Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quê nhà ông Moise căm phẫn vì 'họ đã giết tổng thống của chúng tôi'

Người dân thị trấn quê hương cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise coi giới tinh hoa và đầu sỏ chính trị là thủ phạm gây ra cái chết của ông Moise. Họ muốn đòi công lý.

So với thủ đô Port-au-Prince, miền Bắc Haiti dường như là thế giới khác. Ở đây chỉ có những cánh đồng xanh rờn và những nhà thờ rực rỡ sắc màu, thay vì bạo lực băng đảng hay cuộc chiến giành quyền lực đang diễn ra ở thủ đô sau khi cố Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát.

Tuy vậy, hôm 16/7, chủ đề bàn luận của người dân thị trấn Trou-du-Nord, quê hương ông Moise, là về chính trị. Về nhà nước Haiti tự làm suy yếu mình. Về giới tinh hoa giàu có quá mức. Về những thế lực bên ngoài coi Haiti là con tốt trên bàn cờ chính trị.

Đó cũng là ngày người dân Trou-du-Nord tập trung cầu nguyện và tuần hành để tưởng nhớ người con xuất chúng của thị trấn quê hương.

Ký ức về tổng thống

“Chúng tôi đang gửi thông điệp tới giới đầu sỏ chính trị”, Cubano Fils-Aime, một trong những người tổ chức lễ tưởng niệm cố Tổng thống Moise, khẳng định. “Các nhà tư bản kiểm soát mọi thứ ở đất nước này. Nhà nước thuộc về họ”.

Haiti là quốc gia có sự chênh lệch giàu nghèo đáng kể. Người giàu sống trong những căn biệt thự trên những quả đồi ở thủ đô Port-au-Prince. Họ nắm giữ 64% tài sản của đất nước, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Ngược lại, đa số người dân Haiti phải chịu cảnh thiếu nước sạch. Thu nhập trung bình của họ chưa đầy 2,5 USD/ngày.

am sat tong thong haiti anh 1

Haiti được coi là một trong những quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu. Ảnh: New York Times.

Theo cựu Thủ tướng và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Haiti Fritz Alphonse Jean, những lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của quốc gia Trung Mỹ này bị kiểm soát bởi một vài gia đình. Đây là giới “đầu sỏ” mà ông Moise thường công kích trong những bài phát biểu và phỏng vấn. Ông Moise gọi đây là những thế lực “hút máu đất nước”.

Tuy vậy, những người chỉ trích nhận định ông Moise chỉ nhắm vào phe đối lập. Trong khi đó, nhiều đồng minh của ông cũng thuộc giới đầu sỏ này. Bên cạnh đó, ông Moise đã trở thành một phần của giới tinh hoa. Ông cũng có cuộc sống giàu có trong một căn biệt thự tại thủ đô Port-au-Prince.

Tại Port-au-Prince, trong khi các cuộc biểu tình phản đối ông Moise nổ ra nhiều năm nay, ông bị coi là ngày càng chuyên quyền. Ông bị cáo buộc ngầm tiếp tay cho sự phát triển của các băng nhóm tội phạm để bóp nghẹt phe đối lập. Ông cũng có kế hoạch sửa đổi hiến pháp để tại vị thêm một nhiệm kỳ.

Trái ngược với không khí ở thủ đô, tại Trou-du-Nord, ông Moise chủ yếu được nhớ đến như con trai của một người trồng mía và một thợ may. Ông sống những năm đầu đời trong một ngôi nhà hai tầng khiêm tốn, trước khi đến thủ đô Port-au-Prince học cấp ba.

Trong ký ức của cư dân Trou-du-Nord, ông Moise theo học ở trường Công giáo ở địa phương khi còn nhỏ. Ông thường chơi đá bóng với đám bại dưới bóng cây hoa phượng trong trường.

am sat tong thong haiti anh 2

Người dân Trou-du-Nord mặc áo in hình cố Tổng thống Jovenel Moise. Ảnh: New York Times.

Bà Rosena Antinor Moise, chị dâu của cố tổng thống, đang là hiệu trưởng của chính ngôi trường này. Bà nhớ về ông Moise như một đứa bé có khả năng tập trung tuyệt đối, giống như tính cách của ông trong tương lai.

“Khi bắt đầu điều gì, ông ấy phải hoàn thành”, bà hồi tưởng. “Giờ đây, khi ông ấy đã ra đi, nhiều người nói đây là vị tổng thống tốt”.

Bà Rosena cũng cho biết cái chết của ông Moise làm bản thân bà và nhiều người khác hoảng sợ. “Tôi sợ nhiều thứ tại đất nước này”, bà nói.

Thông điệp của người dân

Trou-du-Nord nằm trên vùng đồng bằng phía bắc của Haiti. Nơi đây từng là trung tâm của ngành mía đường toàn cầu. Đây là ngành công nghiệp hái ra tiền nhưng cũng đầy máu và nước mắt. Một nửa số nô lệ da đen làm việc tại đây qua đời chỉ sau vài năm, theo nhà sử học Laurent Dubois.

Hàng thập kỷ sau, thị trấn này vẫn là một trung tâm nông nghiệp. Những nải chuối còn xanh được chất đầy trên những chiếc xe bán tải, nóc xe buýt và yên sau xe máy.

So với Port-au-Prince, Trou-du-Nord tương đối cởi mở và an toàn. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận và trò chuyện. Thanh niên thoải mái đá bóng trên những con đường hẹp mà không lo bị bắt cóc.

am sat tong thong haiti anh 3

Chuối được vận chuyển trên đường phố Trou-du-Nord. Ảnh: New York Times.

Một chiếc xe ô tô chạy quanh thị trấn với loa lắp trên nóc. Chiếc loa liên tục phát đi âm thanh của cựu thị trưởng thị trấn này: “Tổng thống, dù ngài đã ra đi - họ có thể giết đi thân xác ngài, nhưng không thể giết đi những ước mơ của ngài”.

Roneld Jean-Louis , người lái xe, cho biết anh từng vận động cho ông Moise và rất thích ông. “Giới tư bản sẽ không để ông sống”, Jean-Louis nói.

Sáng hôm 16/7, người dân Trou-du-Nord mặc lên mình những chiếc áo trắng in hình ông Moise. Họ tập trung tại nhà thờ của thị trấn để cầu nguyện.

“Cái chết này cho chúng ta thấy không ai được an toàn, không chừa một ai”, linh mục Bernard Etienne nói.

Tuy ủng hộ ông Moise, nhiều người dân địa phương nhận định cố tổng thống không làm được nhiều cho quê hương, ngoại trừ lát lại đường phố.

Trang trại chuối giúp ông Moise có biệt danh “Banana Man” nằm ngay bên ngoài thị trấn. Năm 2015, ngay trước khi vận động tranh cử tổng thống, ông Moise tuyên bố công ty của bản thân đã xuất khẩu chuối sang châu Âu. Đây là lần đầu tiên Haiti làm được điều này sau 50 năm. Thương vụ này cũng thể hiện lời hứa đầu tư vào nông nghiệp của tổng thống tương lai.

am sat tong thong haiti anh 4

Người dân Trou-du-Nord đến nhà thờ dự lễ tưởng niệm cố Tổng thống Jovenel Moise. Ảnh: New York Times.

Tuy vậy, 6 năm sau, trang trại trông như bị bỏ hoang. Một vài con bò đi lang thang dưới những tán cây, nhưng không thấy cây chuối nào.

Chỉ hai tháng trước khi bị ám sát, ông Moise khánh thành nhà máy thủy điện Marion cách đó chưa đầy 20 km. Ông cam kết nhà máy điện nay sẽ cho người dân sử dụng điện ổn định hơn, cũng như điều tiết nước tưới tiêu cho 10.000 ha.

“Ông ấy chưa thể hoàn thiện dự án này”, Mackenson Messmin, một nhân viên phát triển cộng đồng, nói. “Đáng tiếc là ông đã qua đời. Chúng tôi không biết liệu ước mơ của ông có được tiếp nối hay không”.

Sau buổi lễ tại nhà thờ, người dân Trou-du-Nord đổ xuống đường tuần hành với nhiều biểu ngữ đòi công lý. Họ yêu cầu bắt giữ Tư lệnh Cảnh sát Haiti Leon Charles và đội trưởng đội cận vệ tổng thống Dimitri Herard.

“Họ đã giết Jojo”, người dân gọi ông Moise bằng biệt danh tại địa phương. “Chúng tôi sẽ giết họ.

Những cuộc ngã giá của kẻ chủ mưu vụ ám sát tổng thống Haiti

Hai doanh nhân người Mỹ đồng ý tài trợ kinh phí, đổi lại chủ mưu chính Christian Sanon hứa dùng tài sản của Haiti để thanh toán sau khi lên nắm quyền tổng thống.

Bí ẩn bao trùm vụ ám sát tổng thống Haiti

Lời kể của gia đình các cựu binh Colombia bị nghi ám sát tổng thống Haiti càng gieo rắc thêm nghi ngờ vào những tuyên bố chính thức về sự việc của nhà chức trách Haiti.

Việt Hà

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm