Sáng 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chương trình đợt 2, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, về thời gian, đợt 2 của Kỳ họp thứ 7 này sẽ diễn ra từ ngày 17 – 29/6. Như vậy, vào đợt 2 này chương trình được bổ sung thêm 1 ngày so với dự kiến trước đó. Đây là lần thứ 3 chương trình được điều chỉnh bổ sung trong kỳ họp thứ 7 này.
Hai nội dung lớn được bổ sung là các dự án liên quan đến việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực các luật về bất động sản và quyết định nội dung thuộc thẩm quyền.
Cụ thể, vào ngày 25/6, Quốc hội sẽ họp riêng (từ 11 giờ) để "xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền".
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục họp riêng để xem xét, quyết định nội dung này.
Về các luật liên quan đến bất động sản, vào ngày 20/6, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Trước đó, nội dung này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 34. Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc sớm đưa các luật này có hiệu lực sớm từ 1/8/2024, thay vì 1/1/2025.
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương đưa các luật sớm đi vào cuộc sống, bởi đây là vấn đề rất được người dân, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương quan tâm, mong chờ.
Mặt khác, Chính phủ cũng cho rằng, việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn cũng sẽ khơi thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai.
Sau khi thảo luận ở tổ, ngày 21/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về 4 dự án luật này.
Cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngày 29/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật này.
Như vậy, nếu được Quốc hội thông qua, các luật về bất động sản này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/8, sớm hơn 5 tháng so với ban đầu. Ngoài hai nội dung trên, Quốc hội cũng đồng ý bổ sung nội dung về việc giảm thuế giá trị gia tăng để Quốc hội xem xét, đưa vào dự thảo nghị quyết.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.