Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội muốn Chính phủ chủ động hơn trong bảo vệ chủ quyền

Đó là một trong những nội dung được nêu trong thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội sáng 22/3.

Ghi nhận những nỗ lực thời gian qua, ông Phan Trung Lý thay mặt Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ cần chủ động hơn trong việc đề xuất chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp, giải pháp cơ bản, chiến lược để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và ứng phó kịp thời với những diễn biến tình hình trước những vấn đề mới, nhạy cảm, phức tạp của thế giới và khu vực.

Do nhận thức, hay trách nhiệm người đứng đầu?

Về tổng thể báo cáo nhiệm kỳ, ông Phan Trung Lý ghi nhận Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Báo cáo mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trước Quốc hội đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, những hạn chế, yếu kém, nêu lên các nguyên nhân và một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Chinh phu chu dong bao ve chu quyen anh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý. Ảnh Quochoi.

Tuy nhiên, "cần có sự phân tích, đánh giá sâu hơn các nội dung về hiệu quả, yếu kém, nguyên nhân, làm rõ giải pháp tích cực để Chính phủ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Hiến pháp và luật tổ chức Chính phủ", ông Phan Trung Lý lưu ý.

"Báo cáo cần phân tích làm rõ đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, do nhận thức, do trách nhiệm của người đứng đầu hay do cơ chế, chính sách, pháp luật đối với những hạn chế, yếu kém được nêu trong Báo cáo, từ đó nêu lên hướng khắc phục cho nhiệm kỳ sau", vị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.

Đại diện cơ quan thẩm tra cũng cho rằng trong Báo cáo của Chính phủ cần bổ sung làm rõ hơn những bài học kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, con người cũng như cách thức, phương thức làm việc của Chính phủ, mối quan hệ giữa các thành viên Chính phủ và công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, tổ chức trong hệ thống chính trị trong thời gian qua; bài học cho xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.

Chưa phản ánh đủ tình trạng tham nhũng

Ông Phan Trung Lý ghi nhận trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã có nhiều cố gắng thực hiện các biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế cụ thể để kiểm soát các hoạt động quản lý trong một số lĩnh vực nhạy cảm liên quan trực tiếp đến người dân, như thuế, hải quan; quản lý chi tiêu công, giảm các đoàn đi công tác nước ngoài không cần thiết bằng ngân sách nhà nước…

Chinh phu chu dong bao ve chu quyen anh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ông và các thành viên Chính phủ đã làm hết sức mình. Ảnh: Quochoi.

Tuy nhiên, tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua vẫn chưa được phản ánh đầy đủ. 

"Tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục", ông Lý nói.

Ông đề nghị Chính phủ thể hiện rõ hơn nội dung này trong báo cáo với sự phân tích, đánh giá, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục.

Làm rõ năng lực xây dựng thể chế

Về tổ chức bộ máy, báo cáo thẩm tra của Quốc hội cho rằng bộ máy thời gian qua đã được xây dựng theo hướng tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn.

"Chính phủ đã tập trung rà soát, phân định rõ nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ; bước đầu có sự phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Chính phủ và chính quyền địa phương", ông Lý nêu.

Tuy nhiên, báo cáo cần nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ; bổ sung đánh giá kết quả việc thực hiện chủ trương bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; việc thực hiện tách quản lý nhà nước với quản lý sản xuất, kinh doanh; việc tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ và đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tinh gọn và chất lượng.

"Cần làm rõ nguyên nhân kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”, nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân chậm được khắc phục", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, trong Báo cáo cần bổ sung đánh giá, nhận định khái quát nhất về tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ tới. Báo cáo cũng cần nêu rõ định hướng, nhu cầu và khả năng đáp ứng của công tác xây dựng thể chế trong 5 năm tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ký một loạt FTAs.

'Thủ tướng đã làm hết sức mình'

Báo cáo nhiệm kỳ trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định "Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao".


Phương Loan

Bạn có thể quan tâm