Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quản lý đất đai, một bộ phận cán bộ 'cố ý làm sai để trục lợi'

Báo cáo giám sát về đất đai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra thực trạng một bộ phận cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý làm sai để trục lợi.

Báo cáo được tổng hợp sau khi đoàn giám sát đã làm việc với Chính phủ, 7 bộ ngành, một số doanh nghiệp bất động sản và khảo sát 40 dự án trên cả nước.

Thiếu đất dành cho giao thông, bãi đỗ xe

Theo báo cáo, giai đoạn 2006-2011, cả nước có 2.500 dự án nhà ở được cấp phép, trong đó có 635 khu đô thị mới 20 ha trở lên. Tính đến năm 2017, cả nước đã có 4.038 dự án với vốn đầu tư 4,8 triệu tỷ đồng. Tổng diện tích đất các dự án theo quy hoạch là 110.000 ha. Trong đó có 284 dự án có quy mô 50 ha trở lên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc thực hiện chính sách đất đai tuy có những điểm tích cực, tuy nhiên còn nhiều tồn tại hạn chế.

Quoc hoi giam sat dat dai anh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Minh Quân.

Một số địa phương còn chậm ban hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến 2020, kế hoạch sử dụng 2016-2020, ảnh hưởng đến việc phê duyệt, cấp phép, giám sát các dự án. Đến nay còn 5 tỉnh chưa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Bến Tre, và Cà Mau.

Ngoài ra, phương pháp quy hoạch đất đai tại một số địa phương còn hạn chế, thiếu tầm nhìn. Công tác dự báo chưa theo kịp sự phát triển, chưa tính đến năng lực của chủ đầu tư. Ngoài ra, việc lấy ý kiến nhân dân còn mang tính hình thức.

Tại TP.HCM và Hà Nội, đất dành cho giao thông chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc lập thẩm định, phê duyệt, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch đô thị còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đánh giá, số lượng đô thị tăng nhanh nhưng phân bổ chưa đều, còn chênh lệch giữa vùng đồng bằng và vùng miền núi, ven biển.

Điển hình, vùng có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất là Đông Nam Bộ với 72%, trong khi vùng thấp nhất là miền núi phía Bắc với 22%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra việc triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật còn chậm. Các dự án nhà ở, dịch vụ thương mại không đáp ứng được yêu cầu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, từ đó gây ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ảnh hưởng chất lượng sống của người dân.

Điển hình tại TP.HCM và Hà Nội, đất dành cho giao thông chỉ chiếm 9%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Ngoài ra, tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi dưới 1% trong khi yêu cầu phải là 3-4%.

'Điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện'

Báo cáo cũng chỉ ra việc ban hành quy chế quản lý kiến trúc còn chậm, ảnh hưởng công tác quy hoạch. Nhiều địa phương còn chậm phê duyệt các quy hoạch phân khu. Tỷ lệ quy hoạch chi tiết mới 37% so với tổng số đất đô thị quy hoạch.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tình trạng xây dựng chưa tuân thủ quy hoạch kiến trúc còn phổ biến, trong khi việc quản lý chưa đồng bộ.

Việc xây dựng các công trình cao tầng co cụm vào trung tâm. Theo tính toán 80% cao tầng nằm trong nội đô Hà Nội, trong đó chưa kết hợp hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

"Việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, điều chỉnh một số dự án chưa bám sát định hướng quy hoạch chung”, báo cáo nêu.

Số liệu trong báo cáo chỉ ra hiện cả nước có 1.390 dự án có điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. Các điều chỉnh chủ yếu là tăng số lượng tầng cao thêm, tăng diện tích sàn thương mại, bổ sung nhà ở. Trong khi đó giảm diện tích đất dành cho công cộng, giảm đất cây xanh, hạ tầng kỹ thuật. Các điều chỉnh khác quy hoạch ban đầu này làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, giao thông, lợi ích chung của người dân.

Tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép chậm được xử lý. Điển hình như dự án 8B Lê Trực có phần công trình xây dựng sai phép, tự ý tăng chiều cao các tầng nhưng không được xử lý dứt điểm. Một số khu vực như Đầm Vông, Đầm Xoài (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện tồn tại các khu dân cư trong khi quy hoạch là đất cây xanh.

Quoc hoi giam sat dat dai anh 2
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, điều chỉnh một số dự án chưa bám sát định hướng quy hoạch chung. Ảnh: Việt Linh.

Báo cáo chỉ ra việc xây dựng các công trình cao tầng co cụm vào trung tâm. Theo tính toán 80% cao tầng nằm trong nội đô Hà Nội, trong đó chưa kết hợp hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Tại một số đô thị không lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu thầu, đấu giá mà chỉ định. Một số dự án cho chuyển mục đích từ đất thương mại, dịch vụ sang đất ở mà không đảm bảo thủ tục, cơ sở pháp lý. Việc điều chỉnh mục đích đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, giao đất khi văn bản chấp thuận đầu tư hết hiệu lực.

Đoàn giám sát cũng nêu việc sử dụng các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) ở nhiều địa phương còn bất cập. Theo đó hiện nay có 22/53 địa phương thực hiện dự án BT. Việc triển khai các dự án còn bất cập trong việc xác định giá đất, quỹ đất, chênh lệch giá trị quỹ đất dùng để thanh toán. Ngoài ra, hầu hết BT chỉ định thầu, không thông qua đấu giá, có khả năng gây thất thoát ngân sách.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra thực trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại đô thị. Theo đó, việc triển khai thu hồi đất để mở rộng 2 bên đường còn khó khăn. Việc xây dựng thiếu kinh phí, không đồng đều cảnh quan dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Ngoài ra, việc thu hồi này cũng dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Ngoài ra, việc di dời các bộ ngành, các cơ sở công nghiệp, giáo dục ra khỏi nội đô nhìn chung còn chậm. Một số cơ quan sử dụng trụ sở cũ làm cơ sở 2, hoặc kinh doanh thương mại, không ưu tiên bổ sung hạ tầng xã hội.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi

Báo cáo chỉ ra hạn chế của bộ máy chính quyền, năng lực cán bộ còn yếu. Thông tin dữ liệu chưa được hệ thống hóa, số hóa, dự báo phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Công cụ quy hoạch chưa tốt, quy chuẩn xây dựng chậm ban hành.

“Một số bộ phận lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm sai để trục lợi”, báo cáo nêu.

Quốc hội chỉ ra trách nhiệm của Chính phủ trong việc chậm đốc thúc việc ban hành quy hoạch, quy hoạch một số địa phương; chậm ban hành các nghị định dưới Luật. Ngoài ra, Chính phủ còn chậm kiểm tra đôn đốc một số bộ ngành, cơ sở công nghiệp, cơ sở đào tạo di dời. Việc xử lý các vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài.

Bộ Xây dựng chưa thường xuyên kiểm tra thực hiện pháp luật tại các đô thị, các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường chậm đôn đốc địa phương lập, trình, thẩm định, hoàn thiện bản đồ địa chính.

Báo cáo chỉ ra tồn tại của các UBND cấp tỉnh, các sở ngành trong lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuế đất, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo khắc phục, làm rõ trách nhiệm cá nhân… trong quản lý và sai phạm về đất đai. Chính phủ cần báo cáo Quốc hội vào kỳ họp thứ 10.

Báo cáo được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội sáng 27/5, trong phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

'Ngộp thở' 40 tòa cao ốc trên tuyến đường 2 km ở Hà Nội

Nổi tiếng với 2 km đường gánh 40 cao ốc, trục đường Lê Văn Lương từ lâu đã thành điểm nóng bất động sản ở thủ đô với tốc độ đô thị hóa chóng mặt.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm