Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội thông qua phương án giảm lương hưu

Vậy là sau nhiều lần tranh cãi, Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11. Theo đó, lương hưu của người lao động sẽ giảm đáng kể.

Sáng 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi với tỷ lệ tán thành hơn 71%. Luật gồm 9 chương, 125 điều. Theo công thức tính lương hưu cũ (Luật BHXH năm 2006), người lao động có 15 năm đóng BHXH sẽ có mức lương hưu được tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH và sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì lao động nam được cộng thêm 2% và nữ cộng thêm 3%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Tuy nhiên, trong Luật BHXH mới được thông qua, lương hưu của người lao động sẽ giảm đáng kể. Theo đó, đối với lao động nam, từ năm 2018 trở đi, phải có 16 năm đóng BHXH mới được hưởng tương đương với 45% mức lương bình quân đóng BHXH. Năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm đóng BHXH mới bằng được hưởng 45% mức bình quân tiền lương.

Quốc hội thông qua phương án giảm lương hưu của người lao động.

Quốc hội thông qua phương án giảm lương hưu của người lao động.

Đối với lao động nữ, Luật BHXH điều chỉnh giảm bằng tỷ lệ thay thế. Tức là từ năm 2018, 15 năm đóng BHXH vẫn tính bằng 45% mức lương bình quân đóng BHXH nhưng sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH tiếp theo được tính cộng thêm bằng 2% thay vì 3% như hiện nay.

Như vậy, lương hưu của lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 có 20 năm đóng BHXH, thấp hơn so với người nghỉ hưu năm 2017 là 10%. Đối với lao động nữ nghỉ hưu năm 2018 sẽ hưởng mức lương hưu thấp hơn người lao động nữ nghỉ hưu năm 2017 là 5%.

Điều này cũng có nghĩa sau năm năm khi điều chỉnh, người lao động phải có 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới đạt được mức hưởng tối đa là 75% mức lương bình quân đóng BHXH, trong khi luật BHXH cũ tương ứng là 30 và 25 năm.

Bên cạnh việc giảm lương hưu của khu vực tư nhân, lương hưu của khu vực công cũng được điều chỉnh giảm xuống. Cụ thể, thay vì tính lương hưu dựa trên bình quân 10 năm cuối đóng BHXH, lương hưu của khu vực công được tính bằng bình quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1/1/2025 trở đi tính bình quân của toàn bộ thời gian.

Theo tính toán của các chuyên gia, các tính này sẽ làm giảm mức lương hưu của người nghỉ hưu (cán bộ, công chức, viên chức) khoảng 25% so với luật BHXH cũ. Đối với lực lượng vũ trang, mức giảm sẽ lớn hơn do họ có thời gian là học viên, hạ sĩ quan đóng BHXH trên mức lương cơ sở.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc thực hiện theo lộ trình như trên là để người lao động có thời gian thích nghi với chính sách mới, giảm thiểu tác động bất lợi với người nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ.

Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này cũng mở rộng thêm 2 đối tượng tham gia bảo hiểm xã bắt buộc là người lao động có hợp đồng lao động 1-3 tháng và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng được giao thêm chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Về chế độ thai sản, lao động nữ được nghỉ việc khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi cứ mỗi con người mẹ được thêm 1 tháng. Người chồng cũng được nghỉ 5 ngày khi vợ sinh thường và 7 ngày nếu vợ sinh mổ và sinh non. Trường hợp vợ sinh đôi, thì chồng được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày...

Đến 2016, tiền lương vẫn chưa đạt mức sống tối thiểu

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nói tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng do điều kiện kinh tế và ngân sách eo hẹp nên lộ trình bị lùi lại.

http://www.thesaigontimes.vn/122961/Quoc-hoi-thong-qua-phuong-an-giam-luong-huu.html

Theo Thuỳ Dung/ Thời báo kinh tế Sài Gòn

Bạn có thể quan tâm