Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quốc gia gặp biến cố lớn nhất trong năm 2021

2021 là một năm hỗn loạn đối với Afghanistan. Tuy nhiên, những thách thức trong tương lai được dự đoán còn rõ nét hơn, không chỉ với người dân nước này mà với cả cộng đồng quốc tế.

Afghanistan đã trải qua một năm 2021 đầy biến động. Những khó khăn mà quốc gia Nam Á này gặp phải được dự đoán còn lâu mới kết thúc, hãng tin AFP nhận định.

Việc Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan khiến nhiều người ngỡ ngàng, thậm chí cả những tín đồ ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo cứng rắn. Nhiều người Afghanistan vẫn đang bối rối trước những gì đã xảy ra, đồng thời không khỏi hoang mang về tương lai.

Tình trạng hỗn loạn

Thách thức lớn nhất mà Taliban gặp phải là công cuộc chuyển đổi từ một lực lượng nổi dậy thành chính thể có khả năng điều hành một quốc gia đa dạng và phức tạp như Afghanistan.

Đối với các nước phương Tây, thách thức trong tương lai có thể còn lớn hơn. Bởi lẽ, nếu tình hình ở Afghanistan xấu đi, hàng chục nghìn người dân nước này sẽ tìm cách tị nạn ra nước ngoài, nhiều khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, trong khi các nhóm khủng bố như Al-Qaeda sẽ tìm được nơi trú ẩn an toàn.

khung hoang o Afghanistan anh 1

Hàng trăm nghìn người Afghanistan tìm cách tị nạn ra nước ngoài sau khi Taliban lên nắm quyền. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, nỗi lo của người dân Afghanistan xoay quanh những vấn đề thiết yếu như lương thực, nơi ở và việc làm. Phụ nữ được cho là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các chính sách hà khắc của Taliban.

“Tai họa từ việc (Taliban) tiếp quản chính quyền đã ập đến ngay tức thì”, nhà báo người Anh Kate Clark viết trong một báo cáo đặc biệt gửi Mạng lưới Các nhà phân tích Afghanistan (AAN).

Bà Clark cho rằng Taliban “không có kế hoạch cụ thể để điều hành nhà nước Afghanistan mà không cần viện trợ. Đây là kết quả hoàn toàn có thể đoán trước, xuất phát từ quyết tâm chiến thắng về mặt quân sự của họ (Taliban)”.

khung hoang o Afghanistan anh 2

Nhà báo Kate Clark, chuyên gia về tình hình Afghanistan. Ảnh: Twitter.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà Taliban phải đối mặt trong thời gian tới nằm ở sự thiếu hiệu quả trong việc vận hành bộ máy hành chính, hãng tin AFP nhận định.

Trong những ngày cuối cùng khi Mỹ rút quân, hơn 120.000 người dân Afghanistan đã sơ tán ra nước ngoài. Đây hầu hết là những người từng làm việc với các cường quốc phương Tây, am hiểu về việc quản lý nền kinh tế và hỗ trợ chính quyền tối ưu hóa nguồn viện trợ.

Một bộ phận công chức đã không được trả lương trong nhiều tháng trước khi Taliban tiếp quản, do đó gần như không có động lực để quay lại làm việc.

“Tôi đến văn phòng vào buổi sáng nhưng không có việc gì để làm”, Hazrullah, một kỹ sư cấp trung của Bộ Ngoại giao Afghanistan, nói. “Trước đây, công việc của tôi tập trung vào các giao dịch thương mại với những nước láng giềng. Bây giờ, chúng tôi không được hướng dẫn về cách thức tiến hành. Không ai biết phải làm gì cả”.

Bất chấp những lời hứa về một cách tiếp cận ít cực đoan hơn, những quy định mà lãnh đạo Taliban ban hành gần đây được cho là không quá khác biệt so với giai đoạn tổ chức này cầm quyền trong những năm 1996-2001.

Giờ đây, phụ nữ Afghanistan không bắt buộc phải mặc trang phục che kín mặt, cũng không cần người thân là nam giới đi cùng khi ra ngoài. Tuy nhiên, các nhà chức trách Taliban cho biết đàn ông buộc phải hộ tống người thân là nữ giới trong các chuyến đi đường dài.

Ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, phụ nữ Afghanistan không được phép làm việc cho chính phủ. Trẻ em gái ở một số tỉnh thậm chí không được đi học.

Các nhà cầm quyền Taliban giải thích rằng những quy định mà họ ban hành đều nằm trong khuôn khổ luật Hồi giáo, theo AFP.

khung hoang o Afghanistan anh 3

Nhiều trẻ em gái ở một số tỉnh của Afghanistan không được đến trường. Ảnh: AP.

Bài toán kinh tế

Dù tình hình an ninh ở Afghanistan đã được cải thiện khi Taliban nắm quyền, các cuộc tấn công của những nhóm khủng bố thánh chiến vẫn ngang nhiên diễn ra và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt nhắm vào nhóm thiểu số Hồi giáo Shia và cả các chiến binh Taliban.

Dẫu vậy, vấn đề nan giải nhất mà Afghanistan phải đối mặt trong tương lai nằm ở câu chuyện kinh tế trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trên khắp đất nước. Liên Hợp Quốc mô tả tình trạng này bằng phép so sánh “nạn đói nổ ra như tuyết lở”.

Đối với các nhà hoạt động nhân đạo, thách thức ở Afghanistan thực chất là một cuộc đua với thời gian khi gần 23 triệu người, tương đương gần 55% dân số nước này, phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực vào mùa đông, theo Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA).

Taliban và các nguồn viện trợ nước ngoài cần gấp rút đạt được sự đồng thuận trong những tháng tới để giải quyết tình trạng trên.

Các nhà tài trợ phương Tây tỏ thái độ lưỡng lự về việc hỗ trợ nhà nước Taliban, vốn được xem là một tổ chức bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, Taliban cho rằng họ đã giành chiến thắng về mặt quân sự nên không muốn thỏa hiệp về các chính sách điều hành đất nước, đơn cử như vấn đề cho phép phụ nữ làm việc.

Ngày 22/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết do Mỹ đề xuất nhằm điều phối nguồn viện trợ đến tay những người Afghanistan khó khăn thay vì rơi vào túi các quan chức Taliban.

“Nếu toàn bộ nguồn viện trợ đến được tay những người thiếu thốn và tình trạng phân biệt đối xử chấm dứt, Taliban sẽ dễ dàng tập trung nguồn lực của họ vào việc tăng cường kiểm soát nhà nước”, bà Clark viết cho AAN. “Những lợi ích kinh tế mang lại từ hòa bình sẽ vẫn chỉ ở mức độ nhỏ trên bình diện quốc gia so với thiệt hại đến từ tình trạng bị cô lập mà Afghanistan đang đối mặt”.

Taliban diễu hành cùng xe bọc thép và vũ khí Mỹ Taliban đã tổ chức cuộc diễu hành mừng chiến thắng với xe bọc thép và vũ khí hiện đại của Mỹ ở thành phố Kandahar. Một trực thăng Black Hawk treo cờ Taliban bay phía trên.

Thảm cảnh của người Afghanistan

AP nhận định Taliban đã thất bại trong quản lý đất nước khiến nền kinh tế Afghanistan đang rơi tự do, đẩy hàng triệu người vào nguy cơ chết đói.

Taliban lộ bộ mặt thật

Sau khi Taliban nắm quyền, bất chấp hứa hẹn của tổ chức này, nhiều người lo ngại quy định hà khắc với phụ nữ sẽ trở lại. Các bước đi mới của họ cho thấy sự lo ngại không hề quá đà.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm