Chúng ta, hiện trôi nổi trong vô lượng vô biên các chiều không gian, khổ đau vô cùng tận không biết bao giờ được thoát ra. Chỉ có nương tựa vào đạo Phật tức là nương tựa vào Đức Phật và giáo pháp của Ngài, chư tăng đại đức đệ tử của Ngài mới có thể thoát ra được. Trước tiên phải quy y Tam Bảo là trở về nương tựa ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng. Quy là trở về, y là nương tựa. Quy y là quay trở về nương tựa vào Tam Bảo.
Ảnh: David Bartus. |
Quy y Phật
Phật là Giác, là bậc đã giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác (1), giác tha (2), giác hạnh viên mãn (3), sáng suốt, từ bi vô lượng, phúc tuệ vô biên. Phật là người dẫn đường vĩ đại nhất, là thầy của cõi Trời và Người, đã có kinh nghiệm bản thân thoát ra ngoài vòng sinh tử để chứng đắc. Đó chính là chỉ cho Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ðức Phật A Di Ðà v.v, chư Phật trong ba đời, đã tự giải thoát ra khỏi sự ràng buộc của thế gian. Quy y Phật là nương tựa vào Phật, hằng ngày chúng ta phải luôn nhớ tưởng đến Phật, niệm danh hiệu Phật, chiêm ngưỡng tượng Ngài và nguyện suốt đời tu hành theo đạo hạnh của Ngài.
(1) Tự giác tức là tự mình có thể tu hành đạt tới cảnh giới giác ngộ.
(2) Giác tha tức là có thể giúp đỡ chúng sinh tu hành đạt tới cảnh giới giác ngộ như mình.
(3) Giác hạnh viên mãn cũng gọi là toàn giác, tức là tu hành thành tựu tự giác, giác tha một cách viên mãn. Viên mãn nghĩa là: Viên là tròn, mãn là vẹn, đầy đủ, nói chung có nghĩa là tròn vẹn đầy đủ hoàn hảo. Ý ở đây muốn nói là giác ngộ một cách hoàn toàn đầy đủ.
Quy y Pháp
Pháp là Chính, là phương pháp tu hành mà Đức Phật đã phát minh ra để diệt trừ mọi mê muội, khổ đau và chứng đắc được quả vị Phật. Ba tạng kinh mà Đức Phật thuyết trong 49 năm đều gọi chung là chính pháp. Chính pháp do Đức Phật thuyết đầy đủ công năng để đưa chúng sinh qua khỏi bể khổ, đến bờ giải thoát như pháp Tứ Diệu Đế (4), Bát Chính Đạo, Lục Độ Ba La Mật, Niệm Phật Tam Muội v.v. hằng ngày đọc tụng kinh là chân lý, lời Phật dạy, luật là giới luật do Phật chế ra, luận là phân tích lý lẽ, ý nghĩa chân lý mà suy ra, để tìm hiểu thâm huyền diệu nghĩa của giáo lý.
(4) Tứ diệu đế gồm: 1. Khổ đế là chân lý tuyệt đối, trình bày rõ ràng cho chúng sinh thấy tất cả những sự khổ đau của sinh tử luân hồi mà mỗi chúng sinh đều phải gánh chịu. 2. Tập đế là chân lý tuyệt đối, trình bày rõ ràng nguyên nhân của tất cả những sự khổ đau của sinh tử luân hồi mà mỗi chúng sinh đều phải gánh chịu. 3. Diệt đế là chân lý tuyệt đối, trình bày rõ ràng các cảnh giới giải thoát khỏi tất cả những sự khổ đau của sinh tử luân hồi, chứng đắc các quả vị cao quý, an lạc, viên mãn mà mỗi chúng sinh sẽ đạt đến, khi tu hành đã tìm ra được nguyên nhân tạo ra tất cả những sự khổ đau và diệt trừ được nó. 4. Đạo đế là chân lý tuyệt đối, trình bày rõ ràng những phương pháp tu hành đúng đắn, tức tám mươi bốn nghìn pháp môn của Đức Phật, để giúp chúng sinh tu hành diệt trừ được nguyên nhân tạo ra tất cả những sự khổ đau của sinh tử luân hồi và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, chứng đắc các quả vị cao quý, an lạc, viên mãn.
Quy y Tăng
Tỳ kheo ni tu hành chân chính, đạo đức thanh sạch, giới luật trang nghiêm đã hy sinh xa rời gia đình, tiền của, danh vọng v.v, để tình nguyện theo Phật dẫn dắt chúng sinh trên đường đạo... |
Tăng là Tịnh, là chỉ chư Tỳ kheo, Tỳ kheo ni tu hành chân chính, đạo đức thanh sạch, giới luật trang nghiêm đã hy sinh xa rời gia đình, tiền của, danh vọng v.v, để tình nguyện theo Phật dẫn dắt chúng sinh trên đường đạo, giống như chư thiện, hiền, thánh tăng đã thoát ra ngoài sự ràng buộc của thế gian như Đức Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, Ca Diếp, Mục Kiền Liên, A Nan v.v. Thế gian thường nói: "Trọng Phật, phải kính Tăng".
Cho nên, nếu thành tâm kính Phật bao nhiêu, thì phải thật dạ kính Tăng bấy nhiêu. Quy y Tăng là nương tựa vào Tăng, hễ thấy người đầu tròn áo vuông, chân chính tu hành, giữ gìn giới luật, thì liền kính nể, quý trọng, xem như đó là vị đại diện cho Ðức Phật.
Kết luận: Phật, Pháp, Tăng là Giác, Chính, Tịnh. Giác Chính Tịnh là lý tính tuyệt đối, cũng chính là bản chất của Chân Không Tự tính vốn có sẵn của chư Phật và của chúng sinh, vì chư Phật và chúng sinh vốn đồng một bản thể tự tính thanh tịnh, nên quy y Tam Bảo chính là nương tựa quay trở về Chân Không bản thể tự tính thanh tịnh đầy đủ "oai lực, thần thông, trí tuệ, công đức" viên mãn, là quê hương cội nguồn thật sự của chính mình. Nếu đem công đức quy y Tam Bảo mà hồi hướng (5) cho chúng sinh, tin sâu nhân quả đoạn ác tu thiện, cùng quy y Tam Bảo, thì công đức lớn lao vô cùng.
(5) 1 Làm được nhiều công đức, như ăn chay, niệm Phật, bố thí, giữ giới... nhưng lại nguyện chuyển kết quả những việc thiện lành đó cho người khác, hay là cho tất cả mọi người, tất cả chúng sinh.
Bình luận