Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự nghiệp của nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới

Là nữ CEO đầu tiên của IBM trong hơn 100 năm qua, Ginni Rometty nổi bật với phong cách điều hành thân thiện nhưng rất khác thường.

Sự nghiệp của nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới

Là nữ CEO đầu tiên của IBM trong hơn 100 năm qua, Ginni Rometty nổi bật với phong cách điều hành thân thiện nhưng rất khác thường.

Khi Rometty trở thành CEO thứ 9 của IBM, bà đã nắm quyền kiểm soát công ty lớn thứ 19 thế giới xét về doanh thu (doanh thu năm 2011 của IBM đã vượt qua 107 tỉ USD) và lớn thứ 5 về giá trị với mức vốn hóa 235 tỉ USD. Sức ảnh hưởng của bà trong thế giới công nghệ cũng như sức ảnh hưởng của IBM trên thị trường tài chính quốc tế đã giúp người phụ nữ này đứng đầu trong bảng xếp hạng các nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới năm 2012 của Tạp chí Fortune.

Rometty đã thừa hưởng một công ty có lịch sử tăng trưởng đáng thèm khát. Trong thập kỷ qua, IBM có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 16%/năm, chia cổ tức 12% cho cổ đông. Sự tăng trưởng vượt bậc này đã đặt lên vai bà kỳ vọng lớn của nhà đầu tư: IBM cho biết mụa tiêu lớn nhất của tập đoàn là tăng thêm 20 tỉ USD trong doanh thu hằng năm trong vòng 3 năm tới.

Đối với Rometty, để tăng thêm 20 tỉ USD trong doanh thu hằng năm không đơn thuần chỉ là tạo ra các công nghệ mới để bán cho khách hàng, mà còn là tìm kiếm khách hàng mới. Điều này cũng giống như cách IBM đã làm với sáng kiến “Hành tinh thông minh hơn”. Theo đó, bán cho khách hàng không thuộc ngành công nghệ như các thị trưởng, cảnh sát trưởng những phần mềm theo dõi, quản lý giao thông, hệ thống nước và xe tải phục vụ công tác vệ sinh...

Cuộc họp khách hàng đầu tiên của Ginni Rometty, 55 tuổi, với vai trò Tổng Giám đốc IBM, hồi tháng 6 vừa qua có thể nói là một cuộc họp bất thường, nếu xét theo phong cách trang trọng xưa nay của tập đoàn này. Cuộc họp diễn ra tại một tầng gác mái thoáng khí ở khu Manhattan.

2 người tiền nhiệm của bà là Gertner và Palmisano chưa từng tổ chức một cuộc họp kinh doanh quan trọng trên gác mái, nhưng chắc chắn cả 2 sẽ hài lòng với những gì Rometty làm được ngày hôm ấy. Nữ CEO này đã mời một số gương mặt quen thuộc như các giám đốc công nghệ thông tin - những người mua phần mềm, dịch vụ công nghệ và phần cứng trị giá từ IBM và cả lãnh đạo phụ trách marketing của các công ty trên.

Mục tiêu của bà rất tham vọng và cũng rất khác thường: Mời giám đốc marketing của các tập đoàn lớn sử dụng các công cụ của IBM để xử lý, phân tích thông tin, từ đó giúp họ tiếp cận khách hàng tốt hơn và bán được nhiều hàng hơn. Tại cuộc họp, bà đã cam kết rằng công nghệ sẽ thay đổi cách các giám đốc marketing làm việc. Đây là nhiệm vụ không dễ vì nhiều chuyên gia marketing đã quen xem máy tính chỉ là công cụ hỗ trợ công việc, chứ không phải là “cộng sự” có khả năng phân tích, tư duy và đưa ra giải pháp.

Đó là lý do cuộc họp này rất quan trọng đối với Rometty. Bởi lẽ, thuyết phục được các khách hàng mới đầy tiềm năng mua sản phẩm, dịch vụ công nghệ của IBM sẽ giúp mở ra cánh cửa cho tương lai của tập đoàn này và cũng giúp bà đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư với vai trò là nữ CEO đầu tiên của Tập đoàn IBM.

Nữ doanh nhân quyền lục nhất thế giới năm 2012 - Ginni Rometty.

Năm 2002, với vai trò Tổng Giám đốc bộ phận dịch vụ toàn cầu IBM, Rometty đã giúp đàm phán thương vụ sáp nhập mảng tư vấn IT của hãng kiểm toán PwC vào IBM thành công. Không chỉ vậy, thách thức của Rometty sau đó là làm sao để sáp nhập 30.000 chuyên viên tư vấn của PwC vào đội ngũ 150.000 chuyên viên của IMB.

Xung đột văn hóa là điều thường hay xảy ra với một thương vụ có quy mô lớn như vậy. Thế nhưng, Rometty đã giúp cho quá trình sáp nhập được diễn ra suôn sẻ bằng chế độ lương thưởng hợp lý và công bằng cho mọi nhân viên, dù là người của PwC hay IBM.

Thực vậy, phong cách lãnh đạo gần gũi, rất hiểu con người là phẩm chất mà hầu như nhân viên nào cũng thừa nhận khi họ làm việc với Rometty. Đó là lý do khiến bà luôn có thể giữ lại những nhân tài xuất chúng bên mình như Manoj Saxena, hiện là Tổng Giám đốc bộ phận Các giải pháp Watson của IBM. “Bà ấy lãnh đạo từ khối óc đến trái tim”, Saxena nói.

Khách hàng cũng thấy được sự tận tâm của Rometty. Nick Donofrio, người đã làm việc với Rometty trước khi ông về hưu năm 2008, nhớ lại năm 2005, một khách hàng lớn ở miền Trung Tây nước Mỹ đã lắp đặt một số sản phẩm mới của IBM nhưng không chạy được. Rometty đã cùng Donofrio bay sang gặp khách hàng nọ. Chỉ 1 ngày sau khi họ bay trở lại New York thì sự cố lại xảy ra lần nữa. Rometty đã không ngại bay lại để tìm hiểu và khắc phục. “Rõ ràng, bà ấy luôn nghĩ về sự thành công của khách hàng”, Donofrio nói.

Đặt cược vào siêu máy tính

Để đạt mục tiêu 20 tỉ USD, Rometty đã vạch ra 4 khu vực tăng trưởng cao mà IBM đang và sẽ tập trung trong những năm tới. IBM sẽ tiếp tục thực hiện sáng kiến“Hành tinh thông minh hơn”. Tập đoàn cũng sẽ chú trọng việc giúp các công ty thích nghi với môi trường điện toán đám mây, đồng thời đẩy mạnh mảng phân tích doanh nghiệp. Ngoài ra, Rometty sẽ dành nhiều thời gian xúc tiến thương vụ ở các thị trường tăng trưởng cao, dự kiến sẽ chiếm tới 30% doanh thu của IBM vào năm 2015.

Kể từ khi trở thành CEO vào tháng 1/2012, bà đã vạch ra lộ trình cụ thể để từng bước đạt mục tiêu này. Rometty không chỉ tiếp tục triển khai chiến lược mà người tiền nhiệm Palmisano đã vạch ra, mà bà còn ghi dấu ấn của mình lên đó. Một thách thức lớn mà IBM đang đối mặt là Tập đoàn bị chê trách chậm triển khai các dự án, một phần nguyên nhân là do phải thông qua nhiều tầng lớp quản lý. Sớm nhận rõ vấn đề này, Rometty đã bắt tay hành động. Các nhà điều hành cấp cao nhất của IBM xưa nay được chia vào 3 nhóm: điều hành, công nghệ và chiến lược để giúp định hướng cho Tập đoàn.

Rometty đã tạo ra thêm một nhóm lãnh đạo thứ tư: nhóm trải nghiệm khách hàng mà bà là người chủ trì. Không hề có một nhà điều hành cấp cao nào có mặt trong nhóm này. Thay vào đó, bà chỉ định các nhà điều hành thường tiếp xúc với khách hàng để gặp bà mỗi tháng một lần. Cuộc họp gần đây có mặt Giám đốc Kinh doanh Ritz-Carlton và Giám đốc Marketing Chris Gabaldon để lắng nghe cách mà các công ty khác quản lý mối quan hệ khách hàng của họ. Rometty cho biết điều này không chỉ để dẹp những rào cản mà còn để tạo ra một IBM có quan hệ tốt với khách hàng.

Khi Rometty đưa IBM bước vào thế kỷ thứ II của Tập đoàn, công nghệ một lần nữa lại chuyển mình. Bà nói: “Chúng ta đang bước vào thời đại nhận thức của ngành máy tính”. Theo bà, ngành máy tính đến nay đã trải qua 3 triều đại. Thứ nhất là máy tính biết làm các phép tính như chiếc máy tính đầu tiên mà Thomas Watson sản xuất. 

Thời đại thứ hai bắt đầu vào năm 1960 với sự xuất hiện trên thị trường loại máy tính được lập trình. “Mọi thứ bạn biết ngày hôm nay như chiếc iPad trước mặt bạn chỉ là máy tính lập trình. Thời đại tiếp theo chính là máy tính có thể học hỏi, tức có khả năng tư duy như con người”, bà nói trong cuộc họp khách hàng hồi tháng 6.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho thời đại này là siêu máy tính Watson, một chương trình phần mềm trí tuệ nhân tạo do IBM phát triển. Siêu máy tính này đã chứng tỏ khả năng tư duy của mình khi đánh bại 2 người chiến thắng trò chơi Jeopardy, trò chơi truyền hình hỏi đáp nổi tiếng của Mỹ, vào đầu năm nay.

Và nay Rometty đang thương mại hóa các công nghệ Watson. Khách hàng lâu năm của IBM là Lori Beer, người phụ trách các thương vụ mua lại công nghệ cho Well Point, đã rất ấn tượng với phần trình diễn của Watson. Beer đã đến tham quan phòng nghiên cứu của IBM và Rometty cũng đã nhiều lần ghé thăm WellPoint. “Rometty đã thực sự dành thời gian để hiểu rõ chúng tôi để chắc chắn rằng bà hiểu mọi vấn đề ở đây”, Beer nói.

Theo Nhịp cầu đầu tư

Theo Nhịp cầu đầu tư

Bạn có thể quan tâm