Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh xác định rõ những khó khăn, thách thức đặt ra năm 2021, đặc biệt là trong bối cảnh chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế số 12/KH-UBND; ban hành các văn bản 1270/UBND-TH4, số 1281/UBND-TH4, số 2821/UBND-TH4 và chỉ đạo tại các phiên họp của UBND tỉnh thường kỳ để triển khai tới lãnh đạo từng sở, ngành, địa phương thực hiện.
Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Quảng Ninh tập trung triển khai các giải pháp tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng việc giữ vững và thực hiện giải pháp đồng bộ, tập trung vào 4 chỉ số: Par Index, PCI, Sipas, Papi.
Tỉnh hoàn thiện đề án và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TU, ngày 9/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đưa vào chương trình thường niên đánh giá và tổ chức công bố các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI Quảng Ninh) năm 2020.
Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan, biên phòng... rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, giảm chi phí không chính thức; đấu tranh phòng chống các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng vặt để thúc đẩy xuất nhập khẩu. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo quyết liệt các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch, dịch vụ, nhất là du lịch nội địa.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng thúc đẩy dự án sản xuất của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất nông - lâm - thủy sản, nhất là tốc độ tái đàn lợn, gia cầm... Phát triển doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics về tỉnh; thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách của những nhà đầu tư chiến lược như Vingroup, Sun Group, Thành Công, TH, CEO, Texhong, Amata, Foxconn... cũng là giải pháp được tỉnh chú trọng.
Nhờ cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế quan, nhiều doanh nghiệp logistics mở đường vận tải mới đến các cảng của Quảng Ninh. Ảnh: Quốc Nam. |
Ngoài ra, địa phương này thường xuyên tổ chức đối thoại với các hiệp hội của tỉnh như: Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch để lấy ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, từ đó giải quyết triệt để các ý kiến liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, GPMBN, du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu.
Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp theo phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, nhất là thủ tục về đất đai, quy hoạch, chủ trương đầu tư, bảo vệ môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất… Qua đó, thúc đẩy thu hút đầu tư và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Trao đổi với Zing, ông Frank Van Rompaey, Tổng giám đốc Cảng Container Quốc tế Cái Lân (CICT), cho biết đại diện cảng đã có buổi làm việc với tỉnh, Cảng vụ Cảng Quảng Ninh và Chi cục hải quan Cái Lân về việc tìm cách đưa các tàu container về cảng.
“Đó không phải là con đường dễ dàng, cần phát triển nhanh chóng hệ thống cơ sở hạ tầng thu hút việc xây dựng nhà máy, xí nghiệp sản suất bằng các chính sách ưu đãi. Những kế hoạch đó sẽ mất thời gian và gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để phát triển nền kinh tế”, ông Rompaey chia sẻ.
Nhờ những biện pháp cải cách hành chính và đầu tư hạ tầng kết nối đồng bộ cùng chính sách phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực logistics đường biển đã tin tưởng chọn Quảng Ninh làm điểm đến.
Riêng trong tháng 9/2021, 2 chuyến tàu của hãng vận tải tàu biển lớn nhất thế giới Maersk Line đã cập cảng tiến hành bốc xếp gần 3.500 container hàng hóa. Đây là một trong 2 chuyến tàu khai thác thử nghiệm của Maersk Line đến CICT Cái Lân, nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, hướng đến việc mở chuyến tàu container chuyên tuyến quốc tế qua cảng Cái Lân trong thời gian tới.
“Dịch bệnh đã gây ra những khó khăn cho toàn thế giới, nhưng ở Quảng Ninh, tỉnh đã rất xuất sắc trong việc ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Tôi nghĩ hiện tại đây là nơi an toàn nhất trên thế giới”, ông Frank Van Rompaey chia sẻ.
Đẩy mạnh đầu tư công, thu hút vốn ngoài ngân sách
Để giúp nền kinh tế địa phương tăng trưởng dương, tỉnh Quảng Ninh đưa ra các chiến lược, chính sách. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư từ vốn ngân sách vào lĩnh vực giao thông, hạ tầng kết nối đồng bộ để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư vào các dự án trọng điểm.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng các dự án, công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm từ các nguồn vốn ngân sách: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 và 3, nút giao Đầm nhà Mạc, nút giao Hạ Long xanh và tuyến đường ven sông kết nối từ thị xã Đông Triều đến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
Tính đến ngày 30/8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của toàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt 52,2% kế hoạch, nếu không tính nguồn vốn mới được bổ sung thì tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh là 67%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 63.839 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đầu tư bằng ngân sách của tỉnh và vốn BOT đang được các nhà thầu thi công gấp rút hoàn thành. Ảnh: Quốc Nam. |
Về thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, đến hết tháng 8/2021, Quảng Ninh thu hút đầu tư được 289.095 tỷ đồng, gấp 5 lần kịch bản đề ra. Trong đó, cấp mới, điều chỉnh 27 giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm là 26.921,6 tỷ đồng, phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 42 dự án vốn trong nước với tổng số vốn đăng ký là 262.173,5 tỷ đồng.
Một số dự án tiêu biểu được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư như Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt với số vốn đăng ký 498,04 triệu USD, dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh với tổng số vốn đầu tư 10 tỷ USD…
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Quảng Ninh tăng 8,02%, cao hơn 3,76% so với cùng kỳ 2020, đứng thứ 4/11 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng.
Tổng thu ngân sách nhà nước đến tháng hết tháng 8/2021 đạt 30.471 tỷ đồng, bằng 60% dự toán, bằng 93% cùng kỳ. Trong đó thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6.497 tỷ đồng, thu nội địa đạt 23.974 tỷ đồng, bằng 61% dự toán và bằng 101% so với cùng kỳ.
Trong các nền kinh tế giúp GRDP của Quảng Ninh đạt đột phá, phải kể đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 38,95% cùng kỳ, vượt 17,6% so với kịch bản. Đây là ngành đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP do một số sản phẩm có nhu cầu thị trường lớn như xi măng, sợi bông cotton... giữ mức tăng cao.
Một số tập đoàn lớn về gia công chế tạo đặt nhà máy tại Quảng Ninh như Foxcon, công ty kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam, công ty Bumjin Electronics Cl.Ldt, công ty TNHH dệt may Weitai Hạ Long… hoạt động hiệu quả giúp tăng giá trị tăng thêm của ngành này và góp phần để Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế.