Đây sẽ là công cụ để điều phối tốt hơn bộ máy an ninh quốc phòng của Mỹ nhằm đối đầu với Bắc Kinh, và đảm bảo rằng các nhà lập pháp có thể đánh giá chính xác liệu cách tiếp cận này có thành công hay không.
Dự luật quốc phòng hàng năm dự kiến được các nghị sĩ đem ra bỏ phiếu ngày 8/12, sẽ thiết lập chương trình nhằm củng cố thế trận của Mỹ và các liên minh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo Washington Post.
Đội ngũ của Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn chưa đưa ra những chi tiết cụ thể về kế hoạch cho mối quan hệ với Bắc Kinh trong 4 năm tới. Ảnh: New York Times. |
Sáng kiến răn đe mới với Trung Quốc
Bên cạnh đó, dự luật cũng phân bổ thêm ngân sách cho các tàu ngầm tấn công mới, điều mà giới chức Lầu Năm Góc cho rằng là thiết yếu để chống lại sức mạnh hàng hải của Trung Quốc.
Đạo luật này cũng tạo ra một vị trí giám đốc an ninh mạng mới nhằm điều phối các hoạt động liên quan đến an ninh mạng trong toàn bộ chính phủ, và thiết lập kế hoạch để Bộ Quốc phòng bớt phụ thuộc vào các thiết bị được sản xuất ở Trung Quốc, từ linh kiện điện tử đến khẩu trang.
Các lãnh đạo quốc hội đã đưa ra đề xuất vào cuối tuần trước, trong bối cảnh Giám đốc Tình báo Quốc gia John Ratcliffe cảnh báo về những nỗ lực vận động hành lang "công khai lẫn bí mật" chưa từng có của Bắc Kinh "để đảm bảo rằng chỉ có những đạo luật có lợi cho Trung Quốc mới được thông qua".
Các chuyên gia mô tả những điều khoản chống Trung Quốc trong dự luật quốc phòng là "những bước đầu tiên tốt đẹp", hơn là sự thay đổi đột biến. Nhưng họ cũng nhấn mạnh các biện pháp này là dấu hiệu cho thấy quốc hội đang kỳ vọng chính quyền của ông Biden sẽ ứng xử thế nào với Trung Quốc.
"Chúng ta thường xuyên nói về những gì chúng ta cần làm nhưng đừng nói nhiều hơn là làm", bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại viện nghiên cứu CSIS, nhận định và nói thêm rằng các nhà lập pháp rõ ràng đang quan ngại về việc đảm bảo mức độ quan tâm và nguồn lực thích hợp để đối phó với Trung Quốc.
"Quốc hội đang gửi đi thông điệp rõ ràng ở đây", bà Glaser nói và cho rằng thông điệp gửi tới chính quyền Biden là "hãy tiến lên".
Chương trình trọng tâm hàng đầu trong dự luật quốc phòng là Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương mới, nhằm thiết lập một cách tiếp cận tổng thể trên toàn khu vực để chống lại Trung Quốc tại những nơi có ảnh hưởng trực tiếp của Bắc Kinh.
Nguồn cảm hứng đến từ Sáng kiến Răn đe châu Âu, được đưa ra hồi năm 2014 nhằm tăng cường sự hiện diện của các lực lượng Mỹ để bảo vệ các đồng minh NATO trước Nga.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2018. Ảnh: New York Times. |
Sáng kiến mới sẽ có ngân sách 2,2 tỷ USD trong năm đầu tiên, một phần nhỏ so với 740,5 tỷ USD được cân đối cho dự luật.
Nhìn chung sáng kiến này có mục đích cải thiện thế trận, năng lực và liên minh quốc phòng của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên cách thức triển khai sáng kiến phần lớn sẽ phụ thuộc vào quyết định của chính quyền Biden.
Thách thức đầu tiên của chính quyền Biden
Các chỉ huy quân đội và chuyên gia đều lưu ý rằng chống lại Trung Quốc sẽ là một trong những thách thức sớm nhất và quan trọng nhất đối với chính quyền Biden, vì sự trỗi dậy của Trung Quốc đã thách thức Mỹ cả về mặt quân sự, kinh tế và công nghệ.
Dự luật quốc phòng cố gắng phản ánh điều đó với các điều khoản không chỉ bao gồm việc mở rộng các tài sản quân sự của Mỹ để chống lại tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, mà còn nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế tiếp cận của Trung Quốc với Ngân hàng Thế giới và thậm chí nhắc tới việc chống vi phạm nhân quyền ở Hong Kong bằng cách hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng quốc phòng cho đặc khu.
"Trung Quốc đã trở thành siêu cường còn lại, và bằng cách đó, ông Biden không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng xác định một cách suy nghĩ mới về thách thức này", ông Michael O'Hanlon, chuyên gia quốc phòng kiêm giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại của Viện Brookings, nhận định.
Ông O'Hanlon cũng lưu ý rằng, mặc dù dự luật mang lại cho bộ trưởng quốc phòng nhiều quyền lực, nhưng nó cũng cho chính quyền Biden nhiều không gian để lập kế hoạch phản ứng của riêng mình với Bắc Kinh.
"Nếu tôi là một phần của đội ngũ Biden, tôi sẽ nói với quốc hội "Cảm ơn', bởi vì đôi khi rất hữu ích khi tổ chức các ý tưởng theo chủ đề. Có ít chi tiết để buộc Biden làm điều gì đó, nhưng ông ấy có thể làm gì ông ấy muốn", ông O'Hanlon nhận định.
Đối với quốc hội, các sáng kiến mới không chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn củng cố vị thế của Mỹ với Trung Quốc, mà còn cho phép các nhà lập pháp kiểm soát nhiều hơn cách tổ chức cuộc chạy đua với Bắc Kinh.
Dự luật yêu cầu bộ trưởng quốc phòng phải thông báo trước quốc hội chính xác những nguồn lực mà Lầu Năm Góc sẽ cần để đạt được mục tiêu của sáng kiến răn đe, và theo dõi các báo cáo định kỳ để đảm bảo kế hoạch.
Dự luật cũng yêu cầu Lầu Năm Góc phải thông báo cho quốc hội ít nhất 90 ngày trước khi giảm quân số của Mỹ tại Hàn Quốc xuống dưới mốc 28.500 người.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan trên vùng biển Philippines hồi tháng 7 năm nay. Ảnh: Reuters. |
Việc tuân thủ các yêu cầu báo cáo dự kiến không chỉ ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận trên Đồi Capitol, nơi có sự quan tâm lưỡng đảng với các biện pháp nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, mà còn là cách các quỹ quốc phòng phụ trách khu vực được phân bổ trong tương lai.
Kỳ vọng bây giờ là sáng kiến răn đe sẽ được tăng ngân sách trong những năm tới. Các nhà lập pháp cho biết dự kiến kinh phí cho chương trình sẽ tăng gấp đôi trong năm tài khóa 2022.