Oprah Winfrey có thể coi là một KOL trong ngành xuất bản tại Mỹ. Ảnh: Oprah Book Club. |
Những năm gần đây, Phạm Thu Hà (25 tuổi, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội) bắt đầu hình thành một thói quen đọc review trên mạng, tìm hiểu về tác giả cũng như nội dung chính trước khi mua một cuốn sách. Bản thân là một người hay đi review nên Hà đánh giá rất cao bước này. Nếu cuốn sách có nhiều bài review tệ thì Hà có thể cân nhắc đổi sang cuốn khác.
Từ trường hợp của Hà có thể thấy hoạt động tìm đọc đang chịu sự chi phối rất lớn từ các sản phẩm công nghệ như mạng xã hội. Ở góc độ khác, sự sôi động trong hoạt động viết review cũng là minh chứng cho không gian văn hóa đọc tại Việt Nam ngày càng mở rộng, từ môi trường vật lý sang môi trường thực số.
Khi review sách là một sở thích
Năm 2019, sau khi thử sức với chương trình review sách nhận quà của Nhã Nam, Thu Hà đã nhận được khá nhiều lời khen từ các độc giả khác. Nhờ sự công nhận từ cộng đồng mạng, bạn trẻ này bắt đầu viết review sách nhiều hơn lên trang cá nhân, một số hội nhóm cũng như giới thiệu với người thân xung quanh.
Thu Hà chia sẻ: “Review sách là quá trình bản thân mình hồi tưởng và tóm lược lại tinh thần của câu chuyện vừa đọc. Nhiều người bạn biết mình có sách hay nên thường xuyên bảo mình giới thiệu cho họ. Có những người nhiều năm không đọc nhưng khi được Hà giới thiệu và tặng sách, họ đã bắt đầu đọc lại". Hà cảm thấy việc review này rất có ý nghĩa đối với bản thân.
Trước mỗi lần đi hội sách hay tham gia các đợt giảm giá trên sàn thương mại điện tử, Hà có thể dành cả tiếng đồng hồ chỉ để đọc review về những cuốn mình định mua.
Bên cạnh Goodreads hay Facebook, TikTok cũng là một nền tảng được mọi người lựa chọn để review sách. Ảnh: Alyssa Stone/Northeastern University. |
Review không nhất thiết phải viết một đoạn văn rất dài. Mỗi người có một sự lựa chọn thể hiện khác nhau. Nguyễn Minh Anh (20 tuổi) thường viết vài câu nhận xét về cuốn sách của mình trên Goodreads sau khi đọc xong. Thi thoảng có những bình luận của Minh Anh nhận được nhiều sự tương tác.
Minh Anh đánh giá mức độ từ 1 đến 5 sao cho các cuốn sách dựa trên loạt tiêu chí sau đây: Trình bày, thiết kế đẹp; nội dung liền mạch nhưng vẫn phải đủ bất ngờ, không quá dễ đoán; nhân vật mới lạ. Từ lúc sử dụng Goodreads đến nay, cuốn sách Minh Anh để thấp nhất là 3,2 sao vì nó không quá đặc biệt như lời giới thiệu trên mạng, có nhiều đoạn sáo rỗng.
“Đối với mình review là một cách để thỏa mãn sự hồi hộp khi gấp lại trang cuối. Trước kia, khi đọc xong, mình sẽ lên mạng cày xới mọi thông tin về phần ngoại truyện, fanfic hay các cuộc thảo luận. Mình nhắn tin cho mọi người để nói về cuốn sách. Nhưng nay mình có thể sử dụng các mạng xã hội để nêu lên suy nghĩ của mình, tìm được những người có chung cảm nhận dễ dàng hơn”, Minh Anh cho biết.
Theo đánh giá của cả Minh Anh lẫn Thu Hà, nếu được người khác giới thiệu truyền miệng chưa chắc đã mua nhưng nếu gặp được một bài review hay lại sẵn sàng bỏ tiền ra mua cuốn sách đó. Đây cũng là tâm lý của nhiều bạn trẻ hiện nay, trong văn hóa mua hàng trực tuyến, các đánh giá rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định mua hàng. “Quyền lực mềm” có thể thuộc về bất cứ ai đưa ra được đánh giá đủ hấp dẫn và chi tiết. Điều này có thể lý giải cho hiện tượng BookTok bùng nổ trong những năm 2021-2022.
Đề cao trải nghiệm cá nhân
Nếu là một người hâm mộ truyền hình Mỹ, trong thời gian gần đây mọi người có thể bắt gặp series mang tên Fellow Travellers kể về lịch sử đấu tranh giành sự công nhận và quyền lợi về y tế của cộng đồng LGBTIA+. Bộ phim được đánh giá rất cao trên các nền tảng khác nhau nhưng nguyên tác của nó lại bị đánh giá rất thấp trên mạng xã hội Goodreads.
Đa phần lý do được đưa ra là cách viết quá khó hiểu và bị nặng nề khi dành nhiều dung lượng chỉ để mô tả những cuộc đối thoại, chính biến, đấu đá bên trong nội bộ một cơ quan. Cùng đó, các kiến thức về chính trị, lịch sử khiến độc giả bị mệt mỏi. Đồng thời cũng có những đánh giá rất cao về cuốn sách bởi tính biểu tượng, chân dung nhân vật độc đáo có nhiều góc độ khai thác khác nhau.
Thông qua trường hợp cuốn Fellow Travellers, có thể thấy việc review sách trên mạng xã hội đôi khi cần phải dựa vào nền tảng kiến thức xã hội và hệ thẩm mỹ của người đọc. Mỗi review đều là một sự tham chiếu khác nhau. Dù vậy, trải nghiệm khám phá gu sách của cá nhân hoàn toàn có thể mờ nhạt đi trước tác động từ cơn bão thông tin, đặc biệt là với các bạn trẻ thế hệ Z hay alpha.
Hiện nay, không chỉ con người mới có thể viết review sách. AI cũng hoàn toàn có thể làm điều đó. Bạn đọc có thể làm một thử nghiệm nhỏ với ChatGPT. Đầu tiên là nhập lệnh “Viết một đoạn review về cuốn sách Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata” bằng tiếng Anh. Sau chừng 5 giây, ChatGPT sẽ cho ra một bài văn 500 chữ về nội dung chính, kèm theo một số đánh giá nhỏ về cuốn sách.
Nhưng nếu nhập lệnh: “Viết một đoạn review về cuốn sách Spare của Hoàng tử Harry, ChatGPT sẽ không thể làm được vì dữ liệu mới nhất của nó là từ tháng 1/2022. Trong một viễn cảnh không xa, các đoạn văn review sách hoàn toàn có thể đến từ trí tuệ nhân tạo. Khi đó, độc giả sẽ phải lựa chọn liệu mình có để bị dẫn dắt bởi AI hay không.
Tại Giải sách Quốc gia 2023, nhà văn dịch giả Hiền Trang đã đoạt giải khi tham gia dịch cuốn Chơi Jazz ở Việt Nam. Ảnh: nhân vật cung cấp. |
Về vấn đề sức mạnh của review trong bối cảnh hiện tại, nhà văn Hiền Trang chia sẻ: “Tôi nhớ Nabokov có một ý rất hay, đại loại rằng ta phải đọc sách như một chú chó phải lăn lộn trên một tấm thảm rách mà trước đó đã có rất nhiều kẻ khác lăn lộn rồi. Vậy nên tôi nghĩ một cuốn sách đã có hàng triệu người khác đọc trước mình, thì khi đến lượt mình đọc, mình cũng vẫn phải tự lăn xả vào nó. Khi ấy tự nhiên mối quan hệ giữa mình và sách sẽ là mối quan hệ 1:1, không có người thứ ba nào cả”.
Tác giả Chopin biến mất cũng nhấn mạnh rằng hoạt động review là việc rất tự nhiên. Sách cũng là một sản phẩm. Dùng xong một sản phẩm, mọi người thường có xu hướng chia sẻ. Chỉ là đặc thù của sách nằm ở chỗ, sản phẩm này không chỉ để tiêu thụ đơn thuần, bởi bản thân sự đọc đã chứa sự sáng tạo bên trong nó. Do vậy, việc review cũng cần cởi mở nhưng phải thể hiện sự tôn trọng với quá trình sáng tạo của những người khác.
Hoạt động review vừa mở rộng không gian đọc nhưng cũng khiến các độc giả phải tái định vị vai trò của trải nghiệm cá nhân trong việc tìm kiếm một cuốn sách phù hợp.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.