Nỗi ám ảnh đeo bám những người dân sống dọc ven quốc lộ 5 và nhiều tài xế lái xe khi họ phải đánh cược tính mạng mỗi lần di chuyển trên con đường tử thần nhưng không có sự lựa chọn nào khác.
Trong nhà bà Hứa Thị Dung (cán bộ thôn Lương Xá Nam, xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương) bây giờ vẫn còn một đôi giày mới tinh nhưng đã gãy một mảng gót. Đôi giày bà chỉ đi đúng một lần trong đời, sau đó cất gọn vào trong tủ, không có ý định đi thêm lần nào nữa. Chiếc giày mất gót khi bà xoay người né chiếc ôtô lao đến, sượt qua người bà nhanh như chớp rồi đâm thẳng vào đoàn người đi cùng.
8 người trong đoàn không may mắn như bà Dung, lĩnh trọn cú đâm và tử vong ngay tại chỗ.
Bà Dung là một trong những nhân chứng ở vụ tai nạn thảm khốc khiến 8 người chết tại Hải Dương vào tháng 1/2019. Cùng với bà, nhiều người dân huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã bất đắc dĩ trở thành nhân chứng của các vụ tai nạn trên tuyến quốc lộ 5 đoạn qua địa phận của huyện này.
Kết thúc buổi lễ thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, đoàn cán bộ xã Kim Lương, trong đó có bà Dung, di chuyển qua cầu vượt bắc ngang qua quốc lộ 5 để sang đường. Lối đi xuống thông thẳng ra quốc lộ, cả đoàn sẽ phải đi ngược chiều 1 đoạn mới có lối rẽ vào con đường trong làng.
Nhưng hành trình của cả đoàn phải dừng lại dưới chân cầu. Chiếc xe tải bất ngờ lao đến, tông trực diện ngay khi đoàn người vừa đặt chân xuống quốc lộ.
“Quá kinh khủng, tôi không nghĩ được gì nữa. Tôi nhắm tịt mắt lại rồi xoay người nép sát vào hàng rào bên đường, mở mắt ra đã thấy xác người nằm la liệt dưới đường”, bà Dung nhớ lại.
Buổi lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ kết thúc bằng 8 đám tang trong cùng một xã, 6 nạn nhân tử vong là cán bộ thôn Lương Xá Nam.
6 tháng sau vụ tai nạn thảm khốc, bà Dung gầy mất 3 kg, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ khiến người phụ nữ 36 tuổi già đi trông thấy.
“Chị Dung ơi chị thoát chết rồi, còn nhà tôi…”, người phụ nữ nghe người nhà nạn nhân nói như vậy khi bà đến thăm hỏi các gia đình.
Trong cảm thức mơ hồ, bà thấy mình có lỗi khi hưởng sự may mắn trên nỗi đau của người khác. Chưa từng có nỗi ám ảnh nào đáng sợ và dai dẳng đến vậy trong suốt cuộc đời của bà. Trong làng, vài người cùng chứng kiến vụ tai nạn đã phải nhập viện tâm thần để điều trị tâm lý do trải qua cú sốc quá lớn.
Những người thoát chết cũng không được sống yên ổn vì hình ảnh kinh hoàng thường xuyên hiện về trong những giấc mơ của họ, như thước phim kinh dị quay chậm.
Vụ tai nạn kết thúc bằng một cam kết của chính quyền.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra vụ tai nạn thảm khốc là do cầu vượt xây bất hợp lý.
Theo đó, cây cầu vượt gần vị trí xảy ra tai nạn là cầu vượt số 9 thuộc km 76. Cầu phục vụ cho người dân 4 thôn của xã Kim Lương, người dân đi chợ và trẻ em đi học thường xuyên qua cầu mỗi ngày. Tuy nhiên, bậc thang dành cho người đi bộ lại dẫn thẳng xuống làn đường dành cho xe thô sơ của quốc lộ 5.
Không chỉ cầu vượt tại khu vực này, toàn bộ cầu được xây tại tuyến quốc lộ 5 đều xây dựng theo thiết kế như vậy. Suốt nhiều năm liền không ai nói gì. Chỉ khi tai nạn ập đến, vấn đề này mới được đưa ra để làm rõ.
Giám đốc Sở GTVT Hải Dương Lê Đình Long thừa nhận thiết kế lối lên cầu vượt ở vị trí này là chưa phù hợp với thực tiễn giao thông, Sở cũng đã nhận thấy bất cập ở vị trí này.
Quan điểm của ông Long là cầu xây không sai, người dân vẫn được phép đi sát lề đường trong trường hợp không có vỉa hè.
"Nhưng thiết kế như vậy chưa phù hợp. Đúng ra, lối xuống của cầu vượt phải cắt qua cả đường sắt, dẫn xuống một đường gom dân sinh thay vì dẫn thẳng xuống quốc lộ", Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương thừa nhận.
Sau vụ việc, chính quyền đưa ra lời hứa sẽ sửa chữa thiết kế cầu và làm đường gom dân sinh để đảm bảo an toàn cho người dân. Nhưng sau nửa năm, người dân hụt hẫng nhận ra lời hứa cuối cùng chỉ dùng để xoa dịu dư luận lúc bấy giờ. Cây cầu vẫn giữ nguyên tình trạng và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Quốc lộ 5 là tuyến đường giao thông huyết mạch chạy qua địa phận 4 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Tuyến đường là cửa ngõ ra biển của thủ đô Hà Nội, đồng thời kết nối hàng loạt các khu công nghiệp nằm dọc các tỉnh trên. Những năm gần đây, dù đã được giảm tải bởi có đường cao tốc liên tỉnh Hà Nội – Hải Phòng, nhưng mật độ tham gia giao thông trên quốc lộ 5 vẫn rất cao.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 56.000 xe lưu thông trên tuyến đường này. Con số này vượt gấp 4 lần so với lưu lượng dự kiến trong thiết kế ban đầu là 17.000 lượt/ngày-đêm. Số xe container và xe tải trên 10 tấn chiếm hơn 50%.
Trong khi đó, trên chiều dài 117 km toàn tuyến, quốc lộ 5 hiện có 31 cầu vượt dân sinh, 87 điểm mở dải phân cách và 77 điểm dao cắt đường sắt. Tại những khu vực đông dân cư, người dân tự phá dải phân cách, tạo lối mở sang đường để không phải di chuyển xa.
Các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này có đủ các loại: xe container, xe tải, ôtô con, xe khách, xe máy, xe thô sơ, người đi bộ... tạo thành một khung cảnh hỗn loạn. Vạch kẻ đường phân làn trở nên vô nghĩa trong giờ cao điểm khi các phương tiện trọng tải lớn sẵn sàng lấn làn xe máy.
Trong nhiều năm trở lại đây, tuyến đường xuống cấp khi nhiều xe trọng tải lớn đi qua. Dọc quốc lộ 5, phóng viên Zing.vn ghi nhận một số đoạn có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn đường lõm xuống hằn rõ vệt bánh xe, tạo thành các rãnh sâu trơn trượt.
Đoạn quốc lộ qua địa phận tỉnh Hải Dương được đánh giá là đã hư hỏng, xuống cấp và có nhiều điểm mở sang đường nhất. Tỉnh này cũng đứng đầu danh sách về số vụ tai nạn giao thông xảy ra tại quốc lộ 5 trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo đó, tỉnh Hải Dương có 44,8 km đường quốc lộ 5 chạy ngang qua các địa phương: huyện Cẩm Giàng, TP. Hải Dương, huyện Nam Sách và huyện Kim Thành. Trên tuyến đường này, tỉnh đã ghi nhận 27 vụ tai nạn giao thông khiến 38 người chết, 24 người bị thương chỉ trong 6 tháng đầu năm. Số liệu này cao gần gấp rưỡi so với tổng số vụ tai nạn xảy ra trên quốc lộ 5 của Hà Nội, Hưng Yên và Hải Phòng gộp lại.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2019, lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng thẳng thắn đề cập đến hạ tầng giao thông trên quốc lộ 5 còn tồn tại tình trạng hằn lún vệt bánh xe, dải phân cách giữa hư hỏng không được duy tu, sửa chữa kịp thời.
UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh đã nhiều lần kiến nghị đơn vị quản lý đường bộ, tuy nhiên những tồn tại này chưa được khắc phục.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận tình hình giao thông tại đây diễn biến phức tạp. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, trường học không có hệ thống đường gom, đấu nối trực tiếp với các tuyến quốc lộ.
Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của công nhân, phụ huynh, học sinh còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
"Gọi là quốc lộ nhưng đoạn đường như phố ở 2 bên, nhu cầu sinh sống làm ăn không thể khác được, do đó rất e ngại việc cho phương tiện di chuyển với tốc độ 80 km/h. Đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp, giảm giới hạn tốc độ", ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhận định về tuyến đường đi qua địa phương.
"Con đường tử thần" cũng là nỗi ám ảnh với nhiều tài xế khi di chuyển trên tuyến đường có quá nhiều điểm quay đầu và lối sang đường tự phát. Chia sẻ với Zing.vn, anh Nguyễn Đình Minh, một tài xế container thường xuyên di chuyển trên quốc lộ 5, cho biết anh thường xuyên bị giật mình bởi những "pha" sang đường của người dân.
"Nhiều lúc đang chạy xe mà có người lao ra ở 2 bên đường, rất hãi. Chúng tôi không đổ lỗi cho người dân nhưng mong có cách nào đó hạn chế việc này, chứ lúc nào lái xe cũng thấp thỏm", anh Minh chia sẻ.
Theo anh Minh, các phương tiện trọng tải lớn thường di chuyển trên quốc lộ với tốc độ cao, nhiều tình huống đột ngột khiến tài xế không kịp xử lý tình huống. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ va chạm và tai nạn trên tuyến đường này.
6 tháng sau tai nạn thảm khốc khiến 8 người chết ở Hải Dương, gần khu vực này tiếp tục xảy ra vụ tai nạn kép kinh hoàng. Ngày 23/7, 7 người chết sau 3 vụ tai nạn liên tiếp xảy ra tại xã Cộng Hòa, cũng ở huyện Kim Thành.
Nạn nhân đầu tiên là một cụ ông 81 tuổi, bị xe khách 16 chỗ tông tử vong khi đang sang đường. Vụ tai nạn có lẽ cũng sẽ chìm vào quên lãng giống như bao vụ tai nạn đường bộ khác, nếu như không có vụ va chạm tiếp theo xảy ra.
Một chiếc xe tải chở nước không kịp giảm tốc khi tiến gần đến hiện trường vụ tai nạn đầu tiên, đã đánh lái và đâm vào dải phân cách ở giữa với tốc độ cao. Cú đâm không dừng lại ở đó. Chiếc xe tiếp tục kéo lê đi 20 m, tiến đến đúng khu vực nút mở quay đầu rồi lật ngang. Gần 10 người đang đứng ở đó chờ sang đường.
5 người tử vong ngay tại chỗ, 2 người bị thương. Hiện trường vụ tai nạn được mô tả là hỗn loạn với nhiều tiếng la hét. Không ai lường trước được cái chết khi đang đứng im chờ sang đường.
“Quá kinh hoàng, tôi chưa bao giờ chứng kiến vụ tai nạn khủng khiếp đến thế”, những người dân sống tại xã Kim Lương và xã Cộng Hòa nói những cảm nhận y hệt nhau khi chứng kiến những vụ tai nạn thảm khốc ở địa phương mình.
Trong cuộc họp của UBND xã Kim Lương chiều 23/7, vụ tai nạn 6 tháng trước được nhắc lại. Lần này, tranh luận diễn ra gay gắt giữa bà Nguyễn Thị Tươi, trưởng thôn Lương Xá Nam và lãnh đạo xã.
Theo bà Tươi, vụ tai nạn tại địa phương hồi tháng 1 và vụ tai nạn vừa xảy ra ở xã Cộng Hòa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình mất an toàn giao thông của người dân khi di chuyển trên tuyến quốc lộ 5.
Trong mọi cuộc họp từ đầu năm, lần nào bà cũng đề xuất địa phương hỗ trợ xây dựng một con đường gom ở trong để người dân không phải đi lại thường xuyên qua đường quốc lộ. Nhưng đề xuất của bà rớt lại đằng sau những báo cáo về tình hình ngân sách địa phương.
“Sau tai nạn, người ta cũng hứa hẹn xây lại cầu, làm đường gom cho người dân, nhưng đến nay không ai làm gì cả. Tôi vẫn hàng ngày đi qua quốc lộ và giật mình khi đi đến đoạn dưới chân cầu đi bộ. Tôi hình dung những đồng nghiệp của mình vẫn nằm ở đó”, bà Tươi nói.
Cùng với nỗi lo của bà Tươi, hàng trăm hộ dân sống tại xã Kim Lương đã sống cùng với sự hoang mang về con đường trước nhà từ nhiều năm nay. Mỗi lần nhà ai có đám tang, người dân phải đi bộ trên con đường này để đến nơi chôn cất.
Nghĩa trang chỉ cách nhà dân 1 km, cả đoàn người đưa tang sẽ rồng rắn kéo nhau đi ngược chiều trên đường quốc lộ. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. Để đưa được người thân về nơi an nghỉ cuối cùng, hàng trăm người phải đánh cược với mạng sống của mình.
Trải qua hơn 20 năm khai thác và sử dụng, mặc dù là con đường huyết mạch nhưng quốc lộ 5 mới trải qua vài lần sửa chữa nhỏ theo từng đoạn. Tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ giảm tải cho con đường này, nhưng nhiều tài xế vẫn chọn quốc lộ 5 để di chuyển. Một trong những lý do là phí đường bộ ở quốc lộ rẻ hơn cao tốc.
Vì thế, nỗ lực giảm thiểu tình trạng quá tải trên quốc lộ bằng cách xây dựng các tuyến cao tốc dường như không hiệu quả, đặc biệt với các loại xe container và ôtô tải.
Ngày 22/7, tỉnh Hải Dương đã đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, sớm hỗ trợ tỉnh Hải Dương kinh phí 550 tỷ đồng để xây dựng cầu vượt tại Km50+630 và 4,93 km đường gom, xóa bỏ 109 lối đi dân sinh giao cắt đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng và đấu nối trực tiếp quốc lộ 5.
Đồng thời, sớm có phương án thu hút các phương tiện tham gia giao thông vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để nâng cao hiệu quả hoạt động đường cao tốc, giảm tải các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5, quốc lộ 37 và 38B.
Những kiến nghị ấy chưa kịp được phê duyệt và thực hiện thì vụ tai nạn kép khiến 7 người chết đã xảy ra ngày 23/7.
Trong cuộc họp báo sau tai nạn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá đoạn quốc lộ 5 qua huyện Kim Thành là một trong những đoạn đường rất nguy hiểm, khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Bộ trưởng GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ phối hợp với VIDIFI (đơn vị khai thác quốc lộ 5) khảo sát mặt đường địa bàn Kim Thành, sử dụng nguồn tiền 800 tỷ đồng duy tu bảo trì cho quốc lộ 5 hợp lý.
"Chúng ta xem đây là bài học để tiếp tục quản lý giao thông trên quốc lộ được tốt hơn. Riêng đoạn quốc lộ 5 đi qua Hải Dương xảy ra nhiều tai nạn, xem như là một điểm đen tai nạn giao thông cần xóa bỏ trong năm 2019", Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh.
Nhưng giống như con đường gom dân sinh mà người dân xã Kim Lương mong đợi suốt nhiều năm, những chỉ thị này không biết sẽ đi về đâu trong khi người dân vẫn hàng ngày phải trả giá bằng nỗi lo và thậm chí là tính mạng của mình.
Sau ngày xảy ra tai nạn thảm khốc vào tháng 1/2019, người dân tại thôn Lương Xá Nam đồng loạt mời thầy cúng về nhà để "giải xui" cho gia đình. Họ thực hành các nghi thức tâm linh với niềm tin rằng giúp người đã khuất siêu thoát và người dân trong làng sẽ di chuyển an toàn trên đoạn đường này.
Khi bị lãnh đạo xã khiển trách về việc "để tình trạng mê tín dị đoan xảy ra trên địa bàn", bà Nguyễn Thị Ngát giải thích rằng đó chỉ là cách người dân tự giải tỏa tâm lý cho mình.
Với người dân ở đây, trong khi chờ đợi những chỉ thị trên giấy được thực hiện, chỉ có tâm linh mới khiến họ tin rằng bản thân sẽ an toàn khi di chuyển trên con đường "tử thần".