Đâu là công thức thành công của tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang-seo?
Đấy là trí tuệ Hàn Quốc kết hợp với thành tựu đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam. Tối nay tại Hàng Đẫy, CLB Hà Nội và TP.HCM - 2 đội bóng đại diện cho 2 yếu tố ấy sẽ gặp nhau trong trận đấu tranh ngôi đầu V.League.
Quang Hải và đồng đội hứa hẹn có một trận cầu khó khăn tại Hàng Đẫy. Ảnh: Minh Chiến. |
Quang Hải, Duy Mạnh thách thức trí tuệ Hàn Quốc
CLB Hà Nội chắc chắn là hình ảnh phản chiếu sức mạnh của hệ thống đào tạo trẻ mới, ra đời và phát triển trong 10 năm trở lại đây. Đội bóng thủ đô sở hữu lò đào tạo tốt nhất Việt Nam hiện nay, là cái nôi đưa Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng tới đỉnh cao sự nghiệp.
Đội hình của họ có những cầu thủ xứ Nghệ như Ngân Văn Đại, Nguyễn Văn Công, mới bổ sung Bùi Tiến Dũng từ Thanh Hóa hồi đầu mùa. Trước đó, đại diện thủ đô cũng tiếp nhận Trương Văn Thái Quý, Hồ Minh Dĩ từ PVF.
Đội hình của HLV Chu Đình Nghiêm giống như hình ảnh một đội tuyển quốc gia thu nhỏ, với quân số đến từ hầu hết lò đào tạo lớn. Lò Gia Lâm ở Hà Nội, lò Hải Dương, Thanh Hóa, SLNA, Thể Công… đều có mặt tại đây.
Ở bên kia chiến tuyến, TP.HCM là một câu chuyện khác. Đội hình của họ gần như không có ngôi sao hạng A nào. Cái tên đẳng cấp nhất Trần Phi Sơn chưa chơi trận nào từ đầu mùa.
Đội hình TP.HCM thuộc nhóm tầm trung V.League với chỉ một vài cựu tuyển thủ quốc gia và U23. Mức đầu tư của họ cũng khá vừa phải, đội bóng không được nâng đỡ bởi hệ thống đào tạo trẻ, truyền thống, lịch sử của TP.HCM đều khá hạn chế.
Những gì ông Chung Hae-seong (áo vest) đang làm được ở TP.HCM thực sự đáng kính trọng nếu nhìn vào lực lượng của đội bóng này. Ảnh: Quang Thịnh. |
Bất chấp điều đó, chính họ chứ không phải CLB Hà Nội mới đang là đội bóng vững vàng trên đỉnh V.League. Đại diện miền Nam thành công đến vậy bởi họ có HLV Chung Hae-seong. Giống như HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam, ông Chung đã thổi luồng gió mới vào đội bóng TP.HCM.
Chất Hàn Quốc ở đội bóng được tạo nên bởi sự kỷ luật, chắc chắn, bởi tính thực dụng và tinh thần lao động cực kỳ nghiêm túc. TP.HCM ghi ít bàn hơn CLB Hà Nội (10 so với 15), thủng lưới nhiều hơn đối thủ (3 so với 2). Họ cũng không thắng được Quảng Ninh 5-0, chẳng hạ được SLNA 4-0, không thể hủy diệt Nagaworld 10 bàn.
Nhưng khác với CLB Hà Nội, TP.HCM biết thắng lúc cần thắng, giành được điểm khi cần giành. 6 trận từ đầu mùa, họ chưa từng ghi quá 3 bàn nhưng giành 5 chiến thắng trên 6 trận, hiệu quả điểm số cao nhất giải.
Hàng Đẫy tối nay sẽ là cuộc đối đầu thú vị nhất từ đầu mùa, nơi trí tuệ và sự thực dụng của bóng đá Hàn Quốc đối đầu thành quả hệ thống đào tạo trẻ của Việt Nam.
Viettel trở lại giúp CLB Hà Nội có 2 đại diện ở đỉnh cao V.League. Cả hai đội đều là biểu tượng cho những giá trị mà giải đấu khao khát. Ảnh: Minh Chiến. |
Ngày Hà Nội và TP.HCM trở lại đỉnh cao
Nhưng cuộc đối đầu giữa đôi bên chiều nay không chỉ là ngày Quang Hải đối mặt đồng hương thầy Park. 90 phút tại Hàng Đẫy còn đánh dấu sự trở lại của 2 biểu tượng bóng đá: TP.HCM và Hà Nội.
V.League 2019 là lần đầu tiên sau một thời gian dài, thủ đô có 2 đại diện góp mặt ở V.League: CLB Hà Nội và Viettel. Mùa giải này cũng là lần đầu tiên sau rất lâu, lại có một đại diện của thành phố mang tên Bác dẫn đầu BXH V.League.
Navibank Sài Gòn, Xuân Thành Sài Gòn, Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB... tất cả những cái tên ấy có gợi lên nhiều kỷ niệm? Không gì cả bởi chúng đều tồn tại quá ngắn ngủi, là sản phẩm ngắn hạn của những ông bầu trong cơn say bóng đá. Những đội bóng ấy ra đời và biến mất nhanh như lúc xuất hiện. Chúng không đại diện cho bất kỳ điều gì, không khiến người Hà Nội hay TP.HCM yêu mến lúc sinh ra, không khiến họ luyến tiếc khi qua đời.
Nhìn những đội bóng chỉ khiến cho nhân dân 2 thành phố lớn càng thêm luyến tiếc Cảng Sài Gòn, Thể Công, Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt...
Nhưng giờ thì những niềm tự hào ấy đang trở lại dù không còn trong hình hài cũ. CLB Hà Nội sau hơn một thập kỷ kiên trì, từng có lúc tuyệt vọng, giờ đã kéo được khán giả tới sân. Hàng Đẫy bắt đầu từ mùa trước đã trở thành điểm đến trong mơ với các CĐV.
Hàng Đẫy đang trở thành điểm đến trong mơ với các CĐV. Ảnh: Minh Chiến. |
Đội bóng thủ đô có hiệu ứng U23 Việt Nam hỗ trợ nhưng bản thân họ chưa từng phản bội triết lý bóng đá đẹp. 4 trận tại Hàng Đẫy từ đầu mùa, sân bóng chưa lúc nào dưới 11.000 khán giả. Nếu “CĐV là tài sản lớn nhất của đội bóng” như hàng chữ đầy tự hào được viết trên sân Thanh Hóa, CLB Hà Nội hẳn đang là đội bóng giàu nhất V.League.
Ở TP.HCM, điều tương tự cũng diễn ra. Đội bóng phía Nam sau kế hoạch thất bại với Toshiya Miura và Lê Công Vinh đã làm lại từ đầu dưới thời cựu trợ lý Guus Hiddink - ông Chung Hae-seong. Họ mới xây dựng lò đào tạo trẻ cuối năm ngoái, đã đưa về hàng loạt nhân tố miền Nam và đang bắt đầu lại với thứ bóng đá căn cơ, ít ngôi sao nhưng kỷ luật và hiệu quả.
Đối đầu CLB Hà Nội - TP.HCM chưa thể sánh với những trận cầu huyền thoại của Cảng Sài Gòn - Thể Công hay Cảng Sài Gòn - Tổng cục Đường sắt trong quá khứ. Nhưng có lẽ, họ đang ở điểm bắt đầu của hành trình ấy.
Trận đấu giữa CLB Hà Nội và đối thủ TP.HCM tại vòng 7 V.League sẽ diễn ra lúc 19h tối nay tại Hàng Đẫy.
BXH V.League sau vòng 6. Ảnh: VPF. |