Trong họp báo 17/8, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bất ngờ đặt câu hỏi tại sao khủng hoảng ở Tigray, miền Bắc Ethiopia không được quan tâm nhiều như xung đột Ukraine.
Câu hỏi của ông Tedros đã khơi gợi lại vấn đề nhức nhối bấy lâu: Liệu các trường hợp khẩn cấp trên thế giới có được quan tâm như nhau hay không? "Có thể lý do là màu da", ông Tedros nói hôm 17/8.
Là người đến từ Tigray, ông có cơ sở để đặt ra câu hỏi này, khi khủng hoảng ở quê nhà đã bùng phát từ cuối năm 2020 do nội chiến giữa chính phủ Ethiopia và phe đối lập ở Tigray. Song, các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở quốc gia châu Phi này gặp nhiều khó khăn.
Mâu thuẫn nội bộ
Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), một đảng chính trị từng có ảnh hưởng lớn ở Ethiopia, hiện kiểm soát khu vực cao nguyên ở Tigray với dân số 6 triệu người. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cáo buộc TPLF hoạt động khủng bố và phản quốc.
Ngược lại, TPLF tố chính quyền Ahmed đàn áp người dân Tigray kể từ khi ông Ahmed nhậm chức hồi tháng 4/2018. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi vào đầu tháng 11/2020, khi Thủ tướng Ahmed triển khai quân đội đến khu vực đang bị phiến quân Tigray kiểm soát để đáp trả vụ tấn công nhằm vào một căn cứ quân sự.
Tổng giám đốc WHO Tedros đã đặt câu hỏi đầy nhức nhối khi so sánh sự quan tâm đối với tình hình ở Ethiopia và Ukraine. Ảnh: Reuters. |
TPLF được thành lập vào những năm 1970 với tư cách là một nhóm dân quân nhỏ chống lại chế độ độc tài quân sự của Ethiopia thời điểm đó. Vùng Tigray không được chính quyền trung ương chú ý đến trong suốt thế kỷ XX.
Người Tigray chiếm khoảng 7% dân số Ethiopia, thấp hơn hai nhóm dân tộc chính là Oromo và Amhara - chiếm tổng cộng hơn 60%. Tuy vậy, TPLF nổi lên như một lực lượng chính trong liên minh lật đổ chính phủ vào năm 1991.
Bước ngoặt của đất nước
Dưới thời cựu Thủ tướng Meles Zenawi, Ethiopia là quốc gia ổn định trong một khu vực đầy biến động. Đất nước đạt tăng trưởng kinh tế đáng kể và liên minh với Mỹ, từng gửi quân đội đến Somalia để đối phó với lực lượng Hồi giáo vào năm 2006.
Nhưng tại quê nhà, chính phủ do TPLF lãnh đạo bị cho là đã hạn chế tự do ngôn luận và đàn áp chính trị người dân.
Sau khi ông Zenawi qua đời năm 2012, quyền lực của TPLF suy yếu, dẫn đến phong trào biểu tình chống chính phủ vào năm 2016, mở đường cho ông Abiy Ahmed trở thành thủ tướng hai năm sau đó.
Ông Ahmed sau đó đã loại bỏ một số quan chức người Tigray khỏi lực lượng an ninh, và thành lập đảng Thịnh vượng (PP) nhằm giảm quyền lực của liên minh lâu năm do TPLF dẫn đầu. Cùng thời điểm này, ông Ahmed tăng cường quan hệ với Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki, người vốn có lập trường chống lại người Tigray.
Thế giới đã ca ngợi nỗ lực của ông Ahmed và ông Afwerki vì đã ký hiệp ước hòa bình năm 2018, chấm dứt hai thập kỷ thù địch giữa hai nước. Đây cũng là điều góp phần giúp thủ tướng Ethiopia nhận giải Nobel Hòa bình vào năm 2019. Song, hiệp ước này cũng đã thúc đẩy một liên minh hai nước để gây chiến với Tigray.
Ethiopia chìm sâu trong khủng hoảng
Những nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy hòa bình ở Ethiopia không mấy khả quan, trong khi khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu rộng.
Liên Hợp Quốc ước tính ít nhất 9,4 triệu người khắp miền Bắc Ethiopia cần hỗ trợ khẩn cấp, song việc các tuyến đường bộ bị phong tỏa làm công tác cứu trợ thêm khó khăn.
Hàng nghìn người tị nạn rời Tigray để đến nước láng giềng Sudan. Ảnh: AFP. |
Hồi tháng 3, các tổ chức cứu trợ cho biết chỉ có 10% nguồn hàng tiếp tế có thể đến tay người dân Tigray. Trong khi đó, các chuyến hàng phần lớn được vận chuyển bằng máy bay, do đó số lượng sẽ thấp hơn so với đường bộ.
Đến ngày 1/4, chuyến xe cứu trợ đầu tiên mới có thể tiến vào Tigray sau nhiều tháng. Chính quyền Ethiopia và TPLF cáo buộc lẫn nhau làm gián đoạn tuyến tiếp tế đến Tigray trước đó.
Khó khăn ở Ethiopia thêm chồng chất khi các tác nhân bên ngoài như xung đột Ukraine, biến đổi khí hậu và giá nhiên liệu tăng cao, đã ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người thuộc vùng Sừng châu Phi nói chung.
Cùng với giao tranh, hàng loạt vụ tàn sát cũng đã xảy ra tại Tigray. Theo một báo cáo công bố đầu năm nay từ cơ quan y tế địa phương, gần 1.500 người đã chết vì suy dinh dưỡng ở Tigray trong tháng 7-10/2021, bao gồm 350 trẻ em. Tổng cộng hơn 5.000 cái chết liên quan tới đói ăn và bệnh tật trong giai đoạn này.
Hàng chục nghìn người Tigray đã phải rời bỏ nhà cửa. Từ chỗ là nước có quan hệ thân thiết với Mỹ, xung đột nội bộ đã khiến Ethiopia dần rời xa Washington. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loại Ethiopia khỏi cam kết thương mại với Mỹ, đồng thời đe dọa trừng phạt giới lãnh đạo nước này.