Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị đã có văn bản yêu cầu thị xã Điện Bàn kiểm tra, giám sát việc Công ty CP Bách Đạt An (có trụ sở tại Đà Nẵng) huy động vốn thông qua hình thức phân lô bán đất nền trái quy định.
Người dân chịu thiệt
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Đỗ Pháp (Đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam có những động thái siết chặt quản lý đất đai trên địa bàn trong bối cảnh hiện nay là hợp lý; tuy nhiên, giống kiểu "mất bò mới lo làm chuồng". Bởi thực tế, có những giao dịch chưa phù hợp với các quy định của pháp luật đã diễn ra và hàng nghìn người dân đang có nguy cơ mất số tiền lớn.
Vị luật sư này nói thêm hiện nay, nhiều dự án kinh doanh, đầu tư liên quan đến bất động sản chưa đầy đủ giá trị pháp lý để được đưa vào giao dịch. Vì ham lời trước mắt, các tập thể, cá nhân vẫn tham gia huy động vốn, đặt cọc và đặt chỗ đất nền dự án theo nhiều cách khác nhau. Đây là một nhu cầu có thật của thị trường bất động sản vốn đang "nóng" lên.
Khu đất do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Nhiều nhà đầu tư nhỏ, nhà đầu tư thứ cấp sẵn sàng bỏ vốn mua “lúa non” để khi dự án hoàn thành bán ra thu lời được nhiều hơn. "Người dân khi đã tham gia vào các cuộc chơi chưa đảm bảo pháp lý thì có thể nhận rủi ro rất lớn", luật sư Pháp nói và dẫn chứng về trường hợp Công ty CP Bách Đạt An đã không giữ uy tín, thất hứa khi thời hạn đã qua nhiều tháng (theo cam kết) nhưng vẫn chưa giao hơn 1.000 sổ đỏ cho khách hàng.
Theo luật sư, nếu dự án bị cơ quan chức năng "tuýt còi", cấm giao dịch do không đảm bảo tính pháp lý, người mua có thể chỉ nhận về tiền vốn đã bỏ ra, tiền phạt cọc hay bồi thường rất thấp, thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường.
Có trường hợp tranh chấp, hoặc dự án vướng vào các vấn đề pháp lý không thể hoàn thiện, người dân có nguy cơ mất trắng vốn vì chủ đầu tư không còn khả năng hoàn trả tiền cho người mua đất.
"Nếu phiên tòa tranh chấp dân sự giữa Công ty Bách Đạt An, Hoàng Nhất Nam và khách hàng kết thúc 'có hậu' thì khách hàng vẫn chịu thiệt nhiều nhất", luật sư Pháp nhận định.
Chuyên gia pháp lý này khuyên người dân cần nắm rõ các quy định của pháp luật trước khi đặt cọc mua bất động sản. Mặt khác, nếu có nhu cầu mua đất thì mọi người phải tìm hiểu kỹ tính pháp lý của từng dự án để đảm bảo sau khi nộp đủ tiền thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Giải quyết tranh chấp tại tòa
Theo ông Phú, Sở này tiếp nhận một số đơn kiến nghị của công dân liên quan đến việc Công ty CP Bách Đạt An huy động vốn tại các dự án khu đô thị Bách Đạt 1, khu đô thị 7B mở rộng và Hera Complex Riverside.
Theo phản ánh của người dân, dự án trên chưa được hoàn thành hạ tầng, chưa đủ cơ sở pháp lý mở bán nhưng từ năm 2018, Công ty Bách Đạt An đã ủy quyền cho Công ty CP Hoàng Nhất Nam (trụ sở ở Đà Nẵng) rao bán, nhận tiền đặt cọc của hơn 1.000 khách.
Sau khi tiếp nhận đơn, Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn các đơn vị liên quan nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu, huy động vốn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Sở Xây yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản… Theo ông Phú, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND thị xã Điện Bàn phối hợp với các đơn vị liên quan niêm yết, cung cấp thông tin các dự án trên để các tổ chức, cá nhân thực hiện việc huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định.
Cơ quan chức năng tiếp nhận phản ánh của khách hàng. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
"UBND thị xã Điện Bàn phải đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý, đầu tư hoàn thiện dự án đảm bảo quy định pháp luật, theo các văn bản hướng dẫn của Sở Xây dựng", ông Phú cho hay.
Liên quan đến quyền lợi khách hàng, ông Trịnh Xuân Thái, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho biết đây là quan hệ giao dịch dân sự được điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự nên thẩm quyền giải quyết là của tòa án chứ không thuộc thẩm quyền cơ quan chức năng địa phương.
Tại các hợp đồng ký kết giữa 2 công ty và phiếu đăng ký mua đất, các chủ thể tham gia thống nhất xác định "nếu có phát sinh tranh chấp thì khởi kiện tại tòa án".
Thanh tra Sở xây dựng Quảng Nam đề nghị các khách hàng đặt mua đất nền của 3 dự án trên gửi đơn khởi kiện lên TAND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng (nơi 2 công ty này đặt trụ sở), để được giải quyết quyền lợi.
Trước đó, ngày 17/1, khoảng 1.000 người đặt cọc tiền mua đất ở các dự án trên tập trung tại trụ sở Công ty Bách Đạt An trên đường Nguyễn Du (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đòi sổ đỏ. Theo cam kết, tháng 12/2018, người dân sẽ được bàn giao sổ đỏ nhưng đến giờ vẫn chưa có.
Bà Lê Lan Hương, Chánh văn phòng Công ty Hoàng Nhất Nam, cho biết chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng khi không ra sổ đúng hạn.
Còn ông Lê Kim Hùng, đại diện pháp lý cho Bách Đạt An, lý giải không biết việc Công ty Hoàng Nhất Nam ký hợp đồng và nhận tiền của người dân nên đơn vị không chịu trách nhiệm "trả nợ" sổ đỏ cho 1.000 khách hàng nói trên.
Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: Google Maps. |