Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, trong đó vấn đề kiểm duyệt phim đang nhận được sự quan tâm của giới làm phim thời gian qua. So với Luật Điện ảnh 2006, trong dự thảo có bổ sung quy định về kiểm duyệt phim phát hành trên mạng. Ở Điều 22, quy định về phổ biến phim trên không gian mạng hiện có hai phương án được bàn thảo. Cụ thể, nhà làm phim tự phân loại và hậu kiểm sau hoặc phải tiền kiểm như phim chiếu rạp, trước khi được phát hành.
So với phim chiếu rạp, phim phát trên mạng có nội dung, số lượng phong phú hơn nhiều lần. Vì vậy, để thực hiện được công việc tiền kiểm, theo các đạo diễn là điều không thể. Do đó, họ ủng hộ phương án nhà làm phim tự phân loại phim và cơ quan chức năng hậu kiểm.
Tiền kiểm khó, chỉ có thể hậu kiểm
Trao đổi với Zing, đạo diễn Nguyễn Thu cho rằng để kiểm soát được phim chiếu mạng cần có đội ngũ nhân lực, chi phí vận hành rất lớn. Theo bà, cách tốt nhất là hậu kiểm và tạo ra được hành lang pháp lý chi tiết, rõ ràng để người làm phim nương theo, tránh vi phạm.
Ưng Hoàng Phúc ngoài ca hát, cũng tham gia sản xuất web drama. Urica Media. |
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhận định hiện tại, dịch vụ OTT - cung cấp nội dung trên Internet - đa dạng. Với số đầu phim trên mạng quá nhiều, cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.
Không những thế xu hướng sản xuất phim chiếu mạng ngày càng tăng. Anh cho rằng nếu cố gắng kiểm soát chẳng khác nào Don Quijote đối đầu với cối xay gió.
Theo dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, những nội dung và hành vi bị cấm với phim chiếu mạng cũng giống phim điện ảnh được quy định tại Điều 11. Tuy nhiên, theo giới làm phim, một số nội dung tại Điều 11 còn chung chung, chưa rõ ràng.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích: "Thế nào là vi phạm chính sách tôn giáo, nghiêm cấm các hành vi gây phương hại đến người vị thành niên. Ví dụ phim The Hope của điện ảnh Hàn Quốc, miêu tả vụ án một em bé bị hiếp dâm. Nếu theo Luật Điện ảnh có thể phim này sẽ bị cấm. Khi các nội dung quy định chung chung sẽ dẫn tới có thể bị diễn giải một cách tùy tiện. Và điều này tạo rào cản pháp lý với giới làm phim".
"Cần có chế tài đủ sức răn đe"
Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM e ngại những quy định trong luật chưa theo kịp sự bùng nổ của phim trên mạng nói riêng và những nội dung phổ biến trên không gian mạng nói chung. Bà cho rằng kiểm duyệt phim chiếu trên không gian mạng là điều cần thiết, nhưng cần có cách làm hợp lý, hiệu quả.
Web drama được nhiều nghệ sĩ theo đuổi trong thời gian qua. Ảnh: Hồ Quang Hiếu. |
Bà nhận thấy thực tế, nhiều nội dung chiếu trên mạng ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống nhưng cơ quan quản lý chưa kiểm soát được, dù hiện tại đã có Luật An ninh mạng. Do vậy, bà mong trong Luật Điện ảnh sửa đổi phải có quy chế làm việc cho bộ phận kiểm duyệt. Ngoài ra, điều khoản luật về phổ biến phim trên không gian mạng phải được nghiên cứu kỹ, chặt chẽ và có những biện pháp chế tài đủ sức răn đe.
Theo đạo diễn Nguyễn Thu, để việc kiểm duyệt hiệu quả, điều quan trọng là xây dựng được hành lang pháp lý rõ ràng, chế tài đủ nghiêm khắc.
"Quy định cụ thể về những nội dung và hành vi bị cấm cùng chế tài nghiêm khắc, nhà làm phim sẽ phải cân nhắc kỹ trước khi đăng tải, giảm nội dung độc hại. Phim đăng tải, nếu vi phạm nội dung đã cấm sẽ bị gỡ hoặc xử phạt", cô nhấn mạnh.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay phim chiếu mạng sinh ra từ công nghệ nên cách kiểm duyệt cũng cần dùng công nghệ. Anh cho rằng cách quản lý khối lượng nội dung lớn cần sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) mới hiệu quả, khó có thể kiểm duyệt bằng cách truyền thống.
Tương tự, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng cơ quan chức năng nên áp dụng công nghệ thông tin để kiểm duyệt nội dung. "Phải có công nghệ, những thuật toán để quét và phát hiện hình ảnh sex, bạo lực hoặc nội dụng bị cấm", anh nói.
Là đạo diễn của nhiều web drama, Tô Gia Tuấn (Mr Tô) cũng ủng hộ việc hậu kiểm của cơ quan chức năng. Anh khẳng định bất kỳ người làm phim nào cũng mong muốn tác phẩm được khán giả đón nhận và không vi phạm các quy định của Luật Điện ảnh.
Mr Tô cho biết để kiểm duyệt nội dung phim chiếu mạng, cơ quan chức năng nên áp dụng công nghệ. Từng có phim đăng tải trên các dịch vụ OTT và YouTube, Mr Tô cho biết các nền tảng này đều có sự kiểm duyệt gắt gao thông qua những quy định cụ thể.
Web drama Thập tứ cô nương đã được Mr Tô chỉnh sửa 20 lần mới được đăng tải. Ảnh: ATO Film. |
"Nếu các nền tảng có quy định cấm hình ảnh hút thuốc lá, uống rượu bia, bạo lực hay sex. Bộ phim có chứa các hình ảnh này sẽ bị phát hiện ngay khi đăng tải. Tiếp đó, họ sẽ gửi cảnh báo về cho nhà làm phim. Nếu muốn phim được đăng tải, nhà làm phim phải chỉnh sửa, xóa bỏ hoặc làm mờ. Nếu không, họ khóa video luôn. Có những phim như Thập tứ cô nương, tôi phải sửa 20 lần mới được công khai video", anh giải thích.
Mr Tô cho biết thêm ngoài quy định riêng của các dịch vụ OTT, nhà làm phim chiếu mạng cũng phải lắng nghe phản ứng của khán giả. Bởi nếu bộ phim có nội dung phản cảm, bị lượng người xem nhất định "report", phim cũng sẽ khóa. "Bản án từ phản ứng tiêu cực của khán giả cũng là áp lực rất lớn với nhà làm phim", anh nhấn mạnh.