Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quyền lực của các chủ tịch ngân hàng không cổ phiếu

Xu hướng chủ tịch hội đồng quản trị độc lập sở hữu cổ phần là 0% trong ngân hàng ngày càng phổ biến. Tại nhà băng, quyền lực của các vị chủ tịch này đến đâu?

Chủ tịch bảo vệ cổ đông nhỏ

Đại hội cổ đông ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa bầu ông Kiều Hữu Dũng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) từ ngày 24/3. Ông Dũng về làm Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là thành viên độc lập HĐQT Sacombank từ năm 2012 đến ngày 23/3/2014. Trước khi về Sacombank, ông Kiều Hữu Dũng từng công tác tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giữ chức Phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Vụ các ngân hàng. Ông cũng từng là đại diện của NHNN tại ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán ACB.

Ông Kiều Hữu Dũng - Tân Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank.
Ông Kiều Hữu Dũng - Tân Chủ tịch HĐQT Sacombank.

Thị trường ngân hàng cũng vừa đón nhận tin ông Cao Sỹ Kiêm, từ vị trí thành viên độc lập của ngân hàng Đông Á (DongABank) chính thức là Chủ tịch HĐQT độc lập của ngân hàng này sau đại hội cổ đông. Trước khi về nhà băng này, ông Cao Sĩ Kiêm giữ vị trí Thống đốc NHNN từ 1989 đến 1997 và hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XII, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Ông Cao Sỹ Kiêm, tân Chủ tịch HĐQT DongABank cho biết, bây giờ các cổ đông đều muốn đồng tiền của mình đầu tư vào ngân hàng phải minh bạch, sinh sôi nảy nở an toàn. Vì vậy, việc chủ tịch là thành viên độc lập cũng là mong muốn của cổ đông DongABank. "Đối với vị trí mới, tôi cho rằng cũng không áp lực nhiều. Cổ đông của DongA Bank đã tin tưởng thì mình làm đúng với quyền hạn và trách nhiệm được giao trên nguyên tắc đúng thì làm. Tất nhiên là quyền quyết định của chủ tịch dựa trên đúng mức độ về điều hành", ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ. Ông cũng cho rằng: "Dù ở vị trí cao nhất thì cũng phải lắng nghe quan điểm của cấp dưới nếu đó là hợp lý hợp tình và tôi đặt hiệu quả công việc là trên hết".

Quyền lực... 0%?

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, luật ở Mỹ không bắt buộc ngân hàng phải có thành viên độc lập trong HĐQT. Nhưng không ít ngân hàng Mỹ vẫn để nhiều vị trí độc lập trong ban này. Tại Việt Nam, nhiều ngân hàng chưa bầu đủ số lượng thành viên độc lập theo quy định. Tuy nhiên, với vị thế độc lập và nắm giữ tỷ lệ cổ phần gần như là 0% mà ngồi ghế cao nhất trong HĐQT thì cần cần xem xét và nghiên cứu đầy đủ.

Thành viên độc lập HĐQT nghĩa là không đại diện cho bất cứ nhóm cổ đông nào, mà họ được hiểu với nghĩa là đại diện cho những cổ đông “thấp cổ bé họng”. Nếu thành viên độc lập này ngồi ghế chủ tịch thì tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những nhóm cổ đông lớn có đại diện tại HĐQT. Do vậy, có thể họ sẽ phải dung hòa chức năng độc lập và vị thế của ông ta với các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn, ông Hiếu cho biết.

Thực tế ở Việt Nam Chủ tịch HĐQT có quyền lực rất lớn trong ngân hàng. Nên khó tưởng tượng được một thành viên độc lập họ có thể làm đúng nhiệm vụ của họ. Họ mang tư cách độc lập nhưng cũng khó có thể áp quyền lực cao nhất để phản đối những điều cho là không đúng, không hợp lý của các thành viên khác trong HĐQT. “Theo kinh nghiệm của tôi thì chưa thấy các thành viên độc lập trong các ngân hàng Việt Nam thực hiện đúng các chức năng là hoàn toàn độc lập với các thành viên khác”, ông Hiếu chia sẻ. 

Thử thách với nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm tại DongA Bank

Nợ xấu là áp lực lớn nhất đối với “ghế” chủ tịch của ông Cao Sỹ Kiêm tại DongA Bank. Ngay trong năm vừa qua, chính nợ xấu cũng đã “cắt bỏ” một phần lớn lợi nhuận của ngân hàng này.

TS. Lê Đăng Doanh lấy ví dụ, ngân hàng đầu tiên dùng quan chức cấp cao là VPBank đã mời ông Hoàng Minh Thắng (nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại ) về làm Chủ tịch là thành viên độc lập. "Nhưng ông Thắng cũng không giữ được vị thế độc lập cùa mình", TS. Lê Đăng Doanh nói.

Theo điểm a, khoản 2, điều 50 Luật Các Tổ chức tín dụng (TCTD) thì thành viên độc lập của HĐQT không phải là người đang làm việc cho chính TCTD đó hoặc công ty con của TCTD đó hoặc đã làm việc cho chính TCTD đó hoặc công ty con của TCTD đó trong 03 năm liền kề trước đó.

Luật Tài chính tín dụng 2010 (sửa đổi) quy định tất cả các ngân hàng phải có thành viên độc lập trong HĐQT. Nhưng trên thực tế phải xác định rõ thành viên độc lập này là đại diện cho ai thì họ mới phát huy vai trò đại diện của mình. Họ mang chức danh theo lý thuyết nhiều hơn là vai trò thực tế đòi hỏi.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện nay tìm được người đủ khả năng và điều kiện để đứng trong hàng ngũ thành viên độc lập HĐQT là rất khó. Các ngân hàng cũng đang vất vả tìm kiếm người phù hợp cho vị trí này do đây phải là những người có kinh nghiệm, đạo đức nghề nghiệp và không thuộc về các tổ chức lớn.

Theo quan điểm của NHNN, cơ sở cho việc thành viên độc lập chỉ đảm nhiệm 3 năm là muốn các thành viên độc lập đó thật sự là độc lập. Nếu để họ ở vị trí đó quá lâu thì sẽ không mang lại được sáng kiến mới mà trở thành lão làng trong HĐQT nên sẽ bị mất dần tính độc lập. Thế nhưng trong những năm qua, nhiều ngân hàng gặp khó khăn khi phải liên tục thay đổi thành viên độc lập HĐQT vì nhiệm kỳ chỉ có 3 năm và không được tái nhiệm. Chính vì thế, NHNN đang đề xuất Quốc hội thay đổi điều này.

http://infonet.vn/soi-quyen-luc-cac-chu-tich-tay-trang-trong-ngan-hang-post128628.info

Theo Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm