Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/10 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên cả nước cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và khó lường.
Với những hậu quả, tác động nặng nề đại dịch gây ra, ngay trước phiên khai mạc, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19.
Quốc hội dành một phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ hy sinh do dịch Covid-19. Ảnh: Quốc hội. |
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức ở cả trong nước và thế giới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư với biến chủng mới, lây lan rất nhanh và nguy hiểm hơn, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó kiểm soát đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Bởi lẽ đó, tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% - mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay.
Chủ tịch Quốc hội cho biết theo dự báo, cả năm chỉ đạt khoảng 2,5-3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra (khoảng 6%).
Trong khi đó, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; một số chuỗi cung ứng bị đứt gãy, gián đoạn; nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, nhất là trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp ở TP.HCM và các địa bàn kinh tế trọng điểm.
Việc làm, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề; công tác an sinh xã hội có lúc, có nơi còn bất cập cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ảnh: VGP. |
Dù thách thức và khó khăn chồng chất, Chủ tịch Quốc hội khẳng định dịch từng bước được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tuy không đạt so với kế hoạch đề ra, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định; nông nghiệp tăng trưởng khá và vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế và ổn định xã hội.
Theo ông, chúng ta đang dần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Điểm lại những nội dung chính được bàn thảo trong kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội làm việc với tinh thần liên tục đổi mới, quyết tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trên cả 3 lĩnh vực.
Nhấn mạnh đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng.
Người đứng đầu Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu chất vấn đúng và trúng vấn đề trọng tâm, thời sự mà cử tri cả nước quan tâm; biểu quyết, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc nội dung chương trình kỳ họp đã được Quốc hội thông qua, góp phần làm nên thành công của kỳ họp.
Khác với thông lệ, kỳ họp cuối năm nay được rút ngắn tối đa thời gian để tạo điều kiện cho Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương chống dịch, lo phục hồi và phát triển kinh tế. Tổng thời gian của kỳ họp này là 17 ngày, dự kiến bế mạc vào 13/11. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.
Trong đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến trong 11 ngày (từ ngày 20/10 đến 30/10). Đợt 2 họp tập trung tại Nhà Quốc hội trong 6 ngày, từ ngày 8/11 đến 13/11. Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ dành thời gian 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn. Đến nay, có 59 nhóm vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề xuất.
Nhóm nội dung chất vấn và danh sách các thành viên Chính phủ đăng đàn sẽ được quyết định sau khi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Việc này sẽ được hoàn thành trước khi đợt họp trực tuyến kết thúc (30/10).Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, vì đây là kỳ họp cuối năm nên Thủ tướng cũng sẽ trả lời chất vấn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Những dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên- Huế và Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Những dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.