Sau một năm khởi công, Quảng Ngãi rà soát, đánh giá lại quy trình đầu tư xây dựng dự án đập dâng vượt sông Trà Khúc có tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng.
Tháng 7/2019, Quảng Ngãi khởi công xây dựng dự án đập dâng Trà Khúc dài gần 1 km ở xã Tịnh An và Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi). Công trình có tổng vốn gần 1.500 tỷ đồng là dự án thủy lợi kết hợp giao thông.
Dự án gồm cống ngăn sông 19 khoang với tổng bề rộng gần 720 m, 4 khoang tràn piano. Theo chủ đầu tư, việc xây dựng đập dâng sông Trà Khúc nhằm giữ nước dâng hợp lý cho đoạn sông chảy qua TP Quảng Ngãi để tạo cảnh quan phục vụ phát triển đô thị, du lịch dịch vụ, bổ sung nguồn nước ngầm, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Sau một năm xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh này rà soát trình tự, thủ tục triển khai dự án.
Ông Căng yêu cầu cơ quan chức năng chủ động rà soát các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, quy hoạch, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án.
Về vấn đề này, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư dự án) cho hay các thủ tục liên quan đến dự án đã được thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên trong thời gian qua, dự án còn một số ý kiến lo ngại nên tỉnh chỉ đạo kiểm tra, rà soát lại cẩn thận.
Ông Phạm Đình Khối, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, cho rằng dự án đập dâng sông Trà Khúc là một trong những công trình kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và người dân Quảng Ngãi trải qua nhiều thời kỳ. "Cơ quan chức năng cần nghiên cứu thật kỹ về thủy văn, môi trường, đất đai, nhiều vấn đề phát triển xã hội. Nếu vội vàng mắc sai lầm thì sau này khó thể sửa được", ông Khối nói.
Người dân thì quan tâm đến việc bên giếng bị hụt nguồn nước. "Công trình đập dâng có vai trò giữ ngọt, ngăn mặn đâu chưa thấy, giờ đây chỉ thấy dự án làm mất nguồn nước nhiều quá. Hàng loạt giếng nước của người dân nơi đây bị cạn khô không bơm được. Chúng tôi tốn chi phí đóng lại giếng nhưng đóng cạn thì không có nước, đóng sâu xuống thì nước bị nhiễm phèn không sử dụng được", ông Trần Văn Hòa (ngụ thôn Ân Phú, xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) nói.
Giếng nước bị cạn khô, nhiều ngày qua bà Nguyễn Thị Nắp (ngụ xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) phải gánh nước về chứa dự trữ trong các thau, xô nhựa để dùng trong nấu ăn, sinh hoạt.
Các nhà thầu tập kết vật liệu xây dựng, đất, cát cao như núi sát bên nhà dân thôn Ân Phú, xã Tịnh An. Dự án được phê duyệt lần đầu vào tháng 4/2004. Sau nhiều lần điều chỉnh, đến tháng 7/2019, công trình mới được khởi công. Hiện dự án do liên doanh nhiều nhà thầu triển khai thi công với khối lượng ước đạt 500 tỷ đồng (giải ngân 1/3 tổng vốn dự án).
"Hàng trăm lượng xe tải tham gia thi công đập dâng gây bụi mù trời. Mỗi khi có luồng gió mạnh đi qua là đất, cát ngoài công trường cuốn theo tấp hết vào nhà dân dơ bẩn chịu không nổi", ông Nguyễn Chúc (ngụ xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) đưa ra đôi bàn tay bám dày lớp bụi phàn nàn.
Đảo Hòn Ngọc (TP Quảng Ngãi), nơi dự án đập dâng vượt sông Trà Khúc đang được xây dựng. Ảnh: Google Maps.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến triều cường dâng cao, đập ngăn mặn bị tháo khiến hàng nghìn hộ dân ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Bộ NN&PTNT trong một đề tài nghiên cứu đang đề xuất xây dựng 5-7 đập dâng trên sông Hồng nhằm nâng mực nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy, xử lý môi trường.