Ông Trần Đình Du - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Bình, cho biết đã chỉ đạo Chi cục khai thác, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cử cán bộ túc trực 24/24h tại các bến cá, cảng, chợ để khi tàu cập bến thì kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy xác nhận nguồn gốc của thủy sản xa bờ để bán cá cho người tiêu dùng và các công ty.
Đã gần một tháng từ ngày xảy ra tình trạng cá biển chết hàng loạt, tối 30/4, những tàu cá đánh bắt xa bờ đã cập cảng cá Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình).
Ngay sau khi được cơ quan chuyên môn kiểm tra độ an toàn của cá thì hàng trăm người đã đổ xô về mua cá. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng đã đích thân cùng bà con xuống tàu mua cá.
Người dân chứng kiến cơ quan chức năng, kiểm tra, chứng thực nguồn gốc hải sản. |
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết người dân nên phân biệt rõ, cá chết trong bờ thì dứt khoát không được ăn, nhưng cá đánh bắt xa bờ không bị ô nhiễm thì vẫn có thể dùng. Trước sự chứng kiến của hàng trăm người dân, một chủ tàu đã đãi Bộ trưởng món cá ngừ luộc ngay tại cảng.
Anh Nguyễn Nhật Linh, chủ tàu QB 91096 TS (ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình), cho biết nếu bán xong số cá này thì tàu của anh lại tiếp tục lên đường ra khơi tiếp.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 1.000 tàu đánh bắt xa bờ. Nhưng thời gian qua do ảnh hưởng của cá chết hàng loạt nên hiện tại có khoảng 450 tàu đang hoạt động, khai thác đánh bắt xa bờ, và con số tàu cập cảng tại Quảng Bình cũng chỉ khoảng 100 tàu, còn các tàu khác chủ yếu cập vào Đà Nẵng, và các tỉnh miền Bắc.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đã chỉ đạo các lực lượng chức năng túc trực 24/24 để kiểm tra, kiểm định chất lượng cá mỗi khi tàu vào cập bến để người dân có thể mua sử dụng và nhập cho các tiểu thương, công ty.