Theo Bloomberg, hôm 3/7, Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ (GPIF) Nhật Bản thông báo lỗ 17.700 tỷ yen (164,7 tỷ USD), tức 11% tổng tài sản, trong quý I. Tổng tài sản giảm của GPIF giảm xuống còn 150.630 tỷ yen (1.401 tỷ USD). GPIF thiệt hại nặng nhất từ đầu tư vào cổ phiếu ở nước ngoài, kế tiếp là chứng khoán tại thị trường nội đia.
Kết quả kinh doanh thảm hại này được công bố chỉ vài tháng sau khi quỹ hưu trí lớn nhất thế giới thay máu dàn lãnh đạo cấp cao và điều chỉnh danh mục đầu tư nhằm tập trung vào thị trường nợ nước ngoài.
Bloomberg nhận định việc GPIF lỗ tới 164,7 tỷ USD chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng sẽ gây chấn động xã hội Nhật Bản bởi an sinh xã hội là mối quan tâm lớn đối với hàng trục triệu người nghỉ hưu ở quốc gia Đông Á.
Chủ tịch GPIF Masataka Miyazono. Ảnh: Bloomberg. |
"Giá cổ phiếu trong và ngoài nước lao dốc dẫn đến lợi nhuận âm trong năm tài chính. Cả hai thị trường này vẫn hoạt động tốt vào năm 2019 ngay cả dưới áp lực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 toàn cầu khiến các nhà đầu tư không dám mạo hiểm", Bloomberg dẫn lời ông Masataka Miyazono, Chủ tịch GPIF, giải thích.
Trái phiếu nước ngoài là tài sản duy nhất tạo lợi nhuận quý cho GPIF. Giám đốc Naoki Fujiwara thuộc Shinkin Asset Management cho biết giới chuyên gia đã dự báo trước việc GPIF lỗ nặng. Dù vậy, ông cho rằng quỹ này có thể bù đắp được phần nào trong quý II do giá chứng khoán đã tăng từ tháng 3.
Hiện, Chủ tịch GPIF Miyazono và Giám đốc đầu tư Eiji Ueda phải lèo lái quỹ trong một thị trường đầy biến động do đại dịch Covid-19 và các biện pháp kích thích kinh tế. Lo ngại về làn sóng bùng phát thứ hai cũng cản trở sự phục hồi của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Theo thống kê, chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI All-Country World Index sụt giảm 22% trong quý I/2020, mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.