Quyền lực của 2 anh em tỷ phú giàu nhất nước Mỹ
Charles và em trai David hiện sở hữu 84% cổ phần của Koch Industries, với giá trị tài sản ròng mỗi người khoảng 31 tỷ USD.
Một tỷ phú mà theo Tạp chí Forbes là 1 trong 50 người quyền lực nhất thế giới, 1 trong 20 người giàu nhất thế giới và là 1 trong 10 người bị “ném đá” nhiều nhất. Đó là Charles Koch, 1 trong 2 ông chủ quyền lực của Tập đoàn Koch Industries. Mặc dù Koch Industries chủ yếu thuộc sở hữu của cả 2 anh em, nhưng Charles là người nắm quyền quản lý kể từ khi cha ông giao vị trí tổng giám đốc vào năm 1967.
Charles và em trai David hiện sở hữu 84% cổ phần của Koch Industries. Forbes ước tính mỗi người có giá trị tài sản ròng khoảng 31 tỷ USD, xếp ở vị trí thứ tư trong danh sách Forbes 400 (danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ), chỉ sau Bill Gates, Warren Buffett và Larry Ellison.
21 tỷ USD: Số tiền Charles bỏ ra để mua lại Georgia-Pacific, thương vụ thâu tóm lớn nhất của Tập đoàn Koch Industries. |
Charles và David cho biết họ tái đầu tư 90% lợi nhuận của tập đoàn mỗi năm. Năm 2012, doanh thu của Koch Industries là 115 tỷ USD và ước tính biên lợi nhuận trước thuế là 10%. Vậy họ đã dùng số tiền này vào việc gì? Làm thế nào họ vươn cánh tay quyền lực ra thế giới?
Thách thức Georgia-Pacific
Muốn hiểu được anh em nhà Koch đã trở nên quyền lực như thế nào, cần phải xem nơi mà quyền lực đó xuất phát: đế chế Koch Industries.
Đế chế của Charles và David gồm 60.000 nhân viên, 6.400 km đường ống dẫn dầu với công suất đủ để cung cấp 5% nhu cầu nhiên liệu hằng ngày của nước Mỹ. Koch Industries còn sản xuất ra các tấm thảm hiệu Lycra và Stainmaster, khăn giấy Brawny và giấy vệ sinh AngelSoft.
Mọi người thường nghĩ Koch Industries là một công ty năng lượng, nhưng đó là cách nghĩ hoàn toàn sai: Năng lực lõi của họ là biến các nguyên vật liệu thô thành những những sản phẩm có giá trị. Đó chính là điều đã thôi thúc họ mua lại Georgia-Pacific vào năm 2005, lúc đó chỉ là một công ty cải tạo gỗ thông giá rẻ. Sau đó, họ đã đưa Georgia-Pacific trở thành một trong những công ty sản xuất giấy và bột giấy hàng đầu thế giới.
Charles cho biết đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn (giá trị thương vụ là 21 tỷ USD). Quá trình chinh phục công ty này đã cho thấy lý do vì sao anh em nhà Koch lại thành công như thế và cũng cho thấy quan điểm lãnh đạo của Charles.
Charles đã đưa ra cái gọi là MBM (Market-Based Management) để làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tập đoàn. Đây là bộ nguyên tắc giúp cho tổ chức có thể thành công trong dài hạn bằng cách cho phép mỗi cá nhân trong tổ chức được quyền quyết định đâu là điều tốt nhất cho công việc của họ.
Koch Industries không đưa ra một bậc thang lương cố định nào. Tập đoàn không gắn tiền thưởng với lợi nhuận của công ty. Thậm chí lương của các nhân viên vận hành máy móc cũng được tính một phần dựa trên mức độ hiệu quả vận hành. “Chúng tôi đánh giá một nhân viên đã tạo ra bao nhiêu giá trị tại Koch và thưởng cho họ tương xứng”, Charles nói.
Nguyên tắc MBM đã được vận dụng triệt để trong thương vụ Georgia-Pacific. Khi mua lại Georgia-Pacific, Charles tìm cách cải tiến các sản phẩm cấp thấp, tính cạnh tranh kém như khăn giấy Brawny. Ông đã chấp nhận bỏ ra hơn 1 tỷ USD đầu tư vào thiết bị máy móc sản xuất giấy mới và tăng hiệu quả của các nhà máy bột giấy. Ông cũng đưa ra các sáng kiến tài chính để nhân viên ở mọi cấp tự tìm cách để làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ngay khi các bộ phận giấy vệ sinh và khăn giấy bắt đầu đi vào nề nếp thì cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra, thị trường nhà đất sụp đổ, làm chao đảo bộ phận các sản phẩm xây dựng của Georgia-Pacific. Thế nhưng, Charles vẫn không nản lòng. Ông cho biết, một khi xác định được mục tiêu đặt ra thì sẽ kiên trì tới cùng. Sự kiên trì của ông cuối cùng đã có kết quả. Thương vụ 21 tỷ USD Georgia Pacific, theo ước tính của Forbes, hiện đã tăng giá trị thêm hơn 30%.
Hai bước ngoặt
Charles theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts và sau đó lấy bằng thạc sĩ về kỹ thuật hạt nhân và hóa học. Ông cũng từng làm việc cho hãng tư vấn Arthur D. Little. Nhưng cha ông (Fred Koch), do bệnh tim ngày càng nặng, cứ luôn thúc giục ông quay về quê nhà Wichita (bang Kansas) để điều hành cơ nghiệp. Ban đầu, cha ông chỉ giao cho ông điều hành mảng kỹ thuật lọc dầu. Sau đó, nhận thấy năng lực của Charles, cha ông đã dần tin tưởng và giao nhiều trách nhiệm hơn.
Được tạo điều kiện, Charles đã mở rộng hệ thống dẫn dầu Rock Island (bang Illinois) sang những bang khác. Thậm chí, ông mua lại các công ty vận chuyển xe tải để thu gom dầu một cách hiệu quả hơn từ các giếng dầu mới khoan. Qua thời gian, ông đã học được cách mạo hiểm có tính toán bằng cách đầu tư vào các tài sản sinh lợi qua thời gian.
Cha của Charles đã mất trong một chuyến đi săn năm 1967, không lâu sau khi giao cho ông toàn quyền điều hành Koch Industries. Và điều đó đã mở đường cho 2 bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử của Tập đoàn. Năm 1968, Charles đã nhảy vào canh bạc rủi ro nhất nhưng cũng sinh lợi nhất trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Gia đình ông sở hữu 35% cơ sở lọc dầu Pine Bend bên ngoài Minneapolis, với Union Oil of California (Unocal) giữ 40% và J. Howard Marshall giữ 15%.
Charles muốn mua đứt số cổ phần của Unocal nhưng công ty này đã ra giá quá cao. Vì thế, Charles thuyết phục Marshall, một doanh nhân có tiếng tại Mỹ, sáp nhập 15% cổ phần của ông ta với 35% của Koch nhằm ngăn cản Unocal thu gom cổ phần với tỉ lệ chi phối để bán ra cho người ngoài.
Bước đi này cuối cùng đã đơm hoa kết trái: Số cổ phần của Marshall (Marshall đã qua đời năm 1995, những người thừa kế đang nắm số cổ phần này) tại Koch Industries hiện trị giá ít nhất 10 tỷ USD.
Bước ngoặt thứ hai là một hệ quả sau thành công của Charles. Cảm thấy bị Charles gạt ra rìa, William và người anh cả Frederick đã tìm cách giành quyền kiểm soát Koch Industries vào năm 1980. David đã đứng về phía Charles và cả hai một lần nữa thuyết phục J. Howard Marshall sát cánh bên họ.
Các vụ kiện tụng đã diễn ra sau đó. Charles và David đã chiến thắng trong cuộc chiến quyền lực với 2 anh em của mình. Cuối cùng họ đã mua cổ phần của William và Frederick và các cổ đông khác với giá 1,3 tỷ USD vào năm 1983.
Điều này đã khiến cho 4 anh em rơi vào mối thù hằn và kiện tụng kéo dài suốt 1 thập kỷ khi William và Frederick liên tục kiện cáo Charles và tố cáo Koch Industries đã vi phạm các quy định về môi trường và pháp luật (Koch Industries là một tập đoàn thải khí nhà kính lớn, vì thế cũng dễ bị xăm soi).
Không chỉ vậy, rất nhiều người đã chỉ trích Charles, trong số ấy có cả Tổng thống Mỹ. Họ chỉ trích ông đã thâu tóm quá nhiều quyền lực và dùng nó để làm lợi cho cá nhân.
Tuy nhiên, Charles chối bỏ điều này. “Quyền lực thực sự chính là quyền lực có thể buộc con người ta phải làm một điều gì họ không muốn. Chúng tôi không có thứ quyền lực ấy”, ông nói.
Mặc cho những vụ lùm xùm, Charles vẫn không bận tâm và đang nuôi giấc mộng thâu tóm các công ty khác để mở rộng đế chế Koch Industries. Trong những năm qua, Charles đã tiến hành nhiều thương vụ lớn. Không chỉ nuốt chửng Georgia-Pacific, Charles còn thâu tóm một công ty phân bón, hàng ngàn km đường ống dẫn dầu, ngành sợi của DuPont (năm 2004) và mua lại cả Guardian Industries, nhà sản xuất kính ôtô.
Một điều chắc chắn rằng Koch Industries sẽ mãi là một tập đoàn tư nhân. Charles đã từng tuyên bố: “Muốn Koch Industries lên sàn thì trước tiên phải bước qua xác chết của tôi”.
Theo Nhịp cầu Đầu tư