6 tháng trước, chính quyền tỉnh Giang Tô áp dụng chính sách "không chôn cất", yêu cầu người dân hỏa táng người thân đã khuất để tiết kiệm quỹ đất.
Thế nhưng, thay vì sạch bóng trên thị trường như lý lẽ thông thường, quan tài bỗng xuất hiện tại tỉnh này với số lượng lớn. Một trong những địa điểm các thương nhân đưa quan tài tới là thành phố Tú Thiên, tỉnh Giang Tô. Theo điều tra của một kênh truyền hình địa phương, quan tài được đập vỡ và tái chế thành đồ nội thất.
Quan tài thành đồ nội thất
Theo điều tra của Nanjing Zero Distance, quan tài bằng gỗ tấm truyền thống cắt xẻ thành nhiều mảnh được tích thành hàng đống cao ở một địa điểm không được tiết lộ ở thành phố Tú Thiên. Một người làm việc trong ngành công nghiệp đồ nội thất cho biết lượng lớn quan tài được mua về với giá rẻ trong 2 tháng qua. Người này không tiết lộ nguồn gốc xuất xứ của những cỗ quan tài này.
Quan tài bị chẻ thành mảnh nhỏ và xử lý bên ngoài trước khi được dùng để làm đồ nội thất. Ảnh: SCMP. |
Chủ sở hữu một xưởng sản xuất đồ gỗ cho biết những cỗ quan tài sẽ bị xẻ nhỏ và bán cho các xưởng đồ gỗ để xử lý. Quá trình chế tác khiến sản phẩm tạo ra không thể bị phát hiện từng là những phần của một chiếc quan tài. Chúng sau đó được sử dụng để chế tạo thành đồ nội thất.
Từ khi chính sách không chôn cất được áp dụng, việc sở hữu hay sản xuất quan tài đã bị cấm. Tại nhiều địa phương, nhà chức trách Trung Quốc tiến hành các chiến dịch thu giữ và phá hủy hàng nghìn cỗ quan tài.
Không dừng lại ở Giang Tô, chính quyền Giang Tây cũng theo chân với chính sách tương tự. Nhằm mục tiêu tiết kiệm quỹ đất và chấm dứt những nghi lễ chôn cất rình rang tốn kém, chính quyền Giang Tây định ra thời hạn vào tháng 9 để người dân dừng hoàn toàn việc chôn cất và chỉ được hỏa táng người đã khuất.
Khi những cỗ quan tài mà nhiều người đã dành dụm cả đời mới có thể mua được bị đập nát hay thu giữ, nhiều người dân địa phương hết sức tức giận và thậm chí chống đối. Chiến dịch tịch thu và phá hủy quan tài cũng bị báo nhà nước Nhân dân Nhật báo gọi là "dã man".
Tịch thu bát hóa vàng
Tại tỉnh Hắc Long Giang, chính quyền thành phố Cáp Nhĩ Tân đang đứng trước làn sóng chỉ trích là xúc phạm truyền thống ma chay sau khi tịch thu hàng nghìn bát hóa vàng.
Cơ quan Quản lý và Giám sát thị trường thành phố hôm 14/8 ra thông cáo sẽ truy quét các cửa hiệu nhỏ và chợ có hoạt động sản xuất và lưu thông tiền âm phủ, vàng mã hay các vật dụng khác dùng để hóa vàng.
Viện dẫn các quy định từng được ban hành từ năm 2009 cấm mua bán tiền vàng và hóa vàng cho người đã khuất ở nơi công cộng, cơ quan này tuyên bố chiến dịch truy quét nhằm thúc đẩy "văn minh, sức khỏe, môi trường, an toàn và truyền thống tang lễ hài hòa".
Người Trung Quốc hóa tiền vàng và vật dụng bằng giấy cho người đã khuất. Ảnh: SCMP. |
Cũng như một số nước châu Á khác, người Trung Quốc có tập tục hóa tiền, vàng và một số vật dụng bằng giấy khác, từ nhà cửa, điện thoại tới ôtô, cho người thân đã khuất, tin rằng những người ở cõi âm sẽ nhận được và sử dụng chúng ở kiếp sau. Ngày cúng quan trọng nhất là 15/7 Âm lịch. Người Trung Quốc tin rằng đây là ngày vong hồn tổ tiên sẽ về thăm gia đình.
Năm nay, ngày 15/7 Âm lịch rơi vào 25/8. Đây cũng là ngày cuối chiến dịch truy quét các cơ sở sản xuất và mua bán vàng mã của nhà chức trách tỉnh Hắc Long Giang.
Trước sự mạnh tay của chính quyền, một số cơ sở nhỏ ở thành phố Cáp Nhĩ Tân đã phải dừng việc kinh doanh đồ vàng mã. Tuy nhiên, chính quyền thành phố này cũng hứng chịu nhiều chỉ trích. "Tại sao họ không dẹp luôn những lễ hội Âm lịch đi cho xong?", một ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội Weibo thể hiện sự bất bình.
Một người sử dụng Weibo khác cho rằng những tục lệ như hóa vàng trong ngày rằm Âm lịch là một phần trong hệ thống tín ngưỡng của người Trung Quốc. "(Việc hóa vàng) thể hiện tình cảm của chúng ta đối với người thân đã khuất. Làm thế nào mà việc này đột nhiên lại trở thành phi pháp? Tại sao họ không làm điều gì khác có ích hơn đi?".
Zhou Kai, một luật sư ở thành phố Nam Kinh, nhận định dù chính quyền Cáp Nhĩ Tân hành động vì lợi ích công cộng, chiến dịch truy quét vàng mã hay bát hóa vàng là không phù hợp bởi những tục lệ như hóa vàng chưa bị coi là bất hợp pháp ở Trung Quốc. Ông Kai cho rằng những hoạt động trên đều là tập tục truyền thống và quy định luật pháp quá cứng nhắc sẽ trở nên không hiệu quả.
"Cách tốt nhất là khuyên khích người dân, đề ra một biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề, ví dụ như lập ra một khu vực riêng cho những hoạt động tâm linh như vậy", ông Kai đề nghị.