Tác giả Đinh Giang tại chương trình giao lưu và ra mắt sách. Ảnh QM. |
Đinh Giang tên thật là Đinh Khắc Quỳnh Giang. Cô sinh năm 1979 tại Huế, tốt nghiệp ngành Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Đinh Giang hiện là thạc sĩ ngành báo chí, giảng viên khoa Báo chí Truyền thông của Đại học Huế. Cô là em gái út của ca sĩ Long Nhật.
Ca sĩ Long Nhật và cô em út Đinh Giang tại chương trình giao lưu và ra mắt sách. Ảnh: QM. |
Những người đàn bà phi thường là cuốn sách đầu tay của Đinh Giang. Cuốn sách gồm 18 tập truyện ký, tản văn viết về những phụ nữ được ví mềm mại như dòng nước chảy, nhưng lại gánh trên vai nghị lực như đá.
Đó là những phụ nữ can trường, đầy lòng nhân hậu và kiên nhẫn.
Đặc biệt, sức mạnh tiềm ẩn trong họ càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết khi đối diện với những khó khăn, mất mát, đau khổ trong cuộc đời.
Theo Đinh Giang, trời sinh người đàn bà bộ xương nhỏ và mỏng, kích thước cơ thể bé nhỏ, hệ cơ yếu ớt nên sức khỏe cũng ít nhiều hạn chế, vậy mà đàn bà lại có khả năng chịu đựng khó khăn vất vả rất tốt.
Người đàn bà, vốn dĩ nhỏ bé và mong manh, nhìn tưởng chừng như yếu đuối là vậy, nhưng trên thực tế họ hiện diện trong mọi lĩnh vực, từ phát minh khoa học hay chinh phục vũ trụ.
Tác giả Đinh Giang ký tặng sách độc giả. Ảnh: QM. |
Họ, cứ ngỡ là bình thường với công việc chợ búa cơm nước, chăm sóc con cái, nhưmg để vừa chu toàn công việc lẫn gia đình, người phụ nữ đã phải nỗ lực gấp nhiều lần.
Bởi vậy, nói họ phi thường là ở chỗ họ có khả năng thích nghi "siêu đẳng". Trong những khúc biến động của cuộc đời, đàn bà có thể nhanh chóng thích ứng và cân bằng cuộc sống, đóng vai trò không nhỏ cùng người đàn ông chèo lái con thuyền gia đình.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng để viết cuốn sách, tác giả Đinh Giang cho biết cô thấy những người đàn bà xung quanh mình thiệt thòi về mặt thể chất nhưng lại gánh vác rất nhiều.
Ở Huế, người đàn ông thường làm việc lớn hơn, còn những việc gánh vác gia đình nhỏ nhặt như là kiếm tiền, lo cho con cái thì thuộc về phụ nữ.
Sách Những người đàn bà phi thường. Ảnh: QM. |
Họ không chỉ lo lắng cho gia đình của riêng mình mà còn phải lo lắng cho gia đình của nhà nội, nhà ngoại.
“Vì thấy khối lượng công việc cả về tinh thần lẫn vật chất của người đàn bà nặng nhọc, Giang nghĩ cần phải viết một cái gì đó để thông cảm với người đàn bà”, Đinh Giang nói.