Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank), khi cổ đông chất vấn về mức thù lao của HĐQT tại ĐHCĐ thường niên 2014 của ngân hàng tổ chức mới đây.
Cụ thể, theo bà Thảo, mức thù lao mà HĐQT đề nghị phê duyệt cho năm 2014 là 14 tỷ đồng thật ra không cao nếu so với ngân hàng khác. Nhiều người trong HĐQT chỉ nhận mức thù lao tượng trưng chỉ 20 - 30 triệu đồng/tháng tùy theo phân công công việc. “Có vị tổng giám đốc (CEO) tại ngân hàng khác lương một năm 6 đến 7 tỷ đồng, gần bằng với mức thù lao của toàn bộ HĐQT HDBank”, bà Thảo nói.
Cao nhất là lương của một CEO ngân hàng thương mại với mức 20 tỷ đồng/năm. |
Vấn đề thù lao của HĐQT ngân hàng rất được cổ đông quan tâm trong mùa đại hội cổ đông năm nay. Hầu như tất cả các đại hội, cổ đông đều chất vấn về mức thù lao quá cao, có thể kể đến một vài cái tên như SouthernBank (thù lao của HĐQT là hơn 13 tỷ đồng và dự kiến hơn 14 tỷ đồng trong năm 2014); VIB (thù lao là 2% lợi nhuận trước thuế nhưng không thấp hơn 16,25 tỷ đồng); Maritimebank (13 tỷ đồng trong năm 2013 và kế hoạch 15 tỷ đồng cho 2014)…trong khi lợi nhuận của ngân hàng eo hẹp còn cổ tức của cổ đông thì không có.
Còn về lương của Tổng giám đốc ngân hàng, theo nguyên tắc là lương không công khai mà theo thỏa thuận giữa các ông chủ ngân hàng với CEO, tất nhiên ngoại trừ các ngân hàng thương mại của nhà nước. Tổng giám đốc của một ngân hàng thừa nhận, nhiều ông chủ sẵn sàng chi trả các khoản tiền khổng lồ để thuê CEO giỏi, có tên tuổi.
Còn nhớ hồi năm 2012 đã có một khảo sát về tình hình lương của các CEO ngân hàng, trong đó khủng nhất là lương của một CEO ngân hàng thương mại cổ phần nằm trong top 10 tới 1 triệu USD/năm, tức hơn 20 tỷ đồng. Một số CEO ở các ngân hàng lớn hưởng lương từ 4,8 đến 7 tỷ đồng/năm, còn các CEO khác cũng thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng mỗi năm.