PVN đặt mục tiêu doanh thu giảm 27% trong năm 2023. Ảnh: T.T. |
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023 được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) đưa ra, tổng doanh thu toàn tập đoàn dự kiến năm nay là 677.700 tỷ đồng (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn),
So với kết quả đạt được năm 2022, kế hoạch doanh thu kể trên của PVN đã giảm tới 27%. Trong năm 2022, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn này ghi nhận được lên tới 931.200 tỷ đồng, tương đương gần 40 tỷ USD quy đổi và là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Với kế hoạch doanh thu giảm đáng kể trong năm 2023, ban lãnh đạo PVN cũng đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất cả năm đạt 34.000 tỷ đồng, số nộp ngân sách Nhà nước đạt 78.300 tỷ đồng. So với năm liền trước, các chỉ tiêu kết quả kinh doanh này đều thấp hơn.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, PVN cho biết bên cạnh mức doanh thu kỷ lục, tập đoàn còn lập kỷ lục ở chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất với trên 82.000 tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD quy đổi. Số nộp ngân sách Nhà nước cùng năm cũng đạt 170.600 tỷ đồng, tương đương hơn 7,2 tỷ USD, chiếm khoảng 9,6% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Về sản lượng khai thác dầu, tập đoàn đã hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng 11 ngày, đạt 10,84 triệu tấn trong cả năm, vượt 24% kế hoạch, tương đương mức thực hiện năm 2021.
Riêng hoạt động khai thác dầu ở trong nước hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng 18 ngày. Cả năm 2022 đạt 8,98 triệu tấn, vượt 1,94 triệu tấn, tức 28% kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021.
Cũng trong năm vừa qua, PVN đã lập kỷ lục về sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn (vượt 17% kế hoạch); xuất khẩu 606.000 tấn với giá trị cao, đóng góp 37,4% giá trị xuất khẩu phân bón 1,08 tỷ USD. Góp phần đưa Việt Nam từ nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu phân bón với giá trị cao.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng ghi nhận kỷ lục ở mảng sản xuất xăng dầu, bao gồm cả Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất, đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Trong năm 2022, Petrovietnam cho biết đã xử lý có hiệu quả các dự án, công trình tồn đọng như việc xử lý, đưa vào vận hành các dự án điện (Sông Hậu 1, Thái Bình 2); xử lý các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ dự án Nhiệt điện Long Phú 1; chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn; nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất...
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế