Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Không có chuyện chủ quán phở thành giám đốc sau một đêm'

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, dù đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, tuyệt đối không có chuyện “qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở thành giám đốc doanh nghiệp phở”.

Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận Luật doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng đưa 5 triệu hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật, chứ không chỉ quan tâm tới 700.000 doanh nghiệp theo quan niệm hiện hành.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật cho thấy quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Lộc cũng nêu ý kiến băn khoăn về việc đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp liệu có khiên cưỡng? Liệu hộ kinh doanh có bị thui chột không khi được chính danh trong Luật doanh nghiệp? Và tại sao lại không trình ra Quốc hội ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh?

Chủ tịch VCCI phân tích hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình: cá nhân kinh doanh và nhóm người kinh doanh.

Luat Kinh doanh sua doi anh 1
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật cho thấy quan điểm phát triển bền vững, bao trùm để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ảnh: Hải Quân.

“Các hộ kinh doanh chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty”, ông Lộc nêu thực tế. Theo ông, đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.

Ông Lộc cho rằng đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh, đồng thời bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác.

Ông cũng phân tích nhiều thuận lợi của hộ kinh doanh khi họ được chính danh trong Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này.

Trước hết, vị trí pháp lý của hộ kinh doanh được quy định rõ ràng, hộ kinh doanh được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép và được bảo hộ theo các quy định pháp luật.

Hộ kinh doanh được gỡ bỏ các hạn chế về quyền kinh doanh, về phạm vi và quy mô hoạt động; được thụ hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các chính sách khác có liên quan.

Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra và thủ tục hành chính cũng không nặng thêm vì vẫn thực hiện bình thường theo các quy định tại pháp luật chuyên ngành.

Về phía quản lý Nhà nước cũng không phát sinh thêm chi phí và bộ máy quản lý vì vẫn duy trì phân cấp đăng ký và quản lý hộ kinh doanh như hiện nay.

Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước lại có thể tăng thêm khi các hộ kinh doanh hoạt động bài bản hơn, minh bạch hơn, giảm thiểu sự thoả thuận thuế giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế, giảm được sự nhũng nhiễu và tham những vặt.

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, ép buộc phải chuyển đổi thành công ty, doanh nghiệp tư nhân hay bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để chính danh hộ kinh doanh trong luật…

“Ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật doanh nghiệp sẽ không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và cho Nhà nước. Tên của hộ kinh doanh vẫn là hộ kinh doanh. Tuyệt đối không có chuyện ‘qua một đêm ngủ dậy thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay’”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo đó, khi có vị thế pháp lý, hộ kinh doanh sẽ yên tâm làm ăn, làm ăn bài bản và minh bạch hơn.

Đề nghị đưa nước sạch vào danh mục kinh doanh có điều kiện

Trước cuộc khủng hoảng nước sạch vừa diễn ra ở Hà Nội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đưa kinh doanh nước sạch vào danh mục kinh doanh có điều kiện.


Hoài Vũ

Bạn có thể quan tâm