Việt Nam có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ tính đến năm 2021 (tương đương gần 11 triệu người). Kết quả này nhờ phần lớn nỗ lực của đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm, góp phần thực hiện mục tiêu 15% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 của Chính phủ. Tuy nhiên, nghề tư vấn bảo hiểm vẫn đối mặt với cái nhìn chưa thiện cảm của công chúng vì nhiều lý do.
Tuy nhiên, trên thực tế, các nhân viên tư vấn bảo hiểm tại Việt Nam cần trải qua quá trình đào tạo và tuyển dụng khắt khe để có thể đủ điều kiện bắt đầu bán hợp đồng bảo hiểm.
Quy trình đào tạo tư vấn viên bảo hiểm khắt khe
Để được cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính, ứng viên cần đạt tối thiểu 75% bài thi đánh giá gồm 40 câu hỏi trong 60 phút. Trong đó, học viên trải qua quá trình đào tạo bắt buộc gồm các nội dung liên quan đến kiến thức chung về bảo hiểm và nghiệp vụ bảo hiểm, Pháp luật Việt Nam về kinh doanh bảo hiểm, đạo đức nghề nghiệp cùng kỹ năng thực hành.
Chị N.K - nhân viên tư vấn bảo hiểm có hơn 5 năm kinh nghiệm - chia sẻ: “Học và thi chứng chỉ đã khó, thực hành tư vấn hợp đồng bảo hiểm còn khó hơn do người dân vẫn giữ nhiều định kiến về sản phẩm này. Chúng tôi phải gặp gỡ, trò chuyện với từng khách hàng để họ hiểu đúng về bảo hiểm nhân thọ, rồi từ đó tư vấn những giải pháp tài chính phù hợp nhu cầu. Không dừng lại ở việc bán hợp đồng bảo hiểm, chúng tôi tiếp tục chăm sóc khách hàng, duy trì mối quan hệ và hỗ trợ họ khi có thắc mắc, yêu cầu”.
Quy trình đào tạo tư vấn bảo hiểm khắt khe. |
Hành nghề bảo hiểm vì hoa hồng?
Để khuyến khích tư vấn viên thực hiện tốt việc tư vấn tài chính và đồng hành lâu dài cùng khách hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai nhiều chính sách phúc lợi riêng. Đơn cử, thù lao tư vấn viên được chi trả cho mỗi hợp đồng bảo hiểm - hay còn được gọi là “hoa hồng”. Mức hoa hồng này phải tuân thủ các quy định về kinh doanh bảo hiểm.
Anh T.K.H - quản lý lương thưởng đại lý làm việc cho một công ty bảo hiểm - chia sẻ: “Nếu chỉ nhìn vào khoản hoa hồng cao để đánh giá nhân viên tư vấn bảo hiểm bị thu hút bởi lợi nhuận thì chưa chính xác. Bởi để ra được con số đó, các công ty bảo hiểm cần tính đến chi phí tư vấn viên tự bỏ ra khi gặp gỡ, duy trì dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Mức hoa hồng của tư vấn viên sẽ giảm từ sau năm đầu tiên và họ cũng chỉ nhận hoa hồng 5 năm, trong khi vẫn cần đồng hành cùng khách hàng đến hết thời hạn hợp đồng”.
Chị N.T.V - quản lý kinh doanh bảo hiểm - cho biết thêm:“Hoa hồng cao không có nghĩa tư vấn viên cố tình gài bẫy khách hàng. Nếu có khiếu nại và phát hiện sai phạm, tư vấn viên sẽ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đó có thể là bị thu hồi hoa hồng, tước giấy phép hành nghề, thậm chí chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhiều khách hàng đã tìm đến, đồng hành cùng chúng tôi bởi tin tưởng tư vấn viên và hưởng nhiều quyền lợi bảo vệ, tích lũy”.
Doanh nghiệp nâng cao chất lượng tư vấn viên
Để sở hữu đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, tận tâm, nhiều công ty cũng nghiên cứu, phát triển lộ trình đào tạo chuyên sâu đến 24 tháng. Qua đó, chất lượng tư vấn của đại lý được nâng cao, giúp khách hàng thêm tin tưởng tham gia bảo hiểm.
Đơn cử, Manulife Việt Nam phối hợp LIMRA - hiệp hội về huấn luyện hàng đầu thế giới - để cung cấp chương trình tư vấn tài chính chuyên nghiệp MFA (Master Financial Advisor) và quản lý đại lý đạt chuẩn CIAM (Chartered Insurance Agency Manager) nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ tư vấn viên ở nhiều cấp bậc. Công ty cũng triển khai các nền tảng công nghệ hiện đại, số hóa hệ thống học tập nhằm hỗ trợ đội ngũ tư vấn liên tục cập nhật kiến thức, quy định mới và tăng năng lực chuyên môn.
Bên cạnh quy trình đào tạo tư vấn bảo hiểm theo quy định, nhiều công ty bảo hiểm cũng nghiên cứu, phát triển lộ trình đào tạo chuyên sâu thêm đến 24 tháng. |
Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - cho biết: “Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm Việt Nam nói riêng. Năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả khoảng 43.000 tỷ đồng cho khách hàng. Họ cũng nỗ lực cải thiện chất lượng tuyển chọn và đào tạo đại lý nhằm nâng cao trải nghiệm, đảm bảo quyền lợi dài hạn cho khách hàng”.
“Trong giai đoạn vừa qua, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyển dụng, đào tạo đại lý hành nghề bảo hiểm nhân thọ. Quá trình thi lấy chứng chỉ đại lý bảo hiểm bắt buộc phải được thực hiện tại các điểm tập trung do Viện Bảo hiểm Bộ Tài chính quy định và được giám sát chặt chẽ”, ông cho biết thêm.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh và còn khá trẻ so với nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, khung hành lang pháp lý cho lĩnh vực này đang hoàn thiện dần. Giữa năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/1 năm nay. Song song đó, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh của thị trường.