Suốt bảy thập kỷ, Nữ hoàng Anh Elizabeth II là chứng nhân cho sự thay đổi quyền lực trên toàn cầu. Lên ngôi năm 1952, nữ hoàng đã chứng kiến Chiến tranh Lạnh, vô số cuộc xung đột nóng và sự thay đổi sâu rộng đối với kinh tế thế giới.
Bà trị vì trong lúc nước Anh kết thúc thời kỳ đế chế và trỗi dậy trở thành cường quốc hiện đại. Ký ức của nữ hoàng là những giá trị độc đáo của thể chế quân chủ, một kho tàng thông tin xuyên suốt 15 đời thủ tướng, theo Guardian.
Winston Churchill với nữ hoàng năm 1955. Ảnh: AP. |
Sự trưởng thành của nữ hoàng trẻ tuổi
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng nói ông có thể trao đổi thoải mái với Nữ hoàng Elizabeth II vì tin rằng bà sẽ không tiết lộ cho ai. Bà đôi khi đưa ra cho chính phủ những quan điểm khác trong nhiều vấn đề quan trọng với đất nước.
Nữ hoàng sử dụng quyền lực mềm một cách khéo léo. Với nguồn lực ngoại giao độc đáo, bà biết khi nào nên thể hiện sự uy nghiêm hoàng gia và khi nào nên đóng vai người bà tốt bụng.
Trong mắt các nguyên thủ quốc gia nước ngoài, Nữ hoàng Elizabeth II thể hiện hình ảnh tốt hơn bất kỳ chính trị gia Anh nào. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rất có thiện cảm với nữ hoàng.
Trong nền chính trị Anh, nữ hoàng giữ vai trò trung lập, không đứng về bất kỳ đảng phái chính trị nào. Quan hệ giữa bà với các đời thủ tướng chính là câu chuyện kể về quá trình phát triển của nước Anh từ giữa thập kỷ 50.
Nữ hoàng với các đời thủ tướng Anh, gồm ông Anthony Eden, Harold Macmillan, Alec Douglas-Home và Harold Wilson. Ảnh: Guardian. |
Vào tháng 2/1952, Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi trong bối cảnh nước Anh chật vật tìm chỗ đứng trong thế giới có hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Khi đó, nữ hoàng chỉ là một cô gái trẻ 25 tuổi.
Lúc đầu, bà dựa rất nhiều vào lời khuyên của Thủ tướng đương thời Winston Churchill. Sau khi ông nghỉ hưu vào năm 1955, nữ hoàng đã viết thư cho ông rằng không có ai khác có khả năng “giữ vị trí” mà thủ tướng đầu tiên của bà để lại.
Thủ tướng Anthony Eden kế nhiệm khi nước Anh rơi vào thời kỳ khó khăn. Cuộc khủng hoảng Suez là một bài học đắt giá đối với nước Anh.
Dưới thời Harold Macmillan, nữ hoàng đã giám sát việc phát triển khối Thịnh vượng chung. Nhưng phải đến thời ông Harold Wilson, thủ tướng đầu tiên của nữ hoàng thuộc Công đảng Anh, các phong trào độc lập dân tộc thuộc địa mới thoát khỏi áp lực từ nước Anh.
So với người tiền nhiệm Alec Douglas-Home, Thủ tướng Wilson có xuất thân khiêm tốn hơn. Tuy nhiên, ông vẫn có mối quan hệ gần gũi với nữ hoàng.
Ông Wilson đã lãnh đạo nước Anh trong kỷ nguyên của các cuộc chạy đua không gian, tiến bộ công nghệ và sự bùng nổ nền văn hóa nước Anh. Năm 1969, nữ hoàng cho phép quay bộ phim tài liệu về gia đình hoàng gia trong lâu đài Windsor, chấm dứt thời đại của bí mật và khoảng cách.
Ảnh hưởng của quân vương
Năm 1970, khi Thủ tướng Edward Heath kế nhiệm ông Wilson, nước Anh lâm vào tình trạng bất ổn, lạm phát tăng vọt, đối mặt với cú sốc giá dầu và năng lượng. Nữ hoàng muốn thừa nhận những khó khăn này trong thông điệp Giáng sinh năm 1973, nhưng ông Heath từ chối.
Sau sự trở lại ngắn ngủi vào năm 1974, Thủ tướng Wilson đã nhường chỗ cho ông James Callaghan vào năm 1976. Ông được nhớ đến với “Mùa đông Bất mãn”, nhưng vẫn là một trong những thủ tướng nữ hoàng quý mến.
Năm 1979 là cột mốc quan trọng đối với nữ hoàng. Bà Margaret Thatcher trở thành nữ thủ tướng đầu tiên dưới triều đại Elizabeth II.
Sự phản đối của bà Thatcher trong việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc đã khiến các nhà lãnh đạo khối Thịnh vượng chung không hài lòng. Nữ hoàng được cho là đứng về phía khối Thịnh vượng chung.
Nữ hoàng với các thủ tướng Ted Heath, James Callaghan, Margaret Thatcher và John Major. Ảnh: Guardian. |
Thời kỳ thủ tướng kế nhiệm John Major chứng kiến tranh chấp chính trị ngày càng gay gắt ở châu Âu. Cuộc khủng hoảng đồng bảng Anh lên đỉnh điểm trong vụ “Ngày thứ tư đen tối”. Dù vậy, nữ hoàng đánh giá cao sự hỗ trợ của ông Major trong “năm khủng khiếp” 1992 của bà.
Thủ tướng Tony Blair sau đó đã khéo léo tìm cách thân thiết với nữ hoàng, nhưng bà trở nên quá xa cách. Nhiều tin đồn lan truyền rằng nữ hoàng không hài lòng với kế hoạch cấm săn bắt cáo và cải cách Hạ viện của Công đảng.
Mọi thứ không dễ dàng hơn khi Thủ tướng Gordon Brown kế nhiệm ông Blair vào năm 2007, cho dù nữ hoàng rất quan tâm đến cuộc khủng hoảng ngân hàng. Bà đã đặt ra những câu hỏi thẳng thắn về thất bại trong dự báo kinh tế khi đến thăm Học viện Kinh tế London.
Thử thách tính trung lập
Mọi thứ khởi đầu tốt đẹp khi vào năm 2011, nữ hoàng thẳng thắn thừa nhận những gì Ireland phải chịu đựng trong thời kỳ thuộc Anh. Bà cũng khéo léo tham gia vào một tiểu phẩm có sự xuất hiện của nhân vật James Bond tại lễ khai mạc Olympic năm 2012, thể hiện sự gần gũi của hoàng gia với người dân.
Nhưng hai năm sau, khi cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland diễn ra, Thủ tướng Cameron tình cờ tiết lộ rằng nữ hoàng đã vui như thế nào trước kết quả. Điều này đã khiến tính trung lập chính trị của nữ hoàng bị lung lay.
Trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, một vị bộ trưởng giấu tên nói với tờ Sun rằng nữ hoàng ủng hộ nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Năm 2016, khi bà Theresa May kế nhiệm Cameron, nước Anh bị chia rẽ gay gắt.
Nữ hoàng với các thủ tướng Tony Blair, Gordon Brown, David Cameron và Theresa May. Ảnh: Guardian. |
Khi tìm chỗ đứng mới cho nước Anh hậu Brexit, bà May chủ yếu dựa vào quyền lực mềm của hoàng gia. Vợ chồng Hoàng tử William, Công tước xứ Cambridge, liên tục đến thăm các quốc gia châu Âu. Sự hiện diện của nữ hoàng cũng giúp chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019 trở nên dễ dàng hơn.
Bà May đã phải nhường vị trí cho ông Boris Johnson vào mùa hè năm 2019. Để thúc đẩy thỏa thuận Brexit được thông qua, ông Johnson đã đề nghị nữ hoàng đình chỉ Quốc hội Anh.
Tháng 4/2021, người dân Anh chứng kiến hình ảnh đau buồn của nữ hoàng trên hàng ghế xa cách trong đám tang của Hoàng thân Philip.
Hành động cuối cùng của Nữ hoàng Elizabeth II được công khai với công chúng là hôn tay bà Liz Truss, giúp khép lại một lần chuyển giao quyền lực êm đẹp nữa ở Anh.
Vòng lặp ấy hiện vẫn nguyên vẹn với sự xuất hiện của tân thủ tướng và tân vương. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi liệu trong bảy thập kỷ nữa, mọi chuyện sẽ đi đến đâu.