Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Quảng Ninh chuyển đổi mô hình tăng trưởng bằng tư duy đột phá

Hơn 10 năm trước, việc chuyển đổi kinh tế từ “nâu” sang “xanh” ở Quảng Ninh tưởng chừng không thể. Tuy nhiên, người đứng đầu tỉnh lúc bấy giờ vẫn quyết định làm.

Quang Ninh anh 1

Giờ đây, Quảng Ninh đang được xem như hình mẫu phát triển quốc gia. PGS.TS Trần Đình Thiên đã có những chia sẻ về hành trình chuyển đổi ngoạn mục và không đơn giản này của Quảng Ninh.

- Đồng hành với Quảng Ninh từ rất lâu, ông nhận định thế nào về việc tỉnh quyết liệt chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”?

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh được đặt ra từ vài chục năm trước, nhưng không làm được, bởi khai thác than rất ô nhiễm. Trong khi đó, Quảng Ninh có vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đẹp, nhiều di sản văn hóa nổi tiếng để làm du lịch.

Bao nhiêu năm không thể thực hiện vì thiếu những điều kiện quan trọng. Trong đó, người lao động Quảng Ninh chủ yếu là công nhân mỏ, lâu nay vẫn sống lệ thuộc vào khai thác than.

Điều kiện làm du lịch lại rất khác. Ở Quảng Ninh, “xanh” đầu tiên là phải giảm than, nghĩa là chuyển từ đào than sang làm du lịch. Du lịch dựa trên nền tảng di sản thiên nhiên thế giới.

Thời trước, dù biết vậy, Quảng Ninh vẫn không thể làm. Giảm khai thác than ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập của 150.000 công nhân mỏ. Áp lực xã hội và thách thức kinh tế đều lớn, vượt qua là bất khả thi. Vì thế, sau nhiều năm, vấn đề vẫn không được giải quyết. Theo tôi, không thể thay đổi hiện trạng nếu vẫn giữ cách làm cũ - chân lý đơn giản là như vậy.

Quang Ninh anh 2

PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ về hành trình chuyển đổi ngoạn mục của Quảng Ninh.

- Như ông phân tích, nhiều người sẽ lựa chọn bằng lòng với cơ cấu ngân sách của tỉnh gồm 70% từ than, 20% từ sản xuất kinh doanh và 10% từ đất mà không cần thay đổi. Tuy nhiên, cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ của Quảng Ninh đã không chọn sự an toàn?

Cách đây hơn 10 năm, vị Bí thư mới của Quảng Ninh đặt vấn đề phải chuyển từ “nâu” sang “xanh”.

Để làm được như vậy, tỉnh phải chuyển trọng tâm kinh tế sang du lịch. Tuy nhiên, phải là du lịch đẳng cấp thế giới. Còn nếu làm du lịch “tầm tầm”, du khách đẳng cấp cao sẽ không đến.

Đầu tiên, thành phố phải sạch lên, không còn bụi than để các tọa độ du lịch trọng điểm như Hạ Long, Cẩm Phả gọn gàng. Thứ hai, các tuyến đường kết nối phải thông. Nghĩa là quy hoạch lại Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Quy hoạch để làm thật thì mới bứt phá thật. Trên tinh thần đó, Hạ Long được chọn là tâm điểm của công cuộc phát triển theo “hai tuyến - đa chiều”, hướng nâng tầm đẳng cấp.

Những người lãnh đạo cần tập trung làm quyết liệt để Hạ Long trở thành đô thị du lịch tầm cao, chuyển dịch, lan tỏa dần sang Vân Đồn. Cây cầu nối Hạ Long sang Bãi Cháy để kết nối Tuần Châu tạo thành hành lang động lực phát triển đặc biệt quan trọng.

Khi đã quyết tâm làm kinh tế du lịch rồi thì phải có tư duy dồn ưu tiên cho du lịch. Bên đó, ngành khai thác than cứ phát triển ổn định, bình thường vì xử lý vấn đề lao động ngành này rất khó. Lúc đó, sứ mệnh của ngành than chủ yếu vẫn là tạo công ăn việc làm, bảo đảm thu nhập cho công nhân mỏ.

Thấm nhuần tư tưởng ấy, lãnh đạo Quảng Ninh thiết kế những chương trình hành động quyết liệt bám sát chiến lược chuyển từ “nâu” sang “xanh” bằng tư duy, tầm nhìn đột phá. Có lẽ vì thế, tỉnh đi đúng quỹ đạo và xác lập vị thế cho mình.

- Ông có thể chỉ ra những thay đổi nổi bật để thực hiện chiến lược đó?

- Lãnh đạo Quảng Ninh tập trung “thông” tuyến đường từ Hạ Long, Cẩm Phả ra Móng Cái, để có thương mại, dịch vụ gắn liền du lịch. Sáng kiến mở đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng là một đột phá. Năm 2013, lãnh đạo tỉnh báo cáo Thủ tướng cho phép được đầu tư tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, nối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Riêng hạng mục dự án cầu Bạch Đằng (thuộc tổng thể dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng) sử dụng vốn theo hình thức BOT.

Năm 2014, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng được khởi công. Ngày 1/9/2018, 26 km đường cao tốc và cầu Bạch Đằng khánh thành, thông xe nối cao tốc Hải Phòng - Hà Nội. Tuyến cao tốc thúc đẩy liên kết vùng, kết nối toàn khu vực và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mở thêm không gian, cơ hội phát triển kinh tế toàn khu vực.

Điểm đặc biệt của hạ tầng du lịch Quảng Ninh là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Khi Quảng Ninh đặt vấn đề làm sân bay Vân Đồn, nhiều người phản đối, đa số hoài nghi. Bởi lúc đó, Vân Đồn chưa có lý do đặc biệt thuyết phục để làm sân bay, Nhà nước cũng không dư tiền bạc.

Quang Ninh anh 3

Toàn cảnh sân bay Vân Đồn.

- Như vậy, có thể coi Quảng Ninh là minh chứng sinh động nhất cho sự thay đổi lớn trong tư duy của cơ quan, khi đã nhìn nhận và đề cao vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân?

- Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã thay đổi tư duy khi mời doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công cuộc kiến tạo diện mạo của tỉnh. Có thể thấy, bên cạnh thay đổi tư duy là sự can đảm, “liều mạng”, dám chấp nhận rủi ro của Sun Group.

Trong tiến trình đổi mới của Quảng Ninh, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn như một “ngòi nổ”, là biểu tượng cho sự trỗi dậy của tỉnh.

Khi xây dựng được sân bay, hệ thống giao thông kết nối cũng nhanh chóng thay đổi. Điển hình nhất là tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Tuyến đường được doanh nghiệp tư nhân đầu tư như công trình nghệ thuật và mở ra không gian phát triển rộng lớn cho Quảng Ninh nói riêng cũng như cả nước nói chung.

- Các địa phương khác có thể tham khảo gì ở Quảng Ninh, thưa ông?

- Tôi vẫn mong muốn có sự tổng kết cho Quảng Ninh như hình mẫu phát triển quốc gia. Nhà nước căn cứ vào đó để tạo cảm hứng phát triển cho các địa phương khác. Chúng ta không nên cổ vũ quan điểm mãi đi xin Trung ương một cách thức phát triển. Bởi vì, với tâm thế đi xin, địa phương còn lâu mới phát triển.

Giang Đăng Nguyên

Bạn có thể quan tâm