Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc hội bỏ hộ kinh doanh khỏi Luật Doanh nghiệp

Với hơn 90% đại biểu biểu quyết tán thành, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với nội dung bỏ quy định về hộ kinh doanh và chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. Nội dung trước đó còn nhiều ý kiến khác nhau trong luật này là quy định chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Song với luật vừa được thông qua, quy định này đã được bỏ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này. Theo đó, có 174/433 đại biểu (chiếm 40,18%) đồng ý quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); 258/433 đại biểu (chiếm 59,58%) tán thành việc xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

“Trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng bỏ quy định về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp”, ông Thanh cho biết.

bo ho kinh doanh khoi Luat Doanh nghiep anh 1

90,68% đại biểu tán thành thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: H.Vũ.

Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, ông nhấn mạnh cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh.

Về doanh nghiệp Nhà nước, một số ý kiến cho rằng khái niệm doanh nghiệp Nhà nước như tại dự thảo Luật (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp. Khái niệm doanh nghiệp Nhà nước đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán, tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu Nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp.

Việc này nhằm nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật đã được hoàn thiện, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, như cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam cũng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính… cũng trong diện không được lập và quản lý doanh nghiệp.

'Không có chuyện chủ quán phở thành giám đốc sau một đêm'

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, dù đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, tuyệt đối không có chuyện “qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp phở”.

Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm