Ngày 3/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng ký văn bản hoả tốc gửi các quận huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban ngành trên địa bàn về việc triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, đảm bảo giao thông trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ông giao chủ tịch các huyện, thị xã, thành phố kiên quyết kiểm soát chặt chẽ, toàn diện người trên các phương tiện từ các nguồn ngoài tỉnh vào Quảng Ninh đến hết ngày 15/4.
Tạo điều kiện cho những trường hợp đặc biệt
Tại các chốt kiểm soát ra vào tỉnh, Chủ tịch tỉnh giao Sở Y tế hướng dẫn các địa phương cấp giấy xác nhận (ghi rõ họ tên, số căn cước công dân, điện thoại liên hệ, địa chỉ nơi ở, nơi đến, ngày đến và rời Quảng Ninh).
Với việc kiểm soát người, phương tiện, thay vì "lệnh cấm" như tại Điện khẩn ngày 31/3, tỉnh Quảng Ninh đã có hướng dẫn chi tiết, cụ thể và linh hoạt hơn.
Sáng 1/4, tỉnh Quảng Ninh đồng loạt thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, trong đó thành lập các chốt kiểm soát tại các tuyến đường vào tỉnh. Ảnh: Quốc Nam. |
Theo đó, các chốt kiểm soát của tỉnh được chỉ đạo tạo điều kiện cho các trường hợp đặc biệt, gồm:
- Xe cứu thương
- Xe thực thi công vụ
- Xe đưa đón cán bộ, công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp
- Xe của các cơ quan ngoại giao
- Xe chở người đi tỉnh khác khám bệnh phải có giấy chuyển viện của các bệnh viện có thẩm quyền
- Xe đón người đi chữa bệnh về phải xuất trình giấy ra viện
- Xe ở tỉnh khác đến đón người đã hoàn thành cách ly tại Quảng Ninh
- Xe chở người có hộ khẩu tại Quảng Ninh đã hoàn thành cách ly tại địa phương khác có giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì được phép đưa người về Quảng Ninh
- Tất cả xe tải, xe chuyên dụng (đặc biệt ưu tiên xe chở lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh) và phải duy trì số lượng người trên phương tiện theo quy định
Riêng đối với xe cá nhân, xe gia đình từ các địa phương khác, thay vì cấm đi vào tỉnh như vài ngày trước, lần này Quảng Ninh chỉ đạo thuyết phục người điều khiển phương tiện chỉ đi trong trường hợp thực sự cần thiết.
Ngoài ra, các trường hợp khác sẽ do chủ tịch huyện, thị xã, thành phố quyết định theo thực tiễn trên cơ sở phải đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Để tránh phải kiểm soát nhiều lần, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tiến khai báo y tế 1 lần/ngày với mỗi hành trình di chuyển tại chốt kiểm soát đầu tiên trên hành trình của phương tiện. Khi người, phương tiện xuất trình giấy đã kiểm soát trong ngày trên địa bàn tỉnh thì không phải khai báo, kiểm tra tại chốt kiểm soát khác.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cơ sở trên địa bàn không được áp dụng các biện pháp như đào hào, đổ đất ngắn đường để hạn chế giao thông, trường hợp cần thiết phải lắp đặt rào chắn, có biển báo hướng dẫn hoặc tổ chức các tổ chốt kiểm soát làm nhiệm vụ theo quy định.
Phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh
Trước đó, sau khi Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được ban hành, nhiều địa phương đã có những động thái “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, khiến người dân, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Từ ngày 1/4, trên một số tuyến đường liên xã tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) gồm khu vực phường Hoành Bồ, xã Lê Lợi xuất hiện những đống đất và khối bê tông chắn ngang lối đi để kiểm soát người ra vào, phòng chống dịch Covid-19 lây lan.
Bộ Y tế cũng khẳng định đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế, xã hội. Ảnh: Quốc Nam. |
Bí thư Thành ủy TP Hạ Long Vũ Văn Diện giải thích do đặc thù là khu vực miền núi có rất nhiều đường mòn, lối mở vào thôn, xã nên một số địa phương đã tự mang đất và các khối bê tông ra chặn đường để kiểm soát tạm thời, hướng người và phương tiện đi các trục đường chính có chốt kiểm soát phòng dịch.
Chính quyền địa phương sau đó đã giải phóng và bố trí lực lượng liên ngành thành lập chốt kiểm soát phương tiện và người ra vào thay các “chướng ngại vật” này.
Trao đổi với Zing về việc này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng tình trạng này xuất hiện do các địa phương hiểu chưa đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo người phát ngôn Chính phủ, các địa phương có thể lập chốt kiểm soát người và phương tiện ra vào, yêu cầu khai báo y tế, nhưng không được cấm việc đi lại của người dân.
“Phải hiểu rõ ý chỉ đạo của Thủ tướng không phải phong tỏa, hay ngăn sông cấm chợ, mà khuyến cáo mọi người hạn chế đi lại hết sức có thể trong vòng 15 ngày. Còn chủ trương chung là vẫn duy trì các hoạt động kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Theo ông, giai đoạn này cần các giải pháp quyết liệt nhưng không nên áp dụng một cách quá máy móc.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 3/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh Chỉ thị 16 của Thủ tướng là giải pháp quan trọng, kịp thời và đúng thời điểm để ngăn chặn triệt để lây nhiễm trong cộng đồng. Bản chất của chỉ thị là giãn cách xã hội.
Tuy nhiên đây là biện pháp mới, nên khi triển khai thực thi một số địa phương lúng túng, thực hiện chưa thống nhất, thậm chí còn làm hơi quá… Chính vì thế, Bộ Y tế đã phối hợp, tham mưu cho cấp có thẩm quyền để có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, yêu cầu cách ly xã hội có hiệu lực trong vòng 15 ngày (từ 1 đến 15/4) bởi đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu quyết liệt cách ly xã hội sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân.
Bộ Y tế cũng khẳng định đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế - xã hội.