Có lần, chúng tôi hẹn nhau ở bến xe buýt để cùng đến một nơi đặc biệt. Anh ấy trễ hẹn và tôi đã ngồi đó chờ hai tiếng. Lần này, anh ấy cũng không đến. Nhưng tôi sẽ tiếp tục bước đi thay vì ngồi lại. Bởi tôi biết rằng, chúng tôi chọn điểm đến khác nhau.
Thế là hôm đó tôi quyết định cắt tóc ngắn. Trước đó, tôi đã để tóc dài vì anh ấy. Nhưng lúc nhìn vào cô gái trong gương, tôi nhận ra mình thật đẹp với mái tóc ngắn. Không phải vì ai cả, chỉ cho riêng tôi.
Và hôm ấy, tôi nhận ra mình vẫn còn một tình yêu mãi chẳng rời xa: Yêu chính mình. […]
Tuần vừa rồi, tôi và vài người bạn đã có một tranh luận nảy lửa về quan điểm trái ngược nhau: “Khi vẫn còn nhớ người cũ thì không nên yêu người mới” và “Cách tốt nhất để quên một người là yêu một người khác nồng nàn hơn”.
Tác giả Hạ Chi. Ảnh: NVCC. |
Cuộc tranh luận đến cuối cùng vẫn không thể phân định được thắng thua, còn tôi lại là một cô nàng rất nước đôi nên thấy quan điểm nào cũng có phần hợp lý và bất hợp lý của nó.
Có vô số người đã biến câu chuyện tình của họ thành một mớ bòng bong vì bị hình bóng của người yêu cũ ám ảnh.
Khi trong mối quan hệ mới mà bạn vẫn còn nhớ về người yêu cũ, bạn dễ phạm phải những sai lầm khiến cả ba đều chịu tổn thương. Bạn sẽ so sánh người cũ với người mới và oái oăm thay, bạn dễ có xu hướng nhớ về cái người đã gây cho bạn nỗi buồn nhiều hơn là người đang tạo cho bạn niềm vui.
Bạn không thể yêu người mới bằng cả trái tim, vì còn mãi bận tâm về bóng hình cũ. Bạn phải nói dối về tâm trạng và tình cảm của mình để che giấu sự thật rằng bạn vẫn chưa thể quên.
Và hiếm có ai chấp nhận chuyện mình phải đóng vai “lốp dự phòng” trong tình yêu, xuất hiện chỉ để lấp hố trống trong tim người khác. Rồi trước sau gì “Next” cũng lại thành “Ex” và lại có thêm một nạn nhân của tình yêu.
Nhưng vấn đề là làm sao biết được bạn có sẵn sàng bước vào mối tình mới nếu không thử. Bởi không phải lúc nào “nhớ người yêu cũ” cũng đồng nghĩa với việc vẫn còn yêu người đó.
Đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu hụt một mối quan hệ thật sự, đến nỗi chẳng còn biết phải nhớ đến ai ngoài người yêu cũ.
Ngay cả những người đang hạnh phúc trong tình yêu cũng sẽ có thời điểm thả nỗi nhớ vào quá khứ, vào một hình bóng đã qua. Nhưng tiếc nuối về những kỷ niệm đẹp không có nghĩa là cần níu kéo quá khứ. […]
Người bạn từng yêu vẫn ở đâu đó trong tim, trong trí nhớ, trong những thói quen và trong chính con người bạn. Điều quan trọng là bạn học được cách đào sâu, chôn chặt những tình cảm đó, dựng lên một vách ngăn giữa quá khứ và hiện tại, chấp nhận mất mát và tiến lên phía trước, để nỗi nhớ chỉ còn là của riêng bạn.
Khi đó, bạn sẵn sàng để yêu và được yêu lần nữa. Bạn cho phép trái tim mình mở cửa để có cơ hội được yêu, để nụ cười hong khô nước mắt, để niềm vui lấp chỗ nỗi buồn, để tâm trí bận rộn vì một hình bóng khác.
Dù bạn bước vào tình yêu mới bằng một quyết định của lý trí, cũng chẳng có gì sai. Bởi nếu thật lòng tin, cây tình yêu sẽ nở hoa lần nữa.
“Khi vẫn còn nhớ người cũ thì không nên yêu người mới” hay “Cách tốt nhất để quên một người là yêu một người khác nồng nàn hơn”? Sẽ chẳng thể có câu trả lời đúng hay sai tuyệt đối, cũng như những lý lẽ vô chừng của trái tim vậy.
Bạn là người quyết định chọn lựa con đường hạnh phúc hay nước mắt. Nhưng tôi có thể giúp bạn một vài phương pháp để chọn đúng “ngã rẽ hạnh phúc” là: Chọn người làm bạn yêu, chứ không phải chọn bất kỳ ai giúp bạn quên đi người cũ; chọn con đường hạnh phúc, chứ không chọn chạy trốn quá khứ; chọn yêu thương người mới, chứ không chọn làm tổn thương tình cũ.
Bạn đã sẵn sàng để chọn chưa?