, khoảng 1/8 nhân viên không có mặt ở văn phòng.
Ở toàn bộ văn phòng của Tesla, trong một ngày làm việc bình thường, 1/10 nhân viên sẽ không có mặt. Tỷ lệ này không thay đổi nhiều so với tháng 3, trước khi Musk đưa ra yêu cầu đến văn phòng làm việc.
Tỷ lệ vắng mặt sẽ tăng đột biến vào cuối tuần và gần ngày lễ. Theo nguồn tin của CNBC, chính sách trở lại văn phòng đã khiến tinh thần của nhiều nhân viên sa sút.
Khó thu hút, giữ chân nhân tài
Ngay từ trước đại dịch, các quản lý tại Tesla đã cho phép một số nhóm nhân viên thích hợp làm việc với thời gian linh hoạt. Về lý thuyết, yêu cầu nghiêm ngặt của Musk sẽ xóa bỏ quyền lợi này. Tuy nhiên, một số nhân viên đặc biệt vẫn là ngoại lệ.
Đầu tháng 6, ngay sau khi Musk yêu cầu tất cả nhân viên làm việc tối thiểu 40 tiếng mỗi tuần, Tesla đã cắt giảm số lượng lớn nhân viên.
Khoảng một tuần sau khi đưa ra yêu cầu mới, bộ phận HR của Tesla đã hỏi các nhân viên sống cách xa công ty, rằng liệu họ có thể chuyển nhà và đến văn phòng làm việc hay không.
Theo nguồn tin của CNBC, những nhân viên không chắc về việc chuyển nhà, hoặc chắc chắn không thể chuyển nhà, đã bị sa thải vào tháng 6 mà không được cảnh báo trước.
Chính sách này cũng khiến Tesla mất đi lợi thế trong việc tuyển dụng hay giữ chân nhân tài. Một số nhân viên được trọng dụng đã xin nghỉ việc vì muốn linh hoạt về không gian hơn.
Hãng xe điện Mỹ gặp nhiều rắc rối kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: Reuters. |
Theo một nhân viên của Tesla, nhiều nhân viên sống xa công ty đã phải chuyển đến nơi ở mới, cách gia đình hàng tiếng di chuyển, để đáp ứng những yêu cầu mới.
Nhân viên này cho biết những người lao động nhập cư tại công ty đang rất lo lắng. Bởi họ có thể bị tước thị thực nếu không còn công việc ở Tesla vì những yêu cầu mới.
Trong năm nay, hãng xe điện Mỹ đã chật vật vì các nhà máy mới tại bang Texas và Đức, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và những đợt phong tỏa gắt gao ở Trung Quốc do đại dịch.
Hồi tháng 6, CEO Tesla thừa nhận rằng ông đang cố ngăn hãng xe điện phá sản. "2 năm qua là một cơn ác mộng vì tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Hết chuyện này đến chuyện kia xảy ra", ông chia sẻ. Trong quý II, doanh số bán hàng của Tesla đã sụt giảm gần 18% so với quý I.
Hồi giữa tháng 6, 2 cựu công nhân đã đâm đơn kiện Tesla sau khi bị chấm dứt hợp đồng với nhà máy của hãng ở Sparks (bang Nevada). Theo đơn kiện, 500 nhân viên lao động của nhà máy đã bị chấm dứt hợp đồng mà không được thông báo trước. Đầu tháng đó, khi tuyên bố cắt giảm 10% nhân sự, Musk thừa nhận rằng ông có "cảm giác cực kỳ tồi tệ" về nền kinh tế.