Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quy mô doanh thu 10 tập đoàn kinh tế Nhà nước năm 2022

Phần lớn tập đoàn kinh tế Nhà nước tiếp tục có sự mở rộng về doanh thu hoạt động trong năm 2022, tuy nhiên một số đơn vị lại ghi nhận lợi nhuận kém khả quan như EVN, Vinatex...

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước vẫn đang là "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt nền kinh tế, đóng góp quan trọng nhất vào GDP cả nước, cũng như tạo ra hàng triệu việc làm hay thực hiện các công việc điều tiết thị trường khác.

Hiện Việt Nam có 10 tập đoàn kinh tế lớn thuộc sở hữu Nhà nước. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục dẫn đầu toàn bộ khối doanh nghiệp với quy mô doanh thu tiệm cận một triệu tỷ đồng.

Ngành dầu khí đứng đầu

Cụ thể, nhờ hưởng lợi đáng kể từ giá dầu thế giới tăng phi mã, các hoạt động kinh doanh của đơn vị này ghi nhận mức tăng trưởng 3-26% tùy chỉ tiêu trong năm vừa qua, nhiều kỷ lục mới được xác lập sau 61 năm phát triển.

Quy mô doanh thu năm 2022 của PVN đã đạt 931.200 tỷ đồng (tương đương gần 40 tỷ USD) và có thu về khoản lãi 82.200 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD). PVN cũng lập kỷ lục về nộp ngân sách Nhà nước với 170.600 tỷ đồng (hơn 7,2 tỷ USD), chiếm đến 9,6% trong tổng thu ngân sách Nhà nước.

Cũng trong năm qua, sản lượng khai thác dầu thô của tập đoàn này đã đạt mức cao nhất 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch. Xuất khẩu phân đạm đạt 1,88 triệu tấn, vượt 17% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu tại 2 nhà máy lọc dầu cũng đạt mức kỷ lục để đáp ứng 75% nhu cầu trong nước...

DOANH THU ƯỚC TÍNH CÁC TẬP ĐOÀN KINH TẾ NHÀ NƯỚC NĂM 2022
Tập đoàn Bảo Việt chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2022
Nhãn PVN EVN Petrolimex Vinacomin Viettel Vinachem VNPT VNRubber Vinatex

Nghìn tỷ đồng 931.2 460.7 300 168.5 163.8 62.3 55.2 28.6 19.5

Tuy nhiên, sang năm 2023, tập đoàn này lại tỏ ra thận trọng với kế hoạch doanh thu giảm còn 677.700 tỷ đồng (không bao gồm Lọc dầu Nghi Sơn) và kỳ vọng lợi nhuận ở mức 34.000 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu về sản lượng bao gồm gia tăng trữ lượng dầu khí 8-16 triệu tấn dầu quy đổi; khai thác gần 9,3 triệu tấn dầu; khí khoảng 5,94-8,11 tỷ m3; sản xuất đạm 1,6 triệu tấn, điện khoảng 24 tỷ kWh và xăng dầu (không gồm Nghi Sơn) 5,53 triệu tấn.

Đứng sau PVN là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với doanh thu ước tính năm 2022 khoảng 460.700 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm liền trước. Trong đó, riêng công ty mẹ EVN ghi nhận mức doanh thu 385.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá nhiên liệu thế giới và trong nước tăng đột biến khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN năm vừa qua tăng rất cao, lên đến 53.200 tỷ đồng. Yếu tố này đã ăn mòn lợi nhuận khiến EVN có thể ghi nhận khoản lỗ lên tới 31.360 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Giữ vị trí top 3 doanh thu nhóm doanh nghiệp Nhà nước là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với quy mô khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng 78%. Nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước cũng ước đạt 2.000 tỷ đồng lãi trước thuế và nộp ngân sách Nhà nước 32.000 tỷ đồng.

Hai "sếu đầu đàn" khác cũng có kết quả kinh doanh tích cực trong năm vừa qua là Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

Trong đó, Vinacomin ghi nhận doanh thu kỷ lục từ khi thành lập với gần 168.500 tỷ đồng chủ yếu đến từ ngành than, khoáng sản và bán điện. Chỉ tiêu lợi nhuận cũng tăng vọt lên 8.100 tỷ đồng và nộp ngân sách 21.350 tỷ.

Sang năm 2023, nhà khai thác khoảng sản lớn nhất cả nước này đặt mục tiêu doanh thu gần 169.000 tỷ và lợi nhuận 5.000 tỷ đồng. Nguồn thu vẫn đến từ các ngành chủ lực là than (63%), khoáng sản (14%), bán điện (7%) và các mảng khác.

Trong khi đó, lãnh đạo Viettel công bố doanh thu hợp nhất năm 2022 đã tăng 6,1%, lên khoảng 163.000 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng trên các lĩnh vực viễn thông, đầu tư nước ngoài, chuyển đổi số và sản xuất công nghệ cao.

Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn cũng tăng 3% so với năm liền trước, lên 43.100 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất 5 năm gần đây của Viettel, đóng góp vào ngân sách Nhà nước của doanh nghiệp quân đội khoảng 38.000 tỷ đồng, tương đương trước thời kỳ dịch Covid-19.

Vinatex thấp nhất

Các tập đoàn kinh tế Nhà nước còn lại có quy mô khiêm tốn hơn nhưng vẫn đạt mức doanh thu hàng tỷ USD, ngoại trừ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) vẫn chưa thể đạt đến ngưỡng thu kỳ vọng này.

Vinatex vừa tổng kết hoạt động năm 2022 với doanh thu hợp nhất ước đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch. Chỉ tiêu lợi nhuận năm vừa qua của tập đoàn này cũng giảm 25% so với năm 2021, đạt khoảng 1.090 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lợi nhuận này vẫn vượt 15% kế hoạch năm của tập đoàn.

Lãnh đạo Vinatex cho biết diễn biến thị trường không thuận lợi, kéo dài từ cuối quý III/2022 tới nay, dự báo 2023 là năm kinh doanh đầy khó khăn với các ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may.

Trước những dấu hiệu thị trường suy giảm, năm 2023, đơn vị sản xuất hàng may mặc này đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất chỉ tăng nhẹ lên 19.550 tỷ đồng. Trong khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 14%, về còn 935 tỷ đồng.

Doanh thu,  tap doan,  kinh te anh 1

Vinatex chưa thể gia nhập nhóm tập đoàn có doanh thu tỷ USD. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VN Rubber) dự kiến duy trì quy mô doanh thu tỷ USD trong năm 2022 với con số cụ thể khoảng 28.360 tỷ đồng, tăng 8% so với năm liền trước.

Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 5.020 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch đã điều chỉnh. Doanh nghiệp đầu ngành cao su đã Nộp ngân sách Nhà nước 3.200 tỷ đồng, cũng vượt 2% kế hoạch năm.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ước tính doanh thu năm vừa qua đạt 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế vượt gần 5% kế hoạch, đạt 6.629 tỷ và nộp ngân sách Nhà nước vượt 4%, đạt 5.228 tỷ đồng.

Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng có kết quả khả quan với doanh thu ước đạt 62.262 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước và là mức cao nhất kể từ khi thành lập đến nay. Trong đó, tăng trưởng của Vinachem chủ yếu đến từ sự thuận lợi của thị trường phân bón và hóa chất.

Doanh nghiệp đầu ngành hóa chất này cũng ghi nhận lợi nhuận ở mức 6.023 tỷ đồng, tăng ròng 3.890 tỷ so với mức thực hiện năm 2021. Đồng thời, công ty đã nộp ngân sách Nhà nước 2.052 tỷ đồng trong năm vừa qua.

Trong khi đó, Tập đoàn Bảo Việt hiện chưa công bố các ước tính về chỉ tiêu kinh doanh năm 2022. Nhưng theo báo cáo 9 tháng đầu năm 2022, Bảo Việt đã đạt quy mô gần 31.500 tỷ đồng doanh phí bảo hiểm, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Do đó, Bảo Việt nhiều khả năng đứng thứ 8 về doanh thu trong nhóm 10 tập đoàn kinh tế Nhà nước năm 2022.

Ông lớn ngành than thu kỷ lục gần 169.000 tỷ đồng

Năm 2022, doanh thu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đạt 168.500 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước tới nay.

PVN đặt mục tiêu doanh thu gần 678.000 tỷ đồng năm 2023

Năm 2023, PVN giảm hàng loạt chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận và số nộp ngân sách. Năm 2022 trước đó, doanh thu toàn tập đoàn này đạt tới 931.200 tỷ đồng.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm