Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi có nhiều quy định, nội dung mới, nhận được sự quan tâm của giới làm phim. Chia sẻ với Zing, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội điện ảnh TP.HCM, cho rằng dự thảo cần có những điều khoản khuyến khích sáng tạo và sáng tác cho người làm nghề, giúp phát triển hoạt động của lĩnh vực điện ảnh thay vì chỉ tập trung vào công tác quản lý.
Theo bà Thúy, một trong những vấn đề mọi người thắc mắc là việc thành lập và vận hành quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi tại Điều 45, 46, 47 quy định cụ thể việc thành lập, mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc hoạt động, nguồn tài chính của quỹ điện ảnh.
Mong muốn quỹ hỗ trợ điện ảnh được thành lập
Bà cho rằng những điều luật này là sự tiến bộ cơ quan quản lý, mang tới tín hiệu vui cho giới làm phim. Tuy nhiên bà vẫn đặt câu hỏi làm sao để quỹ này từ văn bản trở thành hiện thực.
Phim Ròm do Trần Thanh Huy đạo diễn. Anh cho biết phải vất vả tìm vốn đầu tư mới có thể hoàn thành phim. |
"15 năm trước, quỹ hỗ trợ điện ảnh đã được đưa vào Luật Điện ảnh 2006. Nhưng thực tế quỹ chưa hề hoạt động mà không biết nguyên nhân vì sao. Do đó, chúng tôi mong muốn Luật Điện ảnh sửa đổi lần này thật sự đưa quỹ đi vào cuộc sống, giúp đỡ các nhà làm phim trẻ, chứ không chỉ nằm trên giấy", bà nhấn mạnh.
Đạo diễn Trần Thanh Huy cho hay trong hành trình 10 năm làm Ròm, anh và các đồng nghiệp không biết đến các quỹ hỗ trợ điện ảnh ở Việt Nam. Anh phải tìm đến các quỹ ở nước ngoài để được hỗ trợ vốn sản xuất.
Theo anh, các nước trong khu vực đều đã thành lập quỹ phát triển điện ảnh từ lâu. Thành lập và sự hoạt động của quỹ được coi là cơ hội dành cho các nhà làm phim độc lập, nhà làm phim trẻ.
Điều Trần Thanh Huy trăn trở việc sau khi thành lập quỹ, quy chế hoạt động và cách làm thế nào để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, công bằng giữa các nhà làm phim.
"Quỹ điện ảnh của Singapore thường nhận các dự án vào tháng 5. Sau đó, họ công bố hội đồng giám khảo, tiêu chí phim được lựa chọn. Tiêu chí phim được chọn ra sao đều được thông tin cụ thể trên trang web. Để đảm bảo công bằng, tôi nghĩ quỹ điện ảnh Việt Nam cũng nên đi theo cách làm của các nước trên thế giới", anh nêu ví dụ.
Cần đầu tư cho phim có giá trị nghệ thuật
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhìn nhận việc dự thảo lần này có điều khoản riêng về quỹ hỗ trợ pháp triển điện ảnh là tạo hành lang pháp lý cho quỹ được thành lập, hoạt động. Những năm qua, các nhà làm phim độc lập của Việt Nam thường tìm đến các quỹ ở nước ngoài hoặc các liên hoan phim để tiếp cận nguồn vốn.
Theo kinh nghiệm của người từng được nhận vốn hỗ trợ của quỹ điện ảnh ở Singapore, Nguyễn Hữu Tuấn cho hay các nhà làm phim Việt phải trải qua nhiều khó khăn mới được đầu tư.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh - dự án phim được nhà nước đầu tư vốn. |
Anh kể: "Mỗi năm, quỹ của Singapore chỉ cấp cho một dự án của nước ngoài với trị giá 250.000 USD. Số tiền này được giải ngân với điều kiện nhà làm phim phải hợp tác với đối tác của nước họ. Họ thường quy định nhân sự trong đoàn phim, kinh phí dịch vụ như bản quyền, hậu kỳ chiếm 40-50% ở nước họ. Họ giải ngân thông qua công ty đối tác".
Vì vậy, anh cho rằng quỹ hỗ trợ điện ảnh được thành lập chắc chắn mở ra cơ hội cho nhiều nhà làm phim trẻ. Tuy nhiên, cũng như các đồng nghiệp anh đặt câu hỏi về cách thức hoạt động, tiêu chí chọn dự án đầu tư nếu thành lập quỹ.
Nhìn lại các dự án ở Việt Nam được cấp vốn hoặc đầu tư từ tiền ngân sách trước đây, Nguyễn Hữu Tuấn đánh giá đa số phim lại thuộc các dự án thương mại.
Anh cho biết: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Những đứa con của làng... đều là những phim không tệ, được làm tử tế. Nhưng nếu quỹ hoạt động theo kiểu đấy vẫn không ổn. Quỹ phải hướng đến những tác phẩm gai góc, tính chất nghệ thuật cao hơn".
Để tìm ra những tác phẩm xứng đáng, Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng cần phải có quy chế cũng như chọn thành viên của hội đồng xét duyệt. "Đó phải là những người có chuyên môn, uy tín trong nghề. Không thể để người chưa bao giờ làm phim ngồi chấm", anh nói.
Bên cạnh nội dung thành lập quỹ điện ảnh, một số vấn đề khác của dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi cũng được giới làm phim quan tâm như việc kiểm duyệt phim chiếu mạng, kiểm duyệt nội dung phim...
Với phim điện ảnh, giới làm phim đề nghị Luật Điện ảnh sửa đổi không có điều khoản quy định về việc Hội đồng thẩm định được can thiệp vào nội dung tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ nên phân loại độ tuổi phù hợp với từng bộ phim.
Với phim chiếu mạng, giới làm phim ủng hộ phương án nhà làm phim tự phân loại phim và cơ quan chức năng hậu kiểm. Và điều quan trọng là xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng, chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe mới giảm được nội dung độc hại.