Mẫu máy bay tàng hình đầu tiên Horten Ho 229 V3 đang được sản xuất dang dở khi Mỹ tiến vào Berlin tháng 9/1945. Ảnh: Wikipedia |
Ngày 18/6/1981, khi chiếc máy bay ném bom F-117 Nighthawk thực hiện chuyến bay thứ nhất, nhiều người vẫn tin rằng đây là mẫu máy bay tàng hình đầu tiên của thế giới và Mỹ được xem là quốc gia tiên phong trong việc chế tạo loại phi cơ này.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, mẫu máy bay tàng hình đầu tiên của thế giới đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trước F-117 đến 36 năm. Năm 1943, Thống chế Hermann Göring, nhân vật quyền lực số 2 của Đức quốc xã đã yêu cầu thiết kế một máy bay ném bom mới. Nó phải có khả năng mang theo 1.000 kg vũ khí khi bay 1.000 km ở tốc độ 1.000 km/h. Dự án này được biết đến với tên gọi 3x1000.
Anh em nhà Horten được giao trọng trách triển khai dự án đầy tham vọng này. Họ đã đề xuất mẫu thử nghiệm H.I.X làm cơ sở cho dự án máy bay ném bom mới. Bộ hàng không Đức quốc xã đã chấp nhận đề xuất của Horten nhưng ra lệnh bổ sung thêm 2 pháo 30 mm. Các chỉ huy không quân Đức cho rằng sự bổ sung này sẽ cho phép máy bay mới hoạt động như một phi cơ tấn công tốc độ cao mà họ tin là vượt trội so với các máy bay đồng minh.
Để giải quyết vấn đề vượt qua hàng rào radar cảnh báo sớm được triển khai dọc theo bờ biển nước Anh, anh em nhà Horten đã nghĩ đến giải pháp giúp máy bay có thể "tàng hình" trước radar của lực lượng đồng minh.
Mô phỏng máy bay ném bom tàng hình Horten Ho 229 của Đức quốc xã. Ảnh: Germany19001939.blogspot |
Mẫu thử nghiệm H.I.X có khung làm bằng các ống thép hàn, cánh xà dọc làm từ gỗ. Cánh máy bay gồm 2 tấm gỗ ép mỏng ngâm tẩm carbon cùng hỗn hợp than củi và mùn cưa dán lại với nhau. Anh em nhà Horten tin rằng loại vật liệu đặc biệt này có thể hấp thu phần lớn sóng điện từ phát đi từ các radar giúp máy bay khó bị phát hiện hơn.
Thiết kế khí động học của máy bay cũng rất "quái dị" theo kiểu "cánh dơi" không có cánh đuôi đứng. Lúc đó, thiết kế của H.I.X được xem là không tưởng thậm chí là có phần điên rồ, nhưng đó lại là thiết kế tối ưu nhất để giúp máy bay trở nên "tàng hình".
Mẫu thử nghiệm H.I.X V1 được sản xuất trong tháng 12/1944. Máy bay sử dụng 2 động cơ Junkers Jumo 004. Mẫu thử nghiệm H.I.X V2 được ra lò không lâu sau đó. Thống chế Göring đã tin tưởng tính khả thi của dự án này và ra lệnh sản xuất 40 chiếc. Máy bay được đặt tên là Horten Ho 229, lấy theo tên nhóm thiết kế.
Horten Ho 229 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 02/1945. Có báo cáo cho rằng, trong một lần thử nghiệm, H.I.X V2 đã thực hiện mô phỏng không chiến với máy bay Messerschmitt Me 262 giả làm máy bay đối phương. H.I.X V2 tỏ ra vượt trội so với Me 262.
Có cơ sở để tin rằng máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Spirit của Mỹ (phía trước) phát triển dựa trên Horten Ho 229 của Đức quốc xã (phía sau). Ảnh: Deutscheluftwaffe |
Các thử nghiệm tiếp theo không mấy thành công. Một trong các nguyên nhân được cho là do thiết kế và công nghệ của Horten Ho 229 quá hiện đại nên cần có thời gian để thích ứng. Do tính chất gấp gáp của cuộc chiến, Horten Ho 229 đã được đưa vào chương trình máy bay chiến đấu khẩn cấp để tăng tốc độ sản xuất.
Thiết kế vượt thời gian của Horten Ho 229 không cứu Đức quốc xã thoát khỏi việc bị đánh bại. Horten Ho 229 V3 đang lắp ráp dở dang trên dây chuyền đã bị Mỹ bắt giữ cùng toàn bộ tài liệu kỹ thuật vào tháng 9/1945.
Năm 2008, tập đoàn Northrop Grumman của Mỹ đã phục chế lại mẫu thử nghiệm Horten Ho 229 V3 để đánh giá khả năng tàng hình của nó trước radar vào những năm 1940. Kết quả thật bất ngờ, diện tích phản hồi radar RCS của Horten Ho 229 V3 chỉ bằng 40% so với máy bay Messerschmitt Bf 109 chủ lực của Đức quốc xã lúc đó.
Nếu Horten Ho 229 tiếp cận bờ biển Anh, Pháp với tốc độ 885km/h ở độ cao từ 15-30 m so với mực nước biển, hệ thống phòng không của Anh chỉ có 2 phút để phản ứng. Các kỹ sư của Northrop Grumman tin rằng, nếu Horten Ho 229 được triển khai trong hoạt động chiến đấu, nó có thể đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường.
Người ta tin rằng máy bay ném bom tàng B-2 Spirit của Mỹ được thiết kế dựa trên Horten Ho 229 mà Washington chiếm giữ sau khi chiến tranh kết thúc.