Chiều 11/4, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12.
Trả lời câu hỏi báo chí liên quan đến công tác phối hợp giữa Việt Nam và Pháp trong việc tu bổ biệt thự cổ tại địa chỉ 49 Trần Hưng Đạo, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết dự án tu bổ biệt thự mẫu tại số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài nằm trong khuôn khổ hợp tác của dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France.
Từ khi khởi công ngày 18/2/2022 đến nay, phía Pháp đã cử ê kíp các nhà chuyên môn, kiến trúc sư cùng tham gia với quận trong quá trình thiết kế, lập dự án tiến hành trùng tu công trình này. Việc tu bổ được thực hiện cẩn trọng trên nguyên tắc bảo tồn tối đa yếu tố gốc của công trình.
Biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo trước khi được tu bổ. Ảnh: Duy Phạm. |
Nói thêm về biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo, Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, thông tin: Đây là một trong những công trình được xây dựng từ thời kỳ đầu của người Pháp ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX. Khu đất rộng gần 10.000 m2, trừ đi 200 m2 phục vụ xây dựng ga ngầm C10 (thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) do đó khuôn viên biệt thự còn 800 m2.
"Hiện tại biệt thự đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài; phần nội thất đang được thi công. Ngày 15/4 tới đây, quận Hoàn Kiếm tổ chức triển lãm trưng bày bộ ảnh màu đầu tiên của Hà Nội tại khuôn viên này", ông Long thông tin.
Lãnh đạo quận cho biết thêm hiện nay quận đang tập trung tu bổ các biệt thự khác trên địa bàn, chủ yếu là các biệt thự Pháp xây dựng trước năm 1954. Số lượng khoảng 7 biệt thự sẽ được tu bổ trong năm 2023 bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Ngoài ra, toàn bộ biệt thự trên địa bàn quận cũng đang được kiểm định theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội để phục vụ công tác tu bổ thời gian tới.
Dự án bảo tồn căn biệt thự cổ này được UBND TP Hà Nội và vùng Ile de France thống nhất trong thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2010-2015 và Biên bản ghi nhớ năm 2013. Tuy nhiên, phải chờ đến 10 năm để hiện thực hóa mong muốn hồi sinh một di sản kiến trúc Pháp giữa lòng Hà Nội, mà không đô thị nào khác ở khu vực Đông Á có được.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và rất cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.