Dù có những tranh cãi công khai về hành vi của quốc vương Muhammad V với tư cách nguyên thủ quốc gia Malaysia từ khi đảng Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 9/5, việc ông tuyên bố thoái vị là điều không ai nghĩ tới.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Malaysia, một vị "Agong" (từ gọi nhà vua trong tiếng Mã Lai) chủ động từ bỏ ngai vàng.
Song sự bực bội của một số tiểu vương (sultan) khác tại vương quốc này trước những tổn hại mà thiết chế hoàng gia phải chịu trong thời gian đó càng ngày càng tăng, theo Straits Times.
Tổn hại hình ảnh hoàng gia
Thủ tướng Mahathir Mohamad hồi tháng 6 từng phàn nàn về việc vua Muhammad V đã không tôn trọng thượng tôn pháp luật khi trì hoãn việc bổ nhiệm ông làm thủ tướng cũng như chỉ định một bộ trưởng tư pháp mới.
Sự thay đổi chính quyền mang tính lịch sử hôm 9/5, với việc đảng Barisan Nasional thất bại sau sáu thập kỷ nắm quyền không gián đoạn, đã dẫn đến cuộc tranh luận trong công chúng về vai trò của hoàng gia trong nền dân chủ Malaysia.
Quốc vương Muhammad V (phải) chuẩn bị phát biểu, bên cạnh là Thủ tướng Mahathir Mohamad, hồi tháng 7/2018. Ảnh: AFP. |
Cùng lúc, cố vấn truyền thông của ông Mahathir, Kadir Jasin, cũng tuyên bố "Agong" Muhammad V đã chi tiêu 257 triệu ringgit (62 triệu USD) trong 16 tháng trị vì.
Song giọt nước làm tràn ly là đám cưới bí mật giữa nhà vua và một hoa hậu người Nga, Oksana Voevodina, hôm 22/11.
Vua Muhammad V đã nghỉ phép trong hai tháng 11 và 12 trên danh nghĩa là để hồi phục sức khỏe sau khi điều trị bệnh. Thay vào đó, thông tin về đám cưới của ông nhanh chóng lan truyền trên các trang tin và báo lá cải khắp thế giới.
Cô dâu 25 tuổi, người giành chiến thắng trong cuộc thi hoa hậu Moscow năm 2015, được cho là đã cải sang đạo Hồi - tôn giáo chính thức của Malaysia cũng như hoàng gia nước này - hồi đầu năm. Tuy nhiên, những câu chuyện cũng như hình ảnh "khoe thân" của cô thời còn làm người mẫu và tham gia chương trình tryền hình thực tế đã ảnh hưởng xấu đến hình ảnh vua Muhammad V trong mắt những người Hồi giáo bảo thủ chiếm đa số tại bang nhà của quốc vương, Kelantan.
Những hành động thiếu suy xét và sự bất đồng với chính phủ như vậy không phải là hiếm tại Malaysia, nhưng việc liên tục có những chuyện tranh cãi về hoàng gia là điều đáng báo động, nếu xét đến lịch sử quan hệ giữa hoàng gia và Thủ tướng Mahathir.
Trong giai đoạn nắm quyền đầu tiên từ năm 1981 đến năm 2003, ông Mahathir đã có thể liên tục nhận được sự ủng hộ của công chúng để vượt lên hoàng gia. Hồi đầu những năm 1990, chính phủ của ông đã thông qua luật xóa bỏ một số quyền miễn trừ đối với thành viên hoàng tộc cũng như quy định rằng luật mới phải được hoàng gia phê chuẩn mới được thông qua.
Thoái vị để tránh mất mặt?
Theo một số nguồn tin chính thức, 4 trong số 9 tiểu vương các bang đã bắt đầu thảo luận cách giải quyết vấn đề hồi đầu tháng 12, bao gồm các tiểu vương của bang Perak, người hiện là phó vương Malaysia, và của bang Perlis, một trong những thành viên hoàng tộc cao cấp hơn.
Chỉ vài ngày sau thời gian tiểu vương Nazrin Shah của bang Perak lưu lại Cung điện Quốc gia (Istana Negara) với tư cách "quyền Agong" - kết thúc hôm 31/12, Hội nghị Các nhà Cai trị - vốn tổ chức 3 lần một năm - đã tổ chức một cuộc họp ngoài kế hoạch.
Lối vào Cung điện Quốc gia (Istana Negara) ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Không lâu sau cuộc họp diễn ra hôm 2/1, tin đồn bắt đầu rộ lên về việc quốc vương Muhammad V bị ép phải thoái vị trong vòng một tuần, nếu không sẽ phải đối mặt với một giải pháp khiến ông mất mặt. Song không rõ là khi đó những người kêu gọi thoái vị đã có được sự ủng hộ cần thiết của tối thiểu 5 tiểu vương các bang hay chưa.
Bất chấp việc các tiểu vương lại gặp nhau không chính thức và không có sự tham gia của "Agong", Thủ tướng Mahahir hôm 4/1 nói ông không có gì để thông báo về tình hình của nhà vua và cũng chỉ nghe những tin đồn như những người khác.
Tuy nhiên, tuyên bố của vua Muhammad V hôm 6/1 rằng ông sẽ quay về Kelantan cho thấy khả năng rằng ông đã tiên liệu được tình hình và đã có đủ số người cần thiết để buộc ông thoái vị.
Ai sẽ lên ngôi?
Mặc dù việc nhà vua thoái vị đã không gây ra cuộc khủng hoảng nào, hiện vẫn chưa rõ liệu quá trình tìm người tiếp theo ngồi lên ngai vàng có suôn sẻ hay không. Hội nghị Các nhà Cai trị đã nhóm họp hôm 7/1 và dù họ có 4 tuần để chọn một "Agong" mới, hoàng gia có lẽ muốn giải quyết vấn đề sớm hơn như thế nhiều để tránh việc công chúng bất mãn với họ kéo dài quá lâu.
Quốc vương của Malaysia, gọi một cách đầy đủ là "Yang di-Pertuan Agong" (có nghĩa "nhà cai trị tối cao"), được lựa chọn quay vòng từ 9 tiểu vương của 9 bang tại đất nước. Vị trí này có nhiệm kỳ 5 năm và chủ yếu mang tính hình thức.
Theo thể chế độc nhất này, người tiếp theo trong danh sách lên ngôi "Agong" là tiểu vương của bang Pahang, Ahmad Shah, 88 tuổi; sau đó là tiểu vương Ibrahim Ismail, 60 tuổi, bang Johor, và tiểu vương Nazrin Shah, 62 tuổi, bang Perak. Tuy nhiên, tiểu vương Ahmad Shah đã già yếu và để con trai nhiếp chính trong 2 năm qua.
Đốt phiếu bầu sau khi chọn ra Agong mới vào ngày 26/2/1999. Ảnh: Straits Times. |
Hội nghị Các nhà Cai trị có sự tham gia của 9 vị tiểu vương và 4 thống đốc của 4 bang không có hoàng gia (Penang, Melaka, Sabah, Sarawak). Song chỉ có 9 tiểu vương được bỏ phiếu chọn ra "Agong" mới, với ưu tiên dành cho người tiếp theo trong danh sách kế vị.
Theo Straits Times, 9 tiểu vương sẽ được trao một tấm phiếu với tên người đầu tiên trong danh sách kế vị và họ sẽ cho biết họ ủng hộ hay không ủng hộ người này. Nếu có ít nhất 5 tiểu vương ủng hộ, người này sẽ trở thành "Agong". Nếu không, hoặc nếu người này từ chối, quy trình sẽ lặp lại với tên người tiếp theo trong danh sách kế vị.
Tấm phiếu này là bí mật, người bỏ phiếu không được phép đánh dấu hay ghi bất kỳ ký hiệu khác, và tất cả sẽ dùng cùng một loại bút và mực để viết. Một khi có kết quả, tất cả phiếu sẽ bị hủy.