Từ Alaska đến Phần Lan, một nửa số thị trấn trong vành đai Bắc cực đều tự nhận mình là quê hương của ông già Noel, dù đó là “Santa Claus” hay một cái tên địa phương nào khác. Thế nhưng, tất cả những “thiên đường mùa đông” này đều đang nóng dần lên.
Tại Tomteland, Thụy Điển, người bản địa Sami cho biết hành vi của những đàn tuần lộc trở nên khác lạ bởi khí hậu nóng bất thường. Mùa xuân năm nay, Tomteland bất ngờ hứng chịu những đợt lũ lớn. Đến mùa hè, cháy rừng hoành hành khắp vùng, phá hủy nhiều cánh rừng ở Thụy Điển.
Làng ông già Noel tại Rovaniemi, Phần Lan. Ảnh: Alamy. |
“Lời khuyên” của ông già Noel
“Tôi đã hỏi xin lời khuyên của Santa, mà tên thật là Tomte theo tiếng Thụy Điển. Ông ấy rất lo lắng về biến đổi khí hậu”, Anders Rosen, quản lý truyền thông của vùng Mora, Thụy Điển, chia sẻ với Guardian.
“Ông ấy gửi thông điệp rất cứng rắn tới những nhà hoạch định chính sách trên thế giới: Hãy xem xét thật nghiêm túc vấn đề biến đổi khí hậu và đưa ra những quyết định cứu lấy hành tinh này”, ông cho biết.
Khí hậu ổn định cũng tốt hơn cho việc kinh doanh tại Mora. Thời gian qua, đôi khi ban quản lý những sườn núi địa phương và nhiều khu trượt tuyết tại Thụy Điển phải sử dụng tuyết nhân tạo để duy trì hoạt động.
Trong những năm qua, buổi sáng đầu tiên sau Giáng sinh cũng không có tuyết. Người dân tại Mora năm nay có phần lạc quan hơn. Nhiệt độ tuần này đã xuống âm 10 độ C và tuyết đã bắt đầu rơi vài đêm những ngày qua. Họ hy vọng năm nay sẽ được đón một “Giáng sinh trắng” đúng nghĩa.
“Dẫu không có tuyết, chúng tôi cũng rất giỏi tạo không khí Giáng sinh đúng nghĩa cho mọi người. Truyền thống Giáng sinh ở Thụy Điển rất đặc sắc”, ông Rosen chia sẻ.
Giống như mọi năm, thành phố Rovaniemi của Phần Lan nhận về hàng chục nghìn lá thư từ trẻ em trên khắp thế giới với những điều ước nhắn đến ông già Noel. Người dân tại thủ phủ vùng Lapland nói rằng mùa hè năm nay khô nóng một cách kỳ lạ. Vài tuần liên tiếp có nhiệt độ trung bình hơn 30 độ C.
Mùa đông năm nay, tuyết đến muộn một cách bất thường. Các công ty du lịch đã phải ứng biến, tổ chức nhiều loại hình hoạt động mới cho du khách. Họ mở các chuyến đi bộ leo núi. Du khách còn được khám phá các hồ nước trong vùng, nơi mặt băng trong đến mức bạn có thể nhìn thấy rõ cá bơi dưới hồ.
“Thật ra mặt hồ thường bị tuyết phủ trắng”, Sanna Karkkainen, giám đốc công ty du lịch Visit Rovaniemi, chia sẻ. “Khí hậu biến đổi rõ rệt trong 3-5 năm qua. Khí hậu ngày trước thường ổn định hơn. Giờ đây, trời chuyển nhanh chóng từ ấm áp kéo dài sang cái lạnh khắc nghiệt”.
Trong những tuần qua, thời tiết bất ngờ quay về với nhịp độ bình thường trong quá khứ. Người dân và khách du lịch tại Lapland lại được đón Giáng sinh với cảnh tuyết trắng.
“Chúng ta chỉ có một Trái Đất”
Cách thủ đô Oslo của Na Uy khoảng 40km, thị trấn Drobak cũng có một “bưu điện của ông già Noel” và một ngôi nhà Giáng sinh mở cửa quanh năm.
Người quản lý hoạt động du lịch tại đây tự nhận là em họ của ông già Noel, khẳng định nhân vật truyền thuyết này chào đời tại đảo Haoya gần đó.
So với những “quê quán” khác của ông già Noel tại vùng cực Bắc, Drobak nằm xa hơn về phía nam với khí hậu ấm áp hơn. Thường nơi này chỉ có 60-70% khả năng tuyết rơi đúng dịp Giáng sinh. Năm nay là một năm may mắn cho vùng vì sẽ có “Giáng sinh trắng”.
Tòa thị chính thành phố North Pole, bang Alaska, Mỹ. Ảnh: Getty. |
Hans Petter Treider, một nhà văn địa phương từng viết sách về cuộc đời và lịch sử của Santa Claus, cho biết Drobak đang đóng góp phần nào cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Điểm du lịch này đã bắt đầu sử dụng phà chạy bằng điện đến đảo Noel, đồng thời hứa hẹn sẽ loại hoàn toàn xe ôtô tại trung tâm thị trấn vào năm 2030.
“Chúng ta chỉ có một Trái Đất. Chúng ta phải biết bảo vệ nơi này”, ông chia sẻ.
Thành phố North Pole (Bắc cực) thuộc bang Alaska, Mỹ, cũng có “nhà Santa Claus” của riêng mình. Nơi này còn vừa xây xong một bức tượng ông già Noel trong bộ đồ đỏ đặc trưng, cao đến 13 m. Thế nhưng, người dân thành phố đang đón nhận mùa đông ấm thứ nhì trong lịch sử.
Mãi đến tuần trước, thời tiết mới chuyển lạnh và thang nhiệt kế bắt đầu chạy về số âm. Người dân tại thành phố cho biết họ chưa từng gặp phải tình trạng này. Tuyết thường bắt đầu rơi vào tháng 10 hàng năm, nhưng trong những năm gần đây thường chỉ là những cơn mưa lạnh buốt.
Đánh giá khí hậu liên bang của Mỹ vào tháng 11 cảnh báo Alaska đang nóng lên nhanh hơn mọi nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski lại nằm trong số những nhà lập pháp ủng hộ phát triển khai thác dầu tại bang này. Bà còn đánh giá hiện tượng băng tan tại Bắc cực là cơ hội để phát triển kinh doanh.
“Cơ hội thương mại tại khu vực Bắc cực đang rất lớn. Tôi nghĩ là ông già Noel đã tìm ra được lộ trình ngắn nhất để đi vòng quanh thế giới bằng cách đi ngang qua vùng cực. Ông đã hiểu được vị trí mang giá trị địa chiến lực của vùng này”, bà viết trên mạng xã hội Twitter ngày 17/12.
Những người hàng xóm của Alaska tại Canada không đồng tình với lời đùa của nữ nghị sĩ Mỹ.
“Vùng không băng tại Bắc cực đang mở rộng. Diện tích băng còn lại đang mỏng dần hoặc chỉ là băng non. Vùng cực đang ấm dần với tốc độ nhanh gấp đôi mọi nơi trên thế giới trong vòng 50 năm qua. Diện tích và thời gian tuyết phủ sẽ ngắn dần trong những năm tới”, Mark Johnson, người phát ngôn Bộ Môi trường Canada, cảnh báo.