Theo lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 ở Indonesia, với 1.383 ca tử vong mới được ghi nhận trong 24 giờ, tổng số người chết vì Covid-19 ở nước này đã lên tới 77.583, Reuters đưa tin ngày 21/7.
Tâm dịch châu Á
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm được ghi nhận là 2.983.830. Đây là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gần chạm mốc 3 triệu ca nhiễm.
Quốc gia Đông Nam Á đứng thứ hai về số ca bệnh là Philippines, tuy nhiên con số này là 1.524.449 trường hợp, kém Indonesia hơn 1,4 triệu ca bệnh. Số ca tử vong ở Philippines là 26.874, theo Worldometers.
Một sinh viên phản ứng khi được tiêm vaccine Covid-19 tại chương trình tiêm chủng đại trà ở Tangerang, ngoại ô Jakarta, Indonesia ngày 19/7. Ảnh Reuters. |
Indonesia đang trở thành nơi bùng phát dịch tồi tệ nhất ở châu Á trong khi chiến dịch tiêm vaccine chưa đạt tốc đột như kỳ vọng.
Virus đã lây lan trên toàn bộ 34 tỉnh của nước này và biến chủng Delta góp phần và sự tăng vọt các ca nhiễm mới ở một số khu vực. Indonesia đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng với hy vọng đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng sau khi 70% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ.
Theo Our World in Data, hiện có khoảng 6,1% dân số, tương đương 16,4 triệu người tại Indonesia, được tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo.
Các quan chức thuộc Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) gần đây đưa ra một công bố đáng báo động với 114 bác sĩ qua đời được ghi nhận từ ngày 1 đến 17/7 do mắc Covid-19. Con số này chiếm hơn 20% tổng số bác sĩ tử vong vì mắc Covid-19 kể từ đầu đại dịch.
Nguyên nhân số trường hợp bác sĩ tử vong vì Covid-19 tăng mạnh trong nửa đầu tháng 7 được cho là do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Indonesia có 545 bác sĩ tử vong do SARS-CoV-2.
Do biến chủng Delta lây lan mạnh
Tổng thống Indonesia ngày 20/7 thông báo nước này sẽ gia hạn thời gian thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến phòng dịch Covid-19 cho đến ngày 25/7.
Ngoài ra, ông Widodo cho biết sẽ cân nhắc dỡ bỏ dần phương án phòng dịch nếu trong tuần tới số ca mắc giảm.
Tri Yunis Miko Wahyono, nhà dịch tễ học từ Đại học Indonesia, cho biết chính phủ không nên dựa vào số ca nhiễm bệnh làm thước đo để quyết định xem có nên nới lỏng các biện pháp phòng dịch hay không.
“Số người nhiễm trong cộng đồng có thể vẫn rất cao, nhiều người đang chết đi”, ông nói.
Người Hồi giáo Indonesia cầu nguyện trong ngày lễ Eid al-Adha trên đường phố trong bối cảnh gia tăng số ca bệnh Covid-19 tại tỉnh Tây Java, Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, cùng ngày, hàng triệu người đã tổ chức lễ Eid al-Adha, một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Hồi giáo, bất chấp chính phủ cấm hoạt động tập trung đông người. Một số nhà thờ tại những khu vực có nguy cơ cao phải đóng cửa.
Indonesia hiện là một trong những quốc gia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất trên thế giới do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta (lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ), bất chấp việc áp dụng các quy định hạn chế nghiêm ngặt nhất trong tháng 7.
Tuần vừa rồi, nước này báo cáo thêm khoảng 50.000 ca mỗi ngày, trong khi số người qua đời vì Covid-19 mỗi ngày ghi nhận trên 1.000 người liên tiếp trong 5 ngày vừa qua.
Quốc gia Đông Nam Á đã áp dụng các quy định từ ngày 3/7 tại đảo Java, Bali và một số thành phố khác. Những người trong lĩnh vực không thiết yếu sẽ phải làm việc tại nhà, việc di chuyển bị hạn chế và trung tâm mua sắm phải đóng cửa.