Quên Iron Man, Thor hay Captain American đi, người hùng thực sự đằng sau thành công vang dội của Marvel chính là big data (dữ liệu lớn).
Có thể nhiều người cho rằng đây là tuyên bố hoang tưởng. Về cơ bản, siêu anh hùng là các nhân vật thần thoại, được cả thế giới biết đến. Trong mắt nhiều người, chỉ cần làm phim về các nhân vật này, khả năng thành công của nó đã lên đến 50%.
Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào con đường Marvel đang đi, phải mất nhiều năm các nhân vật của họ mới được cả thế giới thừa nhận và không ai dám tin rằng họ thành công đến mức như hiện tại. Không chỉ thành công, họ còn là hiện tượng.
Marvel tạo ra những cú hit liên tục, ngay cả với những nhân vật không phải siêu anh hùng như Ant-Man (người kiến).
Không đóng góp toàn bộ nhưng big data là nhân tố chính tạo ra sự bùng nổ đó. Marvel không chỉ sản xuất những bộ phim độc lập, họ đã tạo ra một vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU).
Iron Man được lựa chọn mở màn cho vũ trụ điện ảnh Marvel vì nhân vật này có nhiều mối liên kết với các siêu anh hùng khác. Ảnh: CNet. |
Vũ trụ này bao gồm hàng loạt nội dung phức tạp, trải dài qua nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình và cả các trò chơi. Người hâm mộ sẽ phải theo dõi mọi thứ để có thể nắm bắt được cốt truyện đang diễn ra.
Các bộ phim trong vũ trụ này có sự liên kết với nhau, cho phép nhân vật có nhiều thời gian để phát triển nội tâm, tính cách và cả ngoại hình. Tất cả những điều này đòi hỏi một mức độ kết nối và sự thống nhất cao của hệ thống dữ liệu.
Cơ sở dữ liệu của Marvel
Trước khi bộ phim thuộc MCU đầu tiên ra mắt, Marvel Studios đã bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu khổng lồ, nơi họ có thể biên soạn một loạt thông tin về các nhân vật của mình. Với 7 thập kỷ làm truyện tranh, đây không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Cơ sở dữ liệu này bao gồm mối quan hệ giữa các nhân vật, sự tương tác của họ, các câu chuyện xung quanh và những chi tiết liên quan khác để giúp thiết lập vị trí mà mỗi anh hùng hay mỗi nhân vật phản diện đảm nhiệm trong MCU.
Dựa trên những cơ sở dữ liệu đó, Marvel có thể chọn ra những nhân vật quan trọng nhất từ hàng nghìn đầu truyện của họ. Không phải ngẫu nhiên Iron Man được chọn trở thành nhân vật xuất hiện trong bộ phim đầu tiên của MCU, Tony Stark là một trong những siêu anh hùng có nhiều kết nối nhất trong toàn bộ mạch truyện của Marvel.
Từ đó, Marvel Studios có thể đưa ra ý tưởng về cốt truyện giúp người xem có thể dễ dàng theo dõi sự phát triển của các nhân vật. Bằng việc phân tích big data, Marvel cũng có thể tìm hiểu xem người hâm mộ muốn theo dõi về nhân vật nào.
Các phần phim thuộc MCU đều có liên quan đến nhau, người xem sẽ cần theo dõi đầy đủ để hiểu được diễn biến (poster Avenger: Endgame). Ảnh: BGR. |
Họ cũng đã thành công trong việc tạo ra các nhân vật nổi tiếng nhất từ truyện tranh. Các siêu anh hùng đáng chú ý hiện nay như Captain America, Black Widow và Hulk không hoàn toàn giống theo nguyên tác truyện tranh. Marvel đã chắt lọc những đặc điểm nổi bật và các sự kiện đáng chú ý trong suốt lịch sử phát hành để người hâm mộ có thể dễ dàng tiếp cận và theo dõi.
Ngoài ra, Marvel Studios cũng phân tích big data để tìm hiểu những gì người hâm mộ yêu thích hoặc không thích về các nhân vật. Kết hợp tất cả những thông tin trên, Marvel đã tạo ra MCU như hiện tại, công thức này được áp dụng trong tất cả bộ phim bom tấn của công ty.
Series truyền hình Daredevil
Việc phân tích big data thậm chí đã được mở rộng ra cả lĩnh vực truyền hình. Bằng cách phân tích big data để thu thập thông tin về nhân vật được yêu thích, Marvel Studios đã hợp tác với Netflix tạo ra loạt phim Daredevil và đạt được thành công lớn.
Big data là chìa khóa chính giúp Marvel xây dựng vũ trụ điện ảnh của riêng mình. Không chỉ dừng lại ở mức thành công, MCU đã tái định nghĩa ngành công nghiệp điện ảnh, buộc các hãng phim khác phải chạy theo cuộc đua để bắt kịp với vụ trụ điện ảnh của riêng họ.
Nói cách khác, Marvel sẽ khó có thể đạt được thành công như hiện tại nếu không dựa vào việc phân tích big data.