Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quyền Bộ trưởng Y tế: ‘Việc truy vết F0 ở Đà Nẵng là không khả thi’

Theo ông Nguyễn Thanh Long, dịch Covid-19 tại Đà Nẵng xuất hiện từ đầu tháng 7, đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm và có nhiều nguồn lây nhiễm khác nên việc truy vết F0 là không khả thi.

Nhận định này được ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế, đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 2/8.

Nêu con số trong báo cáo của Bộ Y tế, ông Long cho biết đến nay Việt Nam ghi nhận 590 ca mắc Covid-19, trong đó có 323 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài về Việt Nam, 5 trường hợp tử vong.

Tốc độ gia tăng lây nhiễm rất cao so với hồi tháng 4

Nhận định tình hình, quyền Bộ trưởng Y tế thông tin sau khi dịch quay trở lại tại Đà Nẵng từ 24/7, số trường hợp nhiễm gia tăng rất nhanh trong cộng đồng. Chỉ trong vòng 10 ngày đã ghi nhận 144 trường hợp mắc, 5 trường hợp tử vong.

toc do gia tang lay nhiem dich Covid-19 rat cao anh 1

Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch lần này có tốc độ gia tăng lây nhiễm rất cao so với hồi tháng 4. Ảnh: VGP.

“Riêng trong ngày 31/7, số ca mắc đạt kỷ lục từ đầu mùa dịch với 82 ca dương tính với Covid-19. Dịch lần này có tốc độ gia tăng lây nhiễm rất cao so với hồi tháng 4”, ông Long nhận định.

Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết dịch bệnh tại Đà Nẵng xuất hiện từ đầu tháng 7, đã qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm với 2 thời điểm có thể gây bùng phát dịch là từ 5 đến 8/7 và từ 16 đến 20/7.

“Tại Đà Nẵng, có khả năng có nhiều nguồn lây nhiễm khác nhau và còn nhiều trường hợp mắc bệnh khác đang ở ngoài cộng đồng, vì vậy việc truy vết F0 là không khả thi”, ông nói.

Và cũng vì dịch đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên khả năng lây nhiễm tại cộng đồng là khá cao.

Theo ông Long, các trường hợp mắc bệnh ghi nhận ngoài cộng đồng đều có yếu tố liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Đà Nẵng với 138/144 trường hợp, là bệnh nhân, người nhà, người chăm sóc bệnh nhân, nhân viên y tế và các trường hợp có tiếp xúc gần.

"Có 6 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng chúng tôi đã cố gắng điều tra nhưng chưa tìm hiểu được mối liên quan đến ổ dịch tại 3 bệnh viện ở Đà Nẵng. Dự đoán có một số ổ dịch trong cộng đồng đã tồn tại và có thể tiếp tục lây nhiễm", ông Long dự báo.

Dự báo dịch sẽ gia tăng và lây lan

Theo ông Long, trong cao điểm mùa du lịch, có 1,4 triệu hành khách từ các địa phương đến Đà Nẵng từ 1-29/7 và đã trở về các địa phương. Trong đó, có khoảng 800.000 người đi đến khu vực 3 bệnh viện của TP Đà Nẵng và khoảng 46.000 trường hợp đến khám, chữa bệnh tại 3 bệnh viện này. Do vậy nguy cơ xuất hiện trường hợp mắc ở các địa phương khác là rất cao.

toc do gia tang lay nhiem dich Covid-19 rat cao anh 2

Đà Nẵng đang gấp rút công tác chuẩn bị bệnh viện dã chiến trong Cung thể thao Tiên Sơn để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hiện tại, ông cho hay có thể nhận định nguồn lây nhiễm chính là ở Bệnh viện Đà Nẵng với hệ số lây nhiễm từ 6-10. Trong khi đó, ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai trước đây chỉ có hệ số lây nhiễm khoảng 1,8-2,2.

Đồng thời, lần này có sự xuất hiện của chủng virus chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, làm tăng khả năng lây nhiễm. Vì vậy, ông Long dự báo dịch sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan tại một số địa phương trong cả nước.

Số ca mắc được phát hiện sẽ là các trường hợp có liên quan dịch tễ đến bệnh viện ở Đà Nẵng. Ngoài ra, tiếp tục ghi nhận các trường mắc tại cộng đồng tại các địa phương khác. Ông Long nói có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng.

"Lần này dịch đã tấn công vào 3 khoa yếu nhất, trong đó có khoa hồi sức của Bệnh viện Đà Nẵng - nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng, có rất nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy đội ngũ chuyên môn với các giáo sư đầu ngành tích cực cứu chữa nhưng vẫn không cứu được một số bệnh nhân", ông Long chia sẻ.

Theo quyền Bộ trưởng Y tế, tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước. Ông cũng khẳng định suốt thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp chống dịch, nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Thủ tướng: ‘Có địa phương giãn cách xã hội vì quá nóng ruột, lo lắng'

Nhấn mạnh cần kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở khu vực có dịch, Thủ tướng cho rằng không nên đặt vấn đề giãn cách xã hội trên cả nước vì chỉ vài tỉnh có dịch.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm