Tổng thống Joe Biden hôm 31/3 đã yêu cầu kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ tiến hành đợt giải phóng lớn nhất từ trước đến nay, nhằm hạ giá xăng dầu vốn đã tăng vọt bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Reuters nhận định quyết định này là một phần trong nỗ lực giải quyết tình trạng lạm phát đang hoành hành tại Mỹ, đồng thời giúp chính quyền Biden giành lại niềm tin từ công chúng.
Theo đó, bắt đầu từ tháng 5, Mỹ sẽ xuất một triệu thùng dầu/ngày từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, liên tục trong 6 tháng.
Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ được chia thành 4 địa điểm dọc theo bờ biển Texas và Louisiana. Ảnh: Reuters. |
Kho dự trữ dầu của Mỹ lớn như thế nào?
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ được chia thành 4 địa điểm dọc theo bờ biển Texas và Louisiana.
Kho chứa khoảng 568 triệu thùng dầu tính đến ngày 24/3, đủ để đáp ứng nhu cầu của nước Mỹ trong vài tuần, theo Wall Street Journal.
Kho dự trữ này thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ và do Bộ Năng lượng quản lý. Luật liên bang quy định các tổng thống Mỹ có quyền giải phóng dầu từ kho dự trữ để giảm thiểu sự gián đoạn nguồn cung.
Theo đó, tổng thống có thể giải phóng dầu trong trường hợp có "sự gián đoạn cung cấp năng lượng nghiêm trọng", được định nghĩa là tình trạng thiếu hụt nguồn cung đáng kể cả về phạm vi và thời gian, "có tính chất khẩn cấp" hoặc có thể gây ra “tác động tiêu cực lớn” đến nền kinh tế.
Vì sao Nhà Trắng chọn thời điểm này?
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu, đồng thời đẩy giá khí đốt và dầu diesel tăng cao. Giá xăng trung bình ở Mỹ đạt 4,22 USD/thùng vào cuối tháng 3, tăng 1,35 USD so với một năm trước đó, theo Hiệp hội ôtô Mỹ.
Chính quyền Mỹ đã 2 lần giải phóng dầu từ SPR trong vài tháng qua. Ban đầu, Mỹ đã giải phóng 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ vào tháng 11/2021, sau đó là 30 triệu thùng vào tháng 3.
Mặc dù lệnh giải phóng mang lại một số ảnh hưởng tích cực, giá dầu vẫn không thay đổi nhiều. Chẳng hạn, sau đợt giải phóng vào tháng 11/2021, giá dầu chỉ giảm trong thời gian ngắn và tăng trở lại vào cuối tháng 1.
Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, giá dầu liên tục tăng và đạt đỉnh vào ngày 11/3, với 4,33 USD/thùng, theo AAA.
Giá xăng có giảm?
Mục tiêu của việc thúc đẩy nguồn cung dầu là giảm giá xăng cho những người sử dụng phương tiện giao thông, nhưng không có gì đảm bảo điều đó. Thị trường hoạt động rất phức tạp và giá cả biến động vì nhiều lý do. Ngay cả khi giá dầu thô giảm, không có gì đảm bảo giá xăng sẽ giảm với tốc độ tương tự.
Bên cạnh đó, có thể mất tới 2 tuần để dầu từ kho dự trữ của Mỹ tiếp cận thị trường, vì lượng nhiên liệu này được lưu trữ trong các mỏ muối ngầm dưới lòng đất.
Để đưa dầu ra ngoài, cần bơm nước sạch vào đáy xi lanh, ép dầu ra khỏi khoang chứa và đi vào các đường ống dẫn đến các nhà máy lọc dầu, từ đó, được chuyển hóa thành xăng hoặc các sản phẩm khác.
Ai đã tạo ra SPR?
Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) vào năm 1975, sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập, như một biện pháp dự phòng để chống lại cú sốc nguồn cung từ các nhà xuất khẩu dầu.
Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Sự bùng nổ sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ khiến các nhà lãnh đạo của cả hai đảng bớt lo ngại về tình trạng thiếu hụt.
Thậm chí chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump từng cân nhắc bán bớt một phần lượng dầu dự trữ vào năm 2018, nhưng sau đó không thực hiện. Quốc hội Mỹ cũng bắt đầu bán dầu dự trữ như một cách để huy động tiền mặt, bù đắp cho việc cắt giảm thuế và các khoản chi tiêu khác.
Mỹ từng giải phóng dầu bao nhiêu lần?
Kể từ khi bắt đầu tích trữ dầu vào năm 1977, Mỹ đã giải phóng dầu khoảng 20 lần. Nhiều giao dịch bán dầu gần đây được Quốc hội Mỹ cấp phép.
Theo đó, dưới sự ủy quyền của quốc hội, Bộ Năng lượng đã thực hiện 7 đợt bán dầu kể từ năm 2017, giải phóng hơn 60 triệu thùng, tương đương khoảng 8,6% so với trữ lượng từng có trong kho.
Mỹ cũng đã phối hợp mở kho dầu cùng các quốc gia khác 3 lần: khi Chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra vào năm 1991, sau cơn bão Katrina vào năm 2005, và đỉnh điểm của Mùa xuân Ả Rập năm 2011.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế, có trụ sở tại Paris, đã điều phối việc giải phóng dầu giữa các nước thành viên, tuy nhiên, quyền quyết định có tham gia hay không vẫn nằm ở các nhà lãnh đạo.