Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội tăng thời gian chất vấn trực tiếp tại hội trường

Dự kiến, tại kỳ họp thứ 3 tới, Quốc hội tăng thời gian chất vấn trực tiếp thành 3 ngày đồng thời không họp vào ngày thứ 7 để đại biểu có thời gian nghiên cứu tài liệu.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV chiều 17/4, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 21,5 ngày (từ ngày 22/5 đến ngày 20/6).

Trong đó, kỳ họp Quốc hội lần này không bố trí làm việc ngày thứ 7 để đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có thời gian nghiên cứu tài liệu. Về dự kiến chương trình kỳ họp, ông Phúc cho hay dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến về 4 dự án luật.

Cụ thể, 4 dự án luật sẽ được rút ra khỏi dự kiến chương trình, gồm Luật về hội, Luật bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Luật biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện.

Văn phòng Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đề nghị của ĐBQH tại kỳ họp thứ 2 về việc tăng thời gian làm việc tại hội trường, nhất là dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được bố trí 3 ngày (tăng 0,5 ngày so với kỳ họp thứ 2).

Ngoài ra, Chính phủ đề nghị bổ sung 3 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp, gồm Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu, dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Du an chong ngap o TP.HCM anh 1
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo chường trình kỳ họp thứ 3. Ảnh: Quochoi.vn

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với kế hoạch không làm việc vào thứ 7, chủ nhật vì thời gian ấy để ĐBQH nghiên cứu, cho các uỷ ban làm việc, nếu cập rập lại đem lại hiệu quả không cao.

Với đề nghị bổ sung Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng vào chương trình, ông Hiển cho rằng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo về chất lượng và thời gian trình ra Quốc hội.

“Nghị quyết về nợ xấu rất quan trọng, yêu cầu cao không kém dự án Luật nên quy trình phải hết sức chặt chẽ. Quy trình có thể rút gọn, nhưng phải qua 2 vòng tiếp thu, chỉnh lý và xin ý kiến. Về Luật tổ chức tín dụng dứt khoát phải trong 2 kỳ chứ không làm trong một kỳ được”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Phùng Quốc Hiển băn khoăn về nội dung kỳ họp thiếu nội dung quan trọng là cho ý kiến và thông qua các công trình trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc - Nam, dự án chống ngập ở TP.HCM và dự án nâng cấp đường sắt Bắc Nam.

“Quốc hội yêu cầu bố trí 80.000 tỷ trái phiếu Chính phủ cho các dự án này rồi nhưng nay nội dung kỳ họp không thấy nói đến. Tôi đề nghị báo cáo thêm chỗ này, nếu dừng lại thì mất thêm thời gian 6 tháng. Trong khi đó, vốn không giải ngân được sẽ lãng phí”, ông Hiển đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo do Tổng thư ký Quốc hội trình bày và thống nhất quan điểm không làm việc ngày thứ 7 tại kỳ họp thứ 3.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần xem xét Nghị quyết về xử lý nợ xấu và nếu như vậy thì Chính phủ phải trình để cho ý kiến tại phiên họp tháng 4 này, nếu đợi đến phiên họp tháng 5 thì không kịp.

“Tất cả nội dung đưa ra kỳ họp thứ 3 tới đây thì phiên họp tháng 4 này Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến trước. Sau đó, phiên họp tháng 5 sẽ xem xét lại một lần nữa, nếu đủ điều kiện mới trình ra Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về công trình trọng điểm quốc gia, bà Ngân cũng băn khoăn vì đã bố trí 80.000 tỷ trái phiếu Chính phủ, nhưng đến nay chưa thấy có gì để báo cáo ra Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban kinh tế sẽ thẩm tra dự án cao tốc Bắc - Nam, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án chống ngập của TP.HCM.

Dự án chống ngập bảo vệ dân Sài Gòn xong vào tháng 4/2018?

Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo đến tháng 4/2018, các công trình của dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 phải hoàn thành.

 


Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm