Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Quốc gia của những bộ óc tò mò' chia sẻ mô hình giáo dục tư duy mở

Tại hội thảo “Phát triển giáo dục phổ thông – Kinh nghiệm từ New Zealand”, các đại biểu đã chia sẻ câu chuyện thành công của nền giáo dục hàng đầu thế giới.

Hội thảo được Đại sứ quán New Zealand tổ chức tại Hà Nội để giới thiệu cách tiếp cận “Think New – Tư duy mới” và mô hình giáo dục toàn diện đứng đầu thế giới về chỉ số chuẩn bị cho tương lai.

Tham dự hội thảo có bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, và bà Robbie Pickford, Giám đốc Dự án, Hiệp hội các trường phổ thông New Zealand (SIEBA). Về phía Việt Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến và nhiều chuyên gia giáo dục, đại diện các trường trung học tại Hà Nội cùng tham gia chia sẻ.

Hoi thao giao duc New Zealand anh 1
Ông Phạm Xuân Tiến tặng hoa cảm ơn cho Đại sứ New Zealand Wendy Matthews. Ảnh: Hương Ly.

Trong bài phát biểu mở đầu, Đại sứ Wendy Matthews khẳng định: “Giáo dục là một trong những lĩnh vực trọng tâm của quan hệ hợp tác Việt Nam – New Zealand. Hiện nay ngày càng có nhiều học sinh Việt Nam lựa chọn New Zealand là điểm đến du học và hai nước đã cam kết để hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai”.

Ông Phạm Xuân Tiến cũng đánh giá rất cao chất lượng của nền giáo dục phát triển tại New Zealand. Ông cho rằng: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống giáo dục phổ thông, vậy nên cần thiết phải xây dựng mô hình giáo dục toàn diện đi trước đón đầu”. Ông cũng nhấn mạnh “hội thảo là cơ hội thuận lợi nhất cho các nhà trường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để sớm có định hướng phát triển”. 

Hoi thao giao duc New Zealand anh 2
Bà Robbie Pickford, Giám đốc Dự án, Hiệp hội các trường phổ thông New Zealand (SIEBA), chia sẻ kinh nghiệm giáo dục với đại diện các nhà trường trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hương Ly.

Theo bà Robbie Pickford, bí quyết thành công của nền giáo dục New Zealand là cách dạy, học và đánh giá lấy kỹ năng tương lai làm trọng tâm, thông qua phương pháp giảng dạy cá nhân hóa theo nhu cầu, năng lực và điều kiện của người học. Trẻ em ở New Zealand được phát hiện thế mạnh của bản thân ngay từ bậc tiểu học. Thế mạnh đó không nhất thiết phải là các môn văn hóa mà có thể là nghệ thuật, thể thao… Một khi thế mạnh được phát huy, các em sẽ gia tăng sự tự tin và lan tỏa nó sang các môn học khác.

Trả lời Zing.vn, bà Pickford cho rằng để đáp ứng với quá trình hội nhập và phát triển, học sinh Việt Nam cần nhất là một “tư duy mở”. “Thách thức lớn đối với nhiều học sinh học tập tại nước ngoài là vẫn chờ đợi yêu cầu từ giáo viên. Các em nên đặt thật nhiều câu hỏi, thảo luận, hoạt động nhóm và chủ động nắm bắt mọi cơ hội”, bà nói.

Tại hội thảo, bà Trịnh Thúy Liên, Học giả Fullbright, nghiên cứu sinh Tiến sĩ về Giáo dục tại Đại học Otago, New Zealand, đánh giá cao vai trò của sự đa dạng văn hóa và tư duy “làm được”. Bà cho rằng việc đào tạo kỹ năng mềm và tư vấn hướng nghiệp từ sớm có thể hỗ trợ học sinh phát triển tầm nhìn toàn cầu. Đây là những yếu tố của một nền giáo dục chất lượng cao và ươm mầm thế hệ trẻ vươn ra thế giới.

Hoi thao giao duc New Zealand anh 3
Đại diện trường PTCS Xã Đàn đặt câu hỏi với bà Pickford. Ảnh: Hương Ly.

Đại diện của các trường trung học tại Hà Nội cũng chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với giáo dục Việt Nam, bao gồm việc cải cách sách giáo khoa và chương trình giảng dạy. Bà Pickford cho biết New Zealand từng trải qua giai đoạn đổi mới giáo dục như Việt Nam hiện nay. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian.

Trả lời Zing.vn, bà Pickford đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường hội nhập và tìm kiếm các mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới để áp dụng trong nước, phù hợp với nhu cầu và năng lực của học sinh Việt Nam. Điều này tạo cơ hội cho nhiều quốc gia như New Zealand có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm dạy và học.

Hội thảo “Phát triển giáo dục phổ thông – Kinh nghiệm từ New Zealand” là hội thảo giáo dục đầu tiên của nước này tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác toàn diện Việt Nam – New Zealand được ký kết trong chuyến thăm chính thức New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 3 vừa qua.

Dự kiến trong thời gian tới, hai nước sẽ tăng cường giao lưu kết nối du học sinh, tài trợ học bổng chính phủ cho học sinh phổ thông và xúc tiến giao lưu giữa các trường, thành phố, giáo viên và học sinh Việt Nam – New Zealand. 

Nữ thuyền trưởng chỉ huy tàu chiến New Zealand cập cảng Sài Gòn

Tàu khu trục HMNZS Te Mana F77 thuộc Hải quân Hoàng gia New Zealand là loại tàu chiến cỡ nhỏ, thường được giao các nhiệm vụ trên biển cùng các nước trong khu vực.

Bơ Đắk Nông tiếp cận thị trường thế giới nhờ hỗ trợ từ New Zealand

Mô hình hợp tác mới giữa tỉnh Đắk Nông và New Zealand hứa hẹn giúp ngành sản xuất bơ tăng năng suất và chất lượng, qua đó tiếp cận các thị trường tiềm năng trên thế giới.






Hương Ly

Bạn có thể quan tâm