Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quy định mới sẽ hạn chế tình trạng thâu tóm, sở hữu chéo'

Đó là đánh giá của chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS.Cấn Văn Lực về Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành ngày 20/11/2014.

Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong  hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Ông đánh giá như thế nào về Thông tư 36 của NHNN vừa mới ban hành? Theo ông, những quy định mới nào đáng chú ý?

Tôi cho rằng, việc ban hành Thông tư 36 là một bước tiến mới của NHNN trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý đối với hoạt động ngân hàng. 

Điểm nhấn đáng chú ý trong Thông tư này là một số quy định mới về quy định nội bộ, giới hạn cấp tín dụng, giới hạn góp vốn, mua cổ phần… sẽ giúp hạn chế và ngăn chặn việc cấp tín dụng sai đối tượng, tình trạng thâu tóm, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, siết chặt kỷ cương hơn nữa trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, các quy định này đã tiệm cận với thông lệ quốc tế.

- Ông có thể nói rõ hơn về những quy định giới hạn cấp tín dụng?

Đúng là so với các văn bản trước đây, Thông tư này đã quy định khá cụ thể và chặt chẽ hơn trong việc quản lý và cấp tín dụng. Điều này sẽ giúp hạn chế rủi ro tín dụng do tập trung vào một khách hàng, một nhóm khách hàng có liên quan; nâng cao khả năng tiếp cận vốn ngân hàng đối với mọi khách hàng; minh bạch hóa việc cấp tín dụng đối với cổ đông sáng lập, cổ đông lớn, thành viên HĐQT, HĐTV, Ban Kiểm soát, Ban điều hành… và người có liên quan của những người này cũng như việc cấp tín dụng cho công ty con, công ty liên kết, doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát. Thông tư cũng hạn chế việc cấp tín dụng sai đối tượng, vượt quá giới hạn theo quy định của Luật các TCTD; việc đảo nợ và bảo đảm việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro chính xác hơn, đầy đủ hơn. 

TS.Cấn Văn Lực chuyên gia tài chính – ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực chuyên gia tài chính – ngân hàng.

Ngoài ra, cơ quan quản lý còn có thể kiểm soát chặt chẽ và hạn chế việc TCTD nắm giữ, thâu tóm TCTD khác thông qua việc cấp tín dụng để khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, sau đó nhận ủy quyền đại diện cổ đông cho khách hàng nắm giữ cổ phiếu tại nhiều TCTD khác.

- Quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần cũng chặt chẽ hơn khá nhiều?

Đúng vậy, các quy định này sẽ hạn chế đầu tư dàn trải ra ngoài ngành vừa không tập trung nguồn lực cho hoạt động chính vốn khó kiểm soát được rủi ro; hạn chế tối đa việc thao túng, kiểm soát của ngân hàng, công ty tài chính đối với các TCTD tín dụng khác thông qua việc cùng với công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát mua, nắm giữ cổ phiếu, góp vốn và mua cổ phần; tạo lập cơ sở pháp lý trong việc thực hiện cơ cấu lại hệ thống khi NHNN sử dụng và chỉ định ngân hàng, công ty tài chính tham gia xử lý các ngân hàng khác.

Bên cạnh đó, TCTD cũng phải có kế hoạch cơ cấu lại và điều chỉnh hoạt động góp vốn, mua cổ phần theo quy định. Hạn chế việc sở hữu chéo giữa các TCTD, giữa công ty kiểm soát và ngân hàng, công ty tài chính, giữa ngân hàng, công ty tài chính với công ty con.

- Vậy, quy định các TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên cơ sở bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào của TCTD hoặc bằng cổ phiếu của TCTD khác, đồng thời cũng cấm các TCTD không được cấp tín dụng, ủy thác cho công ty con, công ty liên kết đầu tư kinh doanh cổ phiếu hoặc cho vay để đẩu tư, kinh doanh cổ phiếu có làm hạn chế hoạt động của các TCTD không, thưa ông?

Quy định này không  ảnh hưởng nhiều đến các TCTD vì tại Khoản 1 Điều 14 của Thông tư cũng đã quy định các TCTD được cấp tín dụng dưới hình thức cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá đối với khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu phải đáp ứng các điều kiện như: việc cấp tín dụng phải đảm bảo các giới hạn và tỷ lệ an toàn khác quy định trong Thông tư này; có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập đủ số tiền dự phòng rủi ro theo quy định; khách hàng không phải là người có liên quan của các đối tượng quy định tại Điều 126 Luật các TCTD...

Thực chất, việc NHNN bổ sung các hạn chế đối với việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu chính là nhằm hạn chế các trường hợp cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu chứa đựng nhiều rủi ro, thâu tóm, sở hữu chéo.

Có thể thấy, các quy định tại Thông tư 36 đã chặt chẽ hơn, hướng đến thông lệ quốc tế. Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để Thông tư thực sự đi vào cuộc sống; theo đó, công tác kiểm tra, giám sát; quản trị doanh nghiệp (gồm cả khâu minh bạch hóa thông tin), quản lý rủi ro tại các TCTD cần được tăng cường; và phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quá trình hướng dẫn, thực hiện là rất quan trọng.

- Xin cảm ơn ông.

Lãi ngân hàng 'béo, gầy' nhanh?

Ngân hàng đạt lãi cả trăm, thậm chí ngàn tỷ đồng, nhưng bản chất bức tranh lợi nhuận không còn hoành tráng như xưa. Thậm chí tại nhiều ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, nợ xấu.

Minh Phương

Bạn có thể quan tâm