Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Serbia phẫn nộ vì 3 triệu USD trang trí Giáng sinh

Người dân thủ đô Belgrade, Serbia, cho rằng khoản chi hơn 3 triệu USD tiền thuế cho việc trang trí Giáng sinh là không cần thiết và ẩn chứa dấu hiệu tham nhũng.

Ngày 11/9 là một ngày cuối hè sôi động ở thành phố Belgrade, thủ đô Cộng hòa Serbia. Nhiệt độ ngoài trời khi đó là 30 độ và không có dấu hiệu nào cho thấy mùa thu đang đến gần. Dưới cái nắng đó, chính quyền thành phố Belgrade bắt đầu triển khai việc trang trí đường phố cho dịp Giáng sinh. 

Năm ngoái, đèn trang trí bắt đầu được giăng mắc từ ngày 28/9 và đến tận cuối tháng 3 năm nay mới bị gỡ xuống. Trên khắp thế giới, việc trang trí cho Giáng sinh nhằm mục đích lan tỏa tinh thần lễ hội nhộn nhịp và vui vẻ. Song tại Belgrade, đây lại là nguyên nhân của những cuộc tranh cãi không hồi kết. 

trang tri Giang sinh o Serbia anh 1
Mô hình ngôi nhà cổ tích được trang trí tại Belgrade, Serbia năm 2014. Ảnh: novosti.rs

4 năm, chi phí tăng 113 lần

Khác với nhiều thành phố ở châu Âu, kinh phí cho việc trang trí thủ đô Serbia dịp lễ hội được trích trực tiếp từ tiền thuế của người dân. Kể từ năm 2014, chính quyền thành phố Belgrade đã chi gần 800 triệu dinar (khoảng 7,6 triệu USD) cho đèn trang trí Giáng sinh và khoảng 83.000 euro (gần 100.000 USD) để dựng lên cây thông nhân tạo năm 2017. 

Nhiều nhà hoạt động chống tham nhũng và truyền thông Serbia đã lên án khoản chi này là không cần thiết và lạm dụng kinh phí dành cho các dịch vụ công khác hiện còn rất nghèo nàn. Người dân thậm chí còn biểu tình để thể hiện sự phẫn nộ, khiến cựu thị trưởng thành phố Belgrade Siniša Mali phải cam kết không dựng cây thông và tiết kiệm chi phí hơn. 

"Đường phố Belgrade đang sụp đổ theo nghĩa đen với đầy ổ gà. Lượng rác thải khổng lồ chất đống ở nơi cộng cộng và vào mùa đông, người dân gặp phải vấn đề là không có đủ tài xế xe buýt và xe điện", Ljubica Slavković, một kiến trúc sư ở Belgrade, nói với Guardian.

"Dù đi đến bất cứ đâu cũng gặp cảnh tượng người dân tụ tập rất đông tại các trạm xe buýt giữa trời lạnh, chờ đợi chiếc xe có thể sẽ không bao giờ đến".

Trong năm 2014, mức chi của chính quyền Belgrade cho Giáng sinh chỉ dưới 3 triệu dinar, nhưng con số này tăng dần theo thời gian. Đến mùa đông năm nay, mức chi đã lên tới 340 triệu dinar (khoảng 3,2 triệu USD), tăng 40% so với năm ngoái và hơn 113 lần so với năm 2014.

Để so sánh, thủ đô Zagreb của Croatia, nơi được bầu chọn là thành phố tổ chức lễ Giáng sinh tốt nhất châu Âu trong 3 năm liên tiếp, chỉ chi không quá 795.000 EUR (chưa tới 1 triệu USD) cho mùa Giáng sinh năm 2017. 

trang tri Giang sinh o Serbia anh 2
Chính quyền Belgrade đã chi gần 100.000 USD để dựng lên cây thông nhân tạo năm 2017. Ảnh: serbia.com

Tại quốc gia với 85% dân số có thu nhập hàng tháng ít hơn mức "trung bình" là 375 euro, kinh phí mà chính quyền Belgrade chi cho dịp Giáng sinh có thể được sử dụng để trả lương cho 638 tài xế xe buýt. 

Rất nhiều thành phố khác lựa chọn tiết kiệm chi tiêu cho việc trang trí nơi công cộng. Đèn Giáng sinh trên đường Oxford ở London, Anh, được các doanh nghiệp và cửa hàng địa phương tài trợ.

Tương tự ở Rome, Italy, chi phí này được tài trợ bởi thương hiệu thời trang xa xỉ Bulgari. Tại Washington D.C, khoản tiền 500.000 USD dành cho trang trí đến từ các nhà tài trợ tư nhân. 

Nạn tham nhũng ẩn sau lễ hội

Tuy nhiên giá cả không phải là vấn đề duy nhất, mà nguyên nhân sâu xa hơn gây tranh cãi là tình trạng tham nhũng. Năm 2016, Pištaljka, một tổ chức truyền thông địa phương, đã công bố bằng chứng cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình mua sắm phụ kiện.

Chính quyền thành phố Belgrade đưa ra yêu cầu trang trí cụ thể đến mức họ công bố cả hình ảnh minh họa cho các nhà thầu. Chỉ có duy nhất một nhà bán lẻ phụ kiện trang trí nhận được hợp đồng này. Người chỉ trích cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc đấu thầu không công bằng. 

"Toàn bộ quá trình mua bán đồ trang trí này rất phức tạp. Rõ ràng là có gian lận trong việc đấu thầu, và đây là hành vi tham nhũng ở mức độ nghiêm trọng", Slavković nói. 

trang tri Giang sinh o Serbia anh 3
Các thành phố lớn khác như Washington D.C chỉ sử dụng tiền tài trợ tư nhân để trang trí Giáng sinh. Ảnh: Xinhua.

Chính quyền Belgrade muốn giữ nguyên mức chi này và cho rằng đồ trang trí có thể thu hút lượng khách du lịch lớn, giúp thành phố thu được lợi nhuận gấp hai lần so với các khoản đầu tư khác cùng lĩnh vực. 

Alexanderar Saničić, giám đốc điều hành hiệp hội các cơ quan du lịch quốc gia Serbia, tỏ ra nghi ngờ về điều này. "Theo như tôi biết, không một tổ chức nào thực hiện nghiên cứu, phân tích để chỉ ra rằng trang trí Giáng sinh có ảnh hưởng đến lượng khách du lịch", ông nói.

"Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng lượng khách tham quan đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa con số này và việc trang trí cho Giáng sinh".

Và thậm chí những ánh đèn lấp lánh cũng không lan tỏa được niềm vui dịp lễ hội. "Nhiều người dân cảm thấy khổ sở vì những món đồ trang trí Giáng sinh, bởi chúng là lời nhắc hiện hữu một cách đầy lấp lánh rằng ai đó - ý tôi là người nào đó nắm quyền - đang coi họ như kẻ ngốc", ông Slavković nói với Guardian

"Cảm xúc này khiến dân thường tỏ ra thờ ơ lãnh đạm và họ không có khả năng làm bất cứ điều gì để thay đổi tình hình", ông  nói thêm. 

Obama mặc đồ ông già Noel, bất ngờ tới tặng quà cho bệnh nhi Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama bất ngờ tới thăm Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở thủ đô Washington, động viên và trao quà cho các em nhỏ tại đây nhân dịp Giáng sinh.

Giáng sinh rực rỡ từ châu Á, châu Âu đến Trung Đông

Từ ánh đèn trang trí lung linh ở Hong Kong, chợ Giáng sinh ở Đức cho đến ông già Noel dưới nước ở Nhật Bản, thế giới đang tràn ngập không khí lễ hội Giáng sinh và năm mới.

New York đau đầu với lễ hội những ông già Noel 'nổi loạn', say bí tỉ

Các quán bar ở New York và nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ ngày 8/12 tràn ngập hình bóng những "ông già" và "bà già" Noel muốn được say bí tỉ trong sự kiện SantaCon 2018.

Hương Ly (theo Guardian)

Bạn có thể quan tâm