Theo ông Trần Sơn Hải, trước tình trạng người nước ngoài hoạt động kinh doanh trái phép ở TP Nha Trang trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm ở các cơ sở phục vụ khách nước ngoài.
Những sai phạm chủ yếu là không niêm yết giá hàng hóa, thu đổi ngoại tệ trái phép, sử dụng lao động nước ngoài khi chưa được các cơ quan thẩm quyền cấp phép, sử dụng hướng dẫn viên (HDV) người nước ngoài trái phép.
Ông Trần Sơn Hải. Ảnh: An Bình |
- Những trường hợp phát hiện có vi phạm, tỉnh đã xử lý thế nào?
- Chúng tôi đã xử phạt những cơ sở không niêm yết giá, thu đổi ngoại tệ trái phép. Đối với những lao động chưa được cấp phép thì phía công an tỉnh đã rút ngắn thời hạn visa và buộc họ về nước. Trong đó có những người bị đưa vào diện hạn chế nhập cảnh, và có người đưa vào diện theo dõi.
- Một số HDV người Trung Quốc đến Khánh Hòa hoạt động trái phép đã có những xuyên tạc không đúng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tỉnh đã xử lý những vấn đề này thế nào?
- Chúng ta quản lý lỏng lẻo, để cho những người này vào hoạt động trái phép, dẫn khách và nói không đúng về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành chấn chỉnh.
Sắp tới, tỉnh giao Sở VH-TT cùng Sở Du lịch và UBND TP Nha Trang thành lập tổ thuyết minh viên ở một số điểm đến như tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, bảo tàng tỉnh… giỏi tiếng Trung Quốc để hướng dẫn cho khách mà không phụ thuộc vào HDV của từng đoàn.
Chúng tôi đã giao Sở Du lịch làm việc với tất cả các đơn vị, doanh nghiệp đón khách nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc phải làm cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ HDV.
- Để chấn chỉnh tình trạng ép giá, hạ giá tour, bán giá dịch vụ thấp như hiện nay, Khánh Hòa có những biện pháp nào?
- Về chuyện giá cả thì phải do nhu cầu của thị trường quyết định. Tuy nhiên, thời gian qua khách Trung Quốc đến Khánh Hòa nhiều nên xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, các đơn vị lưu trú hạ giá một cách không bình thường để tranh giành khách.
Vấn đề này chúng tôi đã giao Hiệp hội du lịch tỉnh làm việc với các doanh nghiệp làm sao thống nhất thị trường giá cả chung, phải giữ được thương hiệu du lịch Khánh Hòa. Muốn giữ được thương hiệu du lịch thì phải đảm bảo chất lượng dịch vụ và giá cả phù hợp.
Một HDV Trung Quốc đưa đón, dẫn khách tại cảng Cầu Đá Nha Trang. Ảnh: An Bình |
- Ông đánh giá như thế nào về vấn đề Khánh Hòa đón nhiều khách quốc tế nhưng lợi nhuận lại không cao và câu chuyện quản lý lỏng lẻo của các cơ quan ban ngành?
- Thời gian qua Khánh Hòa đón nhận sự tăng đột biến của khách Trung Quốc, từ đó nảy sinh những vấn đề liên quan như dịch vụ, lưu trú, kinh doanh trái pháp luật.
Sự tăng đột biến đó khiến các cơ quan quản lý của tỉnh lúng túng, trở tay không kịp. Nhưng thời gian tới sẽ siết chặt quản lý và tôi nghĩ cái này không khó.
- Câu chuyện đón khách Trung Quốc ở Khánh Hòa cũng tương tự như Đà Nẵng. Tuy nhiên Khánh Hòa phát hiện trước Đà Nẵng nhưng đến thời điểm này lại đi sau địa phương này trong công tác xử lý các sai phạm?
- Tôi cho rằng việc xử lý của cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa rất kịp thời. Cái chậm ở đây là các cơ quan quản lý nhà nước chậm kiến nghị các giải pháp xử lý triệt để, lâu dài.
Tuy nhiên cũng có thể trong quá trình kiểm tra xử lý ở đâu đó còn bỏ sót một số đơn vị có sai phạm mà báo chí đã phản ánh. Theo tôi, các cơ quan ban ngành của tỉnh đã lúng túng trong việc đề xuất các giải pháp.
Ví dụ câu chuyện HDV chui, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý. Nhưng làm sao có đủ HDV cho lượng lớn khách Trung Quốc thì chúng ta lúng túng, chưa có giải pháp. Bây giờ tìm HDV đạt chuẩn rất khó. 6 tháng đầu năm, Khánh Hòa đón lượng khách Trung Quốc bằng cả năm 2015, nên không có đủ HDV dẫn đoàn. Cái này mới 'đẻ' ra việc HDV chui, bất hợp pháp.
- Mặc dù tỉnh đã vào cuộc chấn chỉnh tình trạng hướng dẫn viên chui, nhưng thực tế thì ở các điểm du lịch, danh thắng vẫn có người hướng dẫn trái phép hoạt động công khai. Giải pháp nào để xử lý triệt để tình trạng này?
- Quan điểm của tỉnh là phải xử lý dứt điểm tận gốc vấn đề này, còn việc theo dõi, phát hiện từng người tôi nghĩ không cần thiết, không giải quyết được tận gốc. Và thực tế chúng ta cũng không thể đủ lực lượng để làm việc đó. Khách thì rất đông, đoàn kiểm tra không thể cử người đi theo từng đoàn được.
Giải pháp của chúng tôi là thành lập đoàn liên ngành, mời các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khách Trung Quốc đến cam kết không có sai phạm, trong đó có vấn đề HDV. Sắp tới tại các điểm đến như tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, nhà thờ đá, chùa Long Sơn, Viện Hải Dương…, sẽ có lực lượng thuyết minh người Việt Nam nói tiếng Trung Quốc. Khi đó những HDV Trung Quốc làm chui muốn cũng không hoạt động được.
Tỉnh cũng đã quyết định thành lập hai đoàn thanh tra liên ngành. Trong đó một đoàn do Sở Du lịch chủ trì làm việc với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế để thông báo, hướng dẫn về các quy định của nhà nước, buộc họ cam kết không vi phạm pháp luật về hoạt động lữ hành quốc tế.
Đoàn thứ 2 giao cho Sở Công Thương chủ trì, đi kiểm tra hoạt động của các cơ sở bán hàng phục vụ cho khách nước ngoài. Hai đoàn này sẽ làm việc liên tục trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 7.
- Xin cảm ơn ông!